Tiêu điểm

Thanh tra Chính phủ phát hiện các sai phạm kinh tế hơn 100 ngàn tỷ

(VNF) - Sáng 25/4, tại Hà Nội, đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Thanh tra Chính phủ phát hiện các sai phạm kinh tế hơn 100 ngàn tỷ

Hơn 100 ngàn tỷ, hơn 4 ngàn ha đất

Theo số liệu báo cáo năm 2016 và quý I/2017 của TTCP, toàn ngành đã triển khai 8.471 cuộc thanh tra hành chính và 289.172 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 101.224 tỷ đồng, 4.168 ha đất.

Cơ quan này đã kiến nghị thu hồi 46.730 tỷ đồng, 1.347 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 54.495 tỷ đồng, 2.823 ha đất; ban hành 189.225 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12.395 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.022 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 111 vụ việc, 185 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành 60 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và thanh tra trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. 

Kết quả 24 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận, phát hiện vi phạm số tiền 11.095 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 5.001 tỷ đồng; kiến nghị, xử lý khác 6.094 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 5 vụ, 40 đối tượng. TTCP kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến nội dung thanh tra.

Tiếp gần nửa triệu lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 447.657 lượt công dân với 247.964 vụ việc; có 5.989 đoàn đông người; xử lý 202.277 đơn đủ điều kiện trong tổng số 306.940 đơn đã tiếp nhận, trong đó có 67.730 đơn khiếu nại, 19.013 đơn tố cáo; đã giải quyết 27.990/35.078 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 80%. 

Trong đó, TTCP đã xử lý 14.226 đơn trong tổng số 16.996 đơn đã tiếp nhận. Qua xử lý đơn, đã phát hành 3.573 văn bản hướng dẫn công dân khiếu nại và 908 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết; 147 văn bản chuyển trả lại đơn cho cơ quan chuyển đơn đến TTCP không đúng thẩm quyền; kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết 61 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao.

Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 76,1 tỷ đồng, 44 ha đất; trả lại quyền lợi cho 1.692 người, kiến nghị xử lý hành chính 541 người.

Tính đến tháng 3/2017, TTCP ban hành 24 kết luận thanh tra, kiểm tra. Đơn vị này cũng đã công bố tại cuộc họp, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của TTCP 19/24 thông báo kết luận thanh tra.

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, trong thời gian tới cần đánh giá trong hệ thống thanh tra và chính quyền các cấp việc thực hiện, tỷ lệ và các hình thức công khai để từ đó đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công bố công khai kết luận thanh tra. 

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chế tài hướng dẫn việc thực hiện công khai các kết luận thanh tra. Đồng thời, nghiên cứu làm rõ trách nhiệm pháp lý của người ra quyết định thanh tra và người ký kết luận thanh tra.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, khi tổng kết Luật Thanh tra 2010, sửa đổi Luật Thanh tra trong thời gian tới, TTCP cần quan tâm đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tổ chức Chính phủ và những quy định liên quan đến bí mật Nhà nước. Mặt trận cũng sẽ phối hợp với TTCP qua việc đóng góp ý kiến khi sửa Luật Thanh tra trong thời gian tới.

Cụ thể hóa quy định với kết quả "nhạy cảm"

Đối với những trường hợp nhạy cảm, bí mật khi công bố kết luận thanh tra, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải cụ thể hóa và có quy định cụ thể đối với một số lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán. 

Việc quy định các trường hợp nhạy cảm, bí mật phải xác định cụ thể cấp nào ra được quy định, tránh sự tùy tiện. Ngoài ra, các ngành, địa phương nào có danh mục bí mật phải công bố để việc thanh tra được chủ động.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với TTCP từng bước làm tốt việc công khai hóa kết quả thanh tra, tiến tới đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. 

Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành giám sát tại 5 bộ và địa phương nhằm bước đầu đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện công khai kết luận thanh tra.

Căn cứ kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ kiến nghị, đề xuất những vấn đề nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về việc thực hiện công khai kết luận thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các thành viên của Mặt trận, nhân dân, các cơ quan truyền thông có thể tiếp cận đầy đủ thông tin phục vụ quá trình giám sát thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan Nhà nước.

Tin mới lên