Bà Phạm Chi Lan:'Đừng lừa dối nhau về chỉ tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh'
Nguyễn Tuyền -
12/12/2018 16:56 (GMT+7)
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Chính phủ thời gian qua đã đưa ra hai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh nhưng Nghị quyết 19 mới chỉ cắt bỏ vài điều kiện kinh doanh sau đó không có hiệu quả, cắt chỗ nọ, mọc chỗ kia, rồi chuyển mục tiêu cắt bỏ sang đơn giản hóa, sửa đổi. Cải cách phải triệt để nhưng chúng ta đang tự lừa dối lẫn nhau.
Chia sẻ tại Tọa đàm đánh giá kinh tế Việt Nam 2016 - 2018, dự báo tăng trưởng năm 2019 và năm 2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 12/12, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: Nền kinh tế cần tìm động lực tăng trưởng, chúng ta nói nhiều đến năng suất lao động, khu vực tư nhân, song cái chính vẫn là cải cách khu vực Nhà nước và khoa học công nghệ.
Cải cách khu vực Nhà nước nhằm giải phóng nguồn lực, bỏ rào cản để cả nền kinh tế thay đổi quan điểm. Với khoa học công nghệ, chúng ta nói rất hay về Cách mạng 4.0 nhưng chính sách chưa đi liền và đến được cuộc sống. Người sáng tạo vẫn phải sang nước ngoài, sang Singapore để lập nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng.
Trong thời gian qua, Chính phủ xây dựng Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 đều nhằm mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực của kinh tế đất nước.
"Nghị quyết 19 mang tính kỹ thuật, sự vụ, sự việc khi tập trung cắt bỏ các giấy phép con, điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua, rõ ràng mục tiêu cao nhất là cắt bỏ hàng loạt không thực hiện được mà chỉ bỏ được vài điều kiện", bà Lan nói.
Vị nữ chuyên gia cho rằng: Điều kiện kinh doanh này được bỏ, cái khác lại được lập ra, từ mục tiêu bãi bỏ phải chuyển sang đơn giản, sửa đổi... Chúng ta đừng tự lừa dối lẫn nhau trong cắt giảm điều kiện kinh doanh khi mà bối cảnh "trên nóng", "dưới lạnh" ảnh hưởng lớn đến khả năng thực thi.
Vị nữ chuyên gia nhấn mạnh: "Nghị quyết 35 của Chính phủ được xem là cốt lõi, bản lề của cải cách khi xác lập 10 nguyên tắc của kinh tế thị trường, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta phải tập trung thực hiện các nguyên tắc thị trường của Nghị quyết 35 thay vì bãi bỏ vài điều kiện đơn lẻ".
Về doanh nghiệp nội, bà Lan cho rằng, thời gian qua Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp nội địa song chủ yếu là tự thân phát triển hoặc hình thành và phân biệt rạch ròi giữa đại gia và nhóm doanh nghiệp nhỏ.
"Khu vực doanh nghiệp nhỏ đang chiếm 80%, giải quyết 30% lao động, chúng ta cần quan tâm đến khu vực này hơn nữa'', chuyên gia Lan nói.
Bà Lan nói: "Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc khu vực FDI. Khu vực FDI lớn nhưng họ không tập trung hoặc chú trọng xây dựng mạng lưới, công nghiệp hỗ trợ, Chính vì lý do chúng ta nằm cạnh Trung Quốc, họ có những sản phẩm thiết bị hỗ trợ quá rẻ, nếu sản xuất ở Việt Nam cũng không thể cạnh tranh được".
Hơn nữa, hiện cả Mỹ và Trung Quốc đang công khai xung đột thương mại với nhau, nhưng tất cả cũng chỉ đến giới hạn nào đó, bởi họ vẫn là thị trường của nhau. Khi Trung Quốc và Mỹ bắt tay nhau, sẽ có thị trường khác để họ hy sinh và điều đó sẽ là các nước như Việt Nam.
"Cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường lớn và ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên về lâu dài và dễ tác động hơn là kinh tế Trung Quốc. Chúng ta cần xem xét và vạch đường hướng để đối phó với những diễn biến mới", bà Lan nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.