20 năm Hiệp định thương mại Việt - Mỹ: Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Đình Lương và những chuyện chưa kể

VNF - 13/07/2020 09:27 (GMT+7)

(VNF) - Nhân dịp tròn 20 năm ngày kí kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (13/7/2000 - 13/7/2020), Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Đình Lương đã kể lại những chuyện thú vị xung quanh lễ kí kết bản hiệp định quan trọng này.

VNF
Ông Nguyễn Đình Lương

“13/7/2000 là ngày đáng nhớ nhất đời tôi”, ông Nguyễn Đình Lương mở đầu cho câu chuyện ngược dòng lịch sử về 20 năm trước, thời điểm ông là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam đối với Hiệp định thương mại Việt – Mỹ.

“Ngày Hiệp định thương mại Việt Nam – Mỹ được ký kết tại Washinton, một gánh nặng ngàn cân được đẩy khỏi vai còm của tôi, sau 5 năm trời đánh vật. Ước mơ, mong muốn có một văn bản pháp lý để nhờ sức ép thời đại đập nát thứ kinh tế bao cấp lỗi thời, trì trệ, mở đường cho đất nước phát triển cùng thời đại, đã thực hiện được.

“Ngày tôi được vào Nhà Trắng, được gặp và chụp ảnh với Tổng thống Bill Clinton và sau đó được tổng thống "cảm ơn Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Nguyễn Đình Lương" trong buối họp báo mà đài CNN truyền hình trực tiếp, cả thế giới theo dõi, trong đó có cả vợ con tôi ở nhà, với tôi, một ông thợ cày xứ Nghệ, từ mảnh đất nghèo chó ăn đá, gà ăn sỏi, thế là được rồi, không mơ gì hơn nữa”, ông Lương cảm xúc.

Ai đã quyết định và tại sao quyết định lấy ngày 13/7 để ký?

Ông Nguyễn Đình Lương cho biết sau khi ký biên bản thỏa thuận và nguyên tắc tại Hà Nội ngày 25/7/1999, Hiệp định thương mại Việt – Mỹ cơ bản đã hoàn tất. Toàn hiệp định chỉ còn 11 điểm, chủ yếu về kỹ thuật, vài phần trăm mở cửa các loại dịch vụ phải bàn thêm (đáng ra là ký được tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Aucland, New Zealand, tháng 9/1999 nhưng rồi tuột cơ hội).

Đoàn đàm phán Việt Nam đã tới Washinton D.C ngày 3/7/2000 để chuẩn bị trước, Bộ trưởng Vũ Khoan đi chậm vài hôm. Bộ trưởng ở cùng sứ quán. Đoàn đàm phán ở Motel, nhà trọ, theo định mức chi của Bộ Tài chính.

Sau buổi gặp nhau chào xã giao, giới thiệu thành phần, hai đoàn Việt Nam và Mỹ cũng chỉ mất khoảng hơn nửa tiếng đã thống nhất các vấn đề, trong đó để lại 3 vấn đề xử lý ở cấp Bộ trưởng (thêm vài phần trăm mở cửa dịch vụ tài chính, viễn thông).

Mọi việc cũng nhẹ nhàng và thuận lợi. Ông Nguyễn Đình Lương và ông Joe Damond, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, bàn và thống nhất tổ chức để hai bộ trưởng chính thức ký kết vào ngày 11/7/2000.

Ông Lương chia sẻ: “Ngày 11/7/2000 cũng là ngày 11/6 âm lịch, ngày giỗ cha tôi. Biết trước là ngày giỗ cha còn phải ở lại Washinton chưa về được, tôi đã mang theo thẻ hương thơm, định bụng, ngày đó mua thêm bó hoa để cúng cha. Nếu Hiệp định ký vào ngày 11/7 thì tôi quá hạnh phúc”.

