Bão lũ hoành hành từ châu Á đến châu Âu, toàn cầu hứng thiệt hại
(VNF) - Trong tuần trước và đầu tuần này, những cơn bão đã liên tục đổ bộ ở nhiều khu vực trên toàn cầu, gây lũ lụt ở châu Âu, châu Phi, trong khi châu Á vẫn tiếp tục đối phó với những hậu quả do cơn bão Yagi để lại.
Bão Boris gây báo động đỏ tại châu Âu
Cơn bão có tên Boris di chuyển chậm đã và đang gây ra thảm họa mưa lũ ở miền trung châu Âu, có khả năng là thảm họa tồi tệ nhất kể từ thảm họa đa quốc gia năm 2002, khi một số khu vực của các thành phố lớn như Prague (Cộng hòa Séc), Dresden (Đức) và Vienna (Áo) gần như bị nhấn chìm.
Trước đó, văn phòng Khí tượng Anh đã báo hiệu những cơn "mưa cực lớn" bắt đầu từ cuối tuần trước tại miền Trung và miền Nam châu Âu sẽ kết thúc tuần này, với lượng mưa lên tới 300mm ở một số địa điểm.
Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, bao gồm Áo, Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Romania, trong khi các quốc gia trên khắp khu vực đã và đang chuẩn bị ứng phó.
Theo Reuters, tính tới ngày 15/9, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 7 người trong hai ngày ở một số quốc gia trong khi hơn 10.000 người đã phải sơ tán ở Cộng hòa Séc.
Vào ngày 15/9, một người đã chết đuối ở hạt Klodzko và chính quyền đã khuyên người dân Moszczanka và Laka Prudnicka sơ tán sau khi một con đập có nguy cơ sụp đổ bị vỡ. Tại Áo cùng ngày, một lính cứu hỏa đã tử nạn khi đang làm nhiệm vụ.
Tại Romania, 2 người nữa được xác nhận đã tử vong vì lũ lụt vào ngày 15/9, sau khi 4 người tử vong vào ngày 14/9.
Khoảng 5.400 ngôi nhà đã bị hư hại ở khu vực đông nam Galati (Romania), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt, đài truyền hình Antena 3 đưa tin.
Các dịch vụ cứu hộ đã được triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khi chính quyền cảnh báo rằng họ đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 100 năm qua trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết chính phủ sẽ ban bố tình trạng thảm họa và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu.
Báo động đỏ, mức cảnh báo cao nhất, đã được ban hành cho một số khu vực của Ba Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Áo và Slovakia. Mức cảnh báo này liên quan đến "hiện tượng khí tượng dữ dội" và "có khả năng gây ra thiệt hại lớn", theo Meteoalarm .
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng đã đề nghị hỗ trợ các quốc gia đang ứng phó với mưa lớn.
Hơn 200 tù nhân trốn khỏi nhà tù sau trận lũ lớn ở Nigeria
Cơ quan Cải huấn Nigeria cho biết hôm 15/9 rằng ít nhất 274 tù nhân đã trốn thoát khỏi một nhà tù ở bang Borno của Nigeria sau trận lũ lụt lớn.
Người phát ngôn của cơ quan này, ông Abubakar Umar cho biết trong một tuyên bố: "Lũ lụt đã làm sập các bức tường của các cơ sở cải tạo, bao gồm trung tâm giam giữ an ninh trung bình Maiduguri (MSCC) cũng như khu nhà ở của nhân viên trong thành phố".
Theo ông Umar, ít nhất 281 tù nhân đã trốn thoát khi họ đang được chuyển đến "một cơ sở an toàn và bảo mật" và bảy người trong số họ đã bị bắt lại sau đó.
Ông Umar cho biết cơ quan này biết danh tính của những người trốn thoát, bao gồm cả thông tin sinh trắc học của họ, và đã công khai thông tin này "cho công chúng", cuộc tìm kiếm các tù nhân vẫn đang được tiến hành.
Theo dữ liệu mới nhất từ cơ quan quản lý thiên tai NEMA của Nigeria, tình trạng lũ lụt kéo dài nhiều tuần trên khắp Nigeria đã khiến 229 người thiệt mạng và hơn 386.000 người phải di dời.
Dữ liệu cho thấy miền Bắc Nigeria là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt. Tiểu bang Borno nằm ở phía đông bắc của đất nước.
Tháng trước, Cơ quan Dịch vụ Thủy văn Nigeria (NIHSA) cũng cảnh báo về mực nước dâng cao của sông Niger, một trong những con sông lớn nhất của đất nước, đồng thời kêu gọi các tiểu bang phải luôn trong tình trạng báo động.
Theo dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, các trận mưa cực lớn dự kiến sẽ tăng về tần suất và cường độ trên hầu hết các khu vực ở châu Phi, bao gồm cả Nigeria, do biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm nóng hành tinh.
