Ba tù nhân được Triều Tiên phóng thích nói gì?

Chu La - 11/05/2018 17:35 (GMT+7)

(VNF) - Ba tù nhân là công dân Mỹ vừa được Triều Tiên trả tự do cho biết phải làm các công việc chân tay, nhưng cũng được điều trị khi ốm đau.

VNF
Tù nhân Mỹ tại Triều Tiên phải lao động khổ sai, giam trong phòng tối.

Rạng sáng 10/5, máy bay của Không quân Mỹ chở Ngoại trưởng Mike Pompeo và 3 công dân được Triều Tiên phóng thích đã hạ cánh xuống sân bay ở căn cứ không quân Andrews.

Khi máy bay chở họ hạ cánh ở Alaska để tiếp nhiên liệu trước khi hạ cánh xuống căn cứ Andrews, một người trong số họ đã đề nghị được ra ngoài chốc lát vì đã rất lâu không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chia sẻ.

Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức ngay tại căn cứ Andrews, Kim Dong-chul, một trong ba người được phóng thích, cho biết ông bị buộc lao động khổ sai và từng bị ốm trong suốt thời gian 2 năm bị giam giữ ở Triều Tiên:

“Tôi được đối xử theo nhiều cách khác nhau và phải làm rất nhiều công việc chân tay. Nhưng tôi cũng được điều trị mỗi khi bị ốm”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đích thân đón 3 tù nhân Mỹ được Triều Tiên thả về.

Kim Dong-chul (ngoài 60 tuổi) bị bắt hồi tháng 10/2015. Ông là người duy nhất trong ba tù nhân Mỹ rơi vào tay Triều Tiên trước khi Tổng thống Trump nhậm chức.

Ông được cho là đã tới Diên Cát từ năm 2001 và làm việc cho một công ty dịch vụ khách sạn. Triều Tiên kết án Kim Dong-chul 10 năm tù với cáo buộc gián điệp và âm mưu lật đổ chính quyền.

Hai người được phóng thích cùng đợt với ông là Kim Hak-song và Tony Kim.

Kim Hak-song, nhà tư vấn về nông nghiệp, bị giới chức Triều Tiên bắt năm 2017 với cáo buộc lên kế hoạch thực hiện "hành vi thù địch", một thuật ngữ mơ hồ Bình Nhưỡng sử dụng đối với các cá nhân được cho là có âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên.

Tony Kim, 59 tuổi, mang quốc tịch Mỹ nhưng sinh ra tại Hàn Quốc. Tony Kim bị bắt ngày 22/4/2017 khi đang cố rời khỏi Triều Tiên cùng vợ. Vợ ông hiện đã về Mỹ. Tony Kim cũng bị cáo buộc có "hành vi thù địch" và âm mưu lật đổ chính quyền.

Bên trong nhà tù Triều Tiên

Trong cuộc phỏng vấn năm 2015, cựu tù nhân Mỹ Aijalon Gomes tại Triều Tiên nhớ lại anh bị nhốt trong "một buồng giam bằng xi măng rất lạnh". Gomes sau đó bị đưa đến lò gạch và phải lao động cải tạo. Khi được hỏi anh có bị tra tấn hay không, Gomes nói: "Có những lúc bạo lực nhưng cũng có những lúc nhân đạo".

Laura Ling, nhà báo Mỹ bị Triều Tiên bắt năm 2009 cùng với đồng nghiệp Euna Lee, cho biết cô bị giữ trong một phòng tối có diện tích chỉ 3 mét vuông. Ling và Lee bị kết án tù khổ sai vì nhập cảnh trái phép.

Nhưng Ling không bị gửi đến một trại lao động, mà được chuyển đến một buồng giam thường, nơi cô được điều trị bệnh viêm loét. Ling cũng được phép gọi điện và gửi thư cho chị gái, chồng và bố mẹ ở Mỹ. Ling được Triều Tiên phóng thích vào cuối năm 2009, sau khi cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Bình Nhưỡng.

Laura Ling, nhà báo Mỹ bị Triều Tiên bắt năm 2009, phát biểu khi được Triều Tiên trả tự do về nước.

Kenneth Bae, một nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn, bị Triều Tiên kết án 15 năm tù khổ sai về tội âm mưu lật đổ nhà nước. Bae nói rằng các điều tra viên Triều Tiên thẩm vấn ông 15 tiếng một ngày trong 4 tuần đầu tiên. Ông được đối xử tốt hơn sau khi viết lời thú tội, mô tả mình là kẻ khủng bố đã lên kế hoạch lật đổ chính phủ.

Bae làm việc trên một cánh đồng đậu nành và sụt hơn 13 kg, nhưng ông vẫn được phép đọc email từ gia đình và bạn bè Mỹ cũng như đọc Kinh Thánh. Ông đã phải nhập viện ba lần vì các bệnh tiểu đường, bệnh tim và đau lưng.

Bae cho hay, tình trạng sức khỏe của ông ngày một tồi tệ đi bởi chứng đau lưng ông mắc phải từ trước lúc vào tù. Bên cạnh đó, Bae cũng chịu không ít áp lực về mặt tinh thần khi bị đối xử như một tù nhân chính trị.

Bae cho biết, ông đã giảm 27 kg trong vòng hai năm sống tại trại lao động khổ sai. Các tù nhân ở đây bị giám sát 24/7. Khoảng 30 nhân viên an ninh luôn túc trực canh gác, bảo vệ trại.

Kenneth Bae, một nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn, bị Triều Tiên kết án 15 năm tù khổ sai.

Tuy nhiên, Bae cảm thấy chính phủ Triều Tiên vẫn coi trọng người ngoại quốc và quan tâm đến hình ảnh của họ ở nước ngoài. Bae được trả tự do vào năm 2014 sau khi giám đốc tình báo quốc gia Mỹ vào thời điểm đó, James Clapper Jr., đến Bình Nhưỡng.

Xem thêm >> 'Nếu Israel phải hứng mưa thì Iran sẽ lãnh đại hồng thủy’

Theo Washington Post
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.