“Nhưng rồi, sáng 11/7, ông Damond báo lại cho tôi là chưa ký được, vì Nhà Trắng thông báo ngày giờ ký hiệp định là do tổng thống quyết. Tối hôm đó, tôi đã thắp hương cúng cha, với lòng thành kính và thưa với cha rằng: Việc khó nhất đời con, con đã làm được, nợ với đời con đã trả, con đã xứng đáng với cha".

“Cha tôi, một người thông minh, văn hay, chữ đẹp, hào hoa phong nhã, ai cũng quý, ai cũng thương, công việc của đoàn thể cách mạng luôn sôi nổi, trách nhiệm. Cuộc đời tôi luôn dõi theo bóng cha, chỉ tiếc rằng ông mất quá sớm, lại thời buổi khó khăn, mẹ tôi và anh em tôi quá vất vả”, ông Lương trải lòng.

Theo ông Lương, sau khi thông báo như trên, ông Damond nói thêm rằng sở dĩ tổng thống Mỹ quyết định ngày giờ ký vì ông muốn dành cho mình cái quyền là người đầu tiên thông báo với thế giới về việc ký kết hiệp định với Việt Nam.

“Sau tôi hiểu thêm tại sao phải ký lúc 13h, vì 14h tổng thống họp báo, trong diễn văn có câu: 'Cách đây mấy phút, Đại sứ Barshepsky và Bộ trưởng Vũ Khoan đã ký một hiệp định giữa Mỹ và Việt Nam'”, ông Lương cho hay.

Ngày ký giả, ngày ký thật và bức ảnh ký giả, bức ảnh ký thật

Tiếp mạch chuyện, ông Lương cho biết: như đã quyết định, đúng 13h ngày 13/7, hai đoàn Việt – Mỹ gặp nhau để ký. Nhưng chuyện oái ăm là cho đến lúc kí, hiệp định vẫn chưa có bản tiếng Việt.

Nguyên do là trước lúc ra đi, Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị cho phái đoàn ta mấy trăm tờ giấy cứng có viền - loại giấy dùng cho các hiệp định của Việt Nam. Từ sáng sớm, ngày 13/7, luật sư Nguyễn Hồng Dương, người phụ trách văn bản hiệp định, đã đi tìm chỗ in hiệp định, thế nhưng ở Mỹ lại không có máy in ra giấy cứng.

Loay hoay mãi, cuối cùng phái đoàn ta quyết định in hiệp định từ trong đĩa ra giấy trắng Mỹ rồi chụp lại. Tổng cộng ta đã in chụp gần 300 tờ cho hai bộ Việt Nam và Mỹ. Việc này mất một buổi sáng mà vẫn không xong. Hai bộ trưởng, hai đại sứ và các thành viên trong đoàn cùng các nhà báo cứ phải ngồi… chờ.

Nhưng chờ mãi cũng không được. Sắp đến giờ vào Nhà Trắng gặp tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Vũ Khoan và Đại sứ Barshepsky đành ngồi vào bàn, cầm bút, đứng sau là hai Đại sứ, chụp ảnh "lễ ký".

“Đó là ký giả và bức ảnh đó là bức ảnh ký giả, nhưng ngày đó (13/7) được ghi vào hiệp định là ngày ký”, ông Lương giải thích và cho biết vào hôm sau (14/7), ông Joe Damond và ông đã phải ký nháy vào từng trang văn bản, mỗi người phải ký gần 600 chữ ký. Ký xong, hai ông trình lên hai Bộ trưởng ký chính thức rồi và chụp ảnh.

“Đó mới là ngày ký thực và bức ảnh buổi ký thật, có mặt hai bộ trưởng, hai đại sứ và hai trưởng đoàn đàm phán”, ông Lương cho hay.

