BĐS tuần qua: Diễn biến mới tại dự án 10 tỷ USD của Vingroup, Đà Nẵng thu hồi 2 dự án liên quan Vũ 'nhôm'

Lệ Chi - 01/08/2021 12:19 (GMT+7)

(VNF) - Siêu dự án Hạ Long Xanh 10 tỷ USD: Quảng Ninh đã giao 568ha đất GPMB cho Vingroup; Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống: Những khu vực dân cư nào thuộc diện phải di dời?; Đà Nẵng thu hồi 2 dự án liên quan đến Vũ 'nhôm' để làm công viên biển, bãi tắm; Nhiều thương vụ M&A đình đám làm tăng nhiệt bất động sản công nghiệp; Hà Nội dự kiến chi 500 tỷ đồng tổng kiểm tra toàn bộ chung cư cũ... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

VNF
Đà Nẵng thu hồi 2 dự án liên quan đến Vũ 'nhôm' để làm công viên biển, bãi tắm

Siêu dự án 10 tỷ USD: Quảng Ninh đã giao 568ha đất GPMB cho Vingroup

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh là dự án lớn của tỉnh với diện tích phải thực hiện giải phóng mặt bằng là 923,6ha, ảnh hưởng đến hơn 300 ngôi mộ và 1.562 hộ dân thuộc các phường Hà Khẩu, Đại Yên. Đến nay, Trung tâm đã thực hiện bàn giao được gần 60% diện tích đất cho nhà đầu tư với tổng số 568/923.6ha, đảm bảo đủ các điều kiện để nhà đầu tư khởi công dự án.

Với diện tích còn lại, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Hạ Long đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước như kiểm đếm, đo vẽ trích lục, phê duyệt phương án bồi thường... để hoàn thành bàn giao toàn bộ diện tích vào cuối năm 2021.

Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng cho biết hiện TP. Hạ Long đang thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 66 dự án, trong đó có 10 dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố, 56 dự án phát triển kinh tế và các dự án khác, liên quan đến gần 6.000 hộ dân. Tiêu biểu như dự án tuyến đường nối từ cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng; cầu Cửa Lục 1, 3; cải tạo, chỉnh trang QL279; khu đô thị phức hợp Hạ Long xanh... (Xem thêm)

Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống: Những