Giữa tuần trước, nước lũ tràn bờ từ một con đập ở miền bắc Nigeria đã nhấn chìm một sở thú và cuốn trôi nhiều loài động vật, bao gồm cả cá sấu và rắn, vào các cộng đồng dân cư gần đó.
Bão Yagi gây lũ lụt, khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Myanmar
Theo số liệu chính thức, lũ lụt và lở đất đã giết chết gần 350 người ở Myanmar, Việt Nam, Lào và Thái Lan sau cơn bão Yagi đổ bộ vào khu vực này vào cuối tuần trước.
Riêng tại Myanmar, chính phủ quân sự nước này cho biết số người chết do lũ lụt ở Myanmar đã tăng lên ít nhất 113 người
Người phát ngôn chính phủ Zaw Min Tun cho biết, ít nhất 320.000 người đã phải di dời và 64 người vẫn mất tích, theo bản tin đêm khuya trên MRTV của nhà nước.
Theo số liệu công bố hôm 13/9, số người chết trước đó của chính quyền là 33 người, với hơn 235.000 người phải di dời.
Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành, đồng thời cho biết thêm lũ lụt đã phá hủy hơn 65.000 ngôi nhà và 5 con đập.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết mưa bão chủ yếu ảnh hưởng đến thủ đô Naypyidaw, cũng như các khu vực Mandalay, Magway và Bago, cùng với các bang Shan phía đông và phía nam, các bang Mon, Kayah và Kayin.
Nhiều vùng đất nông nghiệp đã bị ngập lụt ở các khu vực miền Trung, bao gồm cả khu vực xung quanh thủ đô Naypyidaw nằm ở vùng trũng rộng lớn.
Đã có báo cáo về lở đất ở các khu vực đồi núi nhưng đường sá và cầu bị hư hỏng, đường dây điện thoại và internet bị đứt, việc tổng hợp thông tin gặp nhiều khó khăn.
Các con sông Sittaung và Bago, chảy qua miền trung và miền nam Myanmar, đều vẫn ở trên mức nguy hiểm vào ngày 15/9, truyền thông nhà nước cho biết, mặc dù mực nước dự kiến sẽ giảm trong những ngày tới.
Thượng Hải (Trung Quốc) đón bão lớn nhất 70 năm
Bão Bebinca đã đổ bộ vào Thượng Hải (Trung Quốc) vào sáng 16/9. Theo hãng truyền thông nhà nước CCTV, đây là cơn bão mạnh nhất tấn công Thượng Hải trong 70 năm qua, kể từ cơn bão Gloria năm 1949.
Cơn bão dự kiến sẽ mang theo mưa trên một khu vực rộng lớn, từ Ninh Ba ở Chiết Giang đến Thượng Hải và Khải Đông ở Giang Tô.
25 triệu cư dân thành phố đã được khuyến cáo không nên ra khỏi nhà và tất cả các chuyến bay tại hai sân bay chính của Thượng Hải đều bị hủy.
Chính quyền cho biết chín nghìn cư dân đã được sơ tán khỏi quận Sùng Minh, một hòn đảo ở cửa sông Dương Tử.
Tất cả các xa lộ đều bị đóng lúc 1:00 sáng giờ địa phương (17h GMT) và giới hạn tốc độ 40 km/h được áp dụng trên các con đường bên trong thành phố.
Truyền thông nhà nước đưa tin, sáng 16/9, gió giật mạnh lên tới 42 mét/giây đã thổi qua Thượng Hải.
Adam Douty, nhà khí tượng học tại AccuWeather, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng cơn bão có khả năng sẽ gây ra đợt sóng cao khoảng 1 -2m vào sông Dương Tử, gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến phía bắc thành phố.
Chu San, nơi có một số bể chứa dầu và nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, đã cảnh báo người dân ở trong nhà khi mưa và gió mạnh bắt đầu tấn công thành phố vào chiều 15/9.
Bebinca là cơn bão thứ hai đổ bộ vào Trung Quốc chỉ trong vài tuần, sau khi siêu bão Yagi tấn công đảo Hải Nam ở phía nam nước này, khiến người dân thiệt mạng và gây thiệt hại trên diện rộng.
Bão Yagi lớn nhất 30 năm qua, gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ
- Bão Yagi đẩy nợ xấu tăng, ngân hàng hỗ trợ DN để 'cứu' chính mình 16/09/2024 08:15
- Rừng chõi nguyên sinh trăm tuổi trên Đảo Cô Tô bị bão Yagi quật nát 16/09/2024 08:00
- Thủ tướng Phạm Minh Chính bật khóc khi nói về sự tàn phá của bão YAGI 15/09/2024 08:25
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.