Bất động sản tuần qua: Hòa Bình muốn làm khu du lịch tâm linh 3.000 tỷ, TP. Hạ Long trở thành đô thị lớn nhất nước

Trần My - 05/10/2019 07:24 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 47,67ha đất trồng lúa để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Lạc Thủy với tổng vốn đầu tư hơn 3.038 tỷ đồng. Đây là một trong những thông tin nhận được quan tâm của dư luận trong tuần qua.

VNF
Khu du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) có tổng vốn đầu tư hơn 3.038 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Hòa Bình muốn đổi 47,6ha đất trồng lúa thành khu du lịch tâm linh hơn 3.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Hòa Bình mới đây đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 47,67 ha đất trồng lúa năm 2019 để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Hòa Bình, dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy do Công ty TNHH một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Lạc Thủy được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016 với các hạng mục chính như khu dịch vụ đón tiếp, khu dịch vụ cáp treo, khu công viên Nguồn cội, công viên Việt Nam quê hương tôi, công viên chủ đề vui chơi giải trí, khu nhà ở Hoa Sen, khu nhà ở làng quê Việt, khu dịch vụ mặt nước sinh thái...

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.038 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là hơn 455 tỷ đồng (chiếm 15% tổng số vốn), phần còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp.

Liên quan đến nội dung này, tại cuộc hợp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức ngày 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng. Những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương.

"Ngày 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Như vậy, dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định. (Xem thêm)

Hạ Long sắp trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước

Theo đề án sắp xếp, sáp nhập TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh sẽ nhập toàn bộ 843,54km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của TP. Hạ Long.

Tên gọi của đơn vị hành chính mới là TP. Hạ Long sẽ có diện tích 1.119,36km2, quy mô dân số 300.267 người.

Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc TP. Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ. Đối với thị trấn Trới, đề án đề nghị nâng cấp lên phường để đảm bảo theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hệ thống chính trị, thống nhất theo mô hình chung, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của 2 địa phương hiện tại, giữ nguyên tổ chức bộ máy cấp xã.

Sau khi sáp nhập, đơn vị hành chính TP. Hạ Long mới sẽ là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Đây sẽ là đô thị lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, lớn nhất về số đơn vị hành chính trực thuộc.

Tại hội nghị lần thứ 43 để cho ý kiến về tình hình công tác 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2019 cùng một số nội dung quan trọng khác, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghe và cho ý kiến về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Trước đó, vào buổi sáng, Ban thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến và thống nhất 100% báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ. (Xem thêm)

Hai doanh nghiệp muốn làm dự án Vega City Vân Đồn 10.000 tỷ đồng, rộng 300ha

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có buổi làm việc và cho ý kiến về ý tưởng quy hoạch phân khu dự án Vega City Vân Đồn do Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh và Công ty Cổ phần Liên Sơn nghiên cứu, đề xuất.

Theo đề xuất của doanh nghiệp, dự án Vega City Vân Đồn nằm ở xã Vạn Yên trên diện tích khoảng 300ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

"Dự án sẽ xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái cao cấp tạo động lực phát triển cho khu kinh tế Vân Đồn; hình thành các khu công nghệ cao, dịch vụ thương mại du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, đô thị sinh thái bền vững và chất lượng cao, tạo điểm đến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; tái hiện thương cảng cổ Vân Đồn", đại diện doanh nghiệp nêu ý tưởng.

Tại cuộc làm việc, đại diện doanh nghiệp cũng báo cáo tính khả thi và năng lực triển khai của doanh nghiệp, đồng thời đề xuất tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn về dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết ý tưởng đề xuất nghiên cứu quy hoạch dự án là lĩnh vực mà tỉnh Quảng Ninh đang ưu tiên thu hút đầu tư, thông qua đó tạo ra sản phẩm du lịch đẳng cấp cho huyện Vân Đồn cũng như Quảng Ninh. (Xem thêm)

Thủ tướng chỉ đạo vụ 21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc

Ngày 30/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thông tin phản ánh “21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc".

Văn phòng Chính phủ cho biết theo phản ánh của báo chí, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng hiện có 246 lô đất. Trong số này, có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi tiếp nhận được phản ánh này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng xử lý theo đúng pháp luật. (Xem thêm).

Cùng chuyên mục
Tin khác