Vào Nhà Trắng và ra khỏi Nhà Trắng

Ông Lương cho biết, khi đi vào Nhà Trắng tiếp kiến Tổng thống Bill Clinton, đoàn Việt Nam được dẫn vào phòng khách Roosevelt. Khi ấy, ở đó đã có đủ các quan chức quan trọng phía Mỹ như: đại sứ Barshefsky, thượng nghị sĩ John McCain, thượng nghị sĩ John Kerry, hạ nghị sĩ Reyes, thứ trưởng ngoại giao phụ trách kinh tế Larson, đại sứ Peterson, trưởng đoàn Joe Damond.

Trong khi mọi người đang chờ, ngoài vườn Nhà Trắng, chiếc trực thăng chở Tổng thống Bill Clinton hạ cánh. Ông Bill Clinton vừa về từ trại David - nơi ông đang tổ chức cuộc đàm phán giữa Israel và Palestin. Ông vui vẻ bắt tay từng người và chụp ảnh với Bộ trưởng Vũ Khoan và một số người.

Sau mấy phút chào hỏi, chuyện trò thân mật, mọi người ra vườn Hồng để dự họp báo. Buổi họp báo có CNN truyền trực tiếp. Ở đây tổng thống đọc một bài diễn văn. Trong bài diễn văn, tổng thống nói lướt qua quá trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ; quá trình tìm kiếm để có thể có hiệp định thương mại giữa hai nước; ý nghĩa của hiệp định đối với kinh tế xã hội Việt Nam.

Ông Bill Clinton kết thúc bài diễn văn bằng câu: "Hiệp định này là một điều nhắc nhở nữa rằng những kẻ thù có thể đến với nhau và tìm được điểm chung theo cách cùng có lợi cho nhân dân họ, bỏ qua quá khứ và nắm lấy tương lai, tha thứ và hòa giải". Ông không quên cảm ơn những người đã có đóng góp cho sự thành công cuộc đàm phán này.

“Khi Tổng thống nhắc đến câu: ‘Cảm ơn Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Nguyễn Đình Lương’, ông Joe Damond đứng cạnh tôi bấm tay tôi một cái thật đau, hai chúng tôi nhìn nhau, cười và thích”, ông Lương hồi tưởng.

Nhắc lại một kỉ niệm vui sau khi kết thúc sự kiện, ông Lương cho biết khi rời khỏi Nhà Trắng, Bộ trưởng Vũ Khoan đã khoác vai ông, nói nhỏ: “Ông Lương ơi, có chuyện bây giờ mình mới dám nói, ông Cầm (Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm – PV) điện sang bảo, ký xong thì phái ông Lương về ngay để báo cáo Bộ Chính trị, nhà đang chờ. Còn mình, mình đã xin phép được đi chơi vài hôm”

“Số mình đúng là số khổ. Nguyễn Du tiên sinh đã dạy rồi: ‘Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa’. May quá, không lấy được vé đi ngay, vé Việt Nam đi Mỹ thời đó không phải như bây giờ”, ông Lương hài hước.

Chén rượu Vodka ngon nhất trong đời

Ông Lương cho biết ngày 14/7, ký xong hiệp định, bộ trưởng về sứ quán Việt Nam. Chưa đến giờ về nấu cơm chiều nên anh em trong đoàn về văn phòng thương vụ chơi.

“Cảm giác của mình lúc đó rất lạ, cứ lâng lâng khó tả, có thể là niềm vui do cất được gánh nặng, tự nhiên mình thấy nhạt miệng, muốn có một cái gì đó mành mạnh, mà không biết cái gì.

“May quá, liếc nhìn lên giá sách, thấy một chai Vodka. Mắt mình sáng lên, đây rồi, đúng là cái mình muốn. Bật chai luôn, mấy anh em rót mỗi người một cốc, nốc một hơi. Trời ơi, sao ngon thế, sướng thế. Cảm giác lúc đó, là cảm giác của bác thợ cày, trời nắng chang chang, cày xong thửa ruộng, mồ hôi nhễ nhại, ngồi phệt lên bờ, rít một hơi thuốc lào, rít thật sâu rồi nhả khói lên trời: sướng!”, ông Lương nhớ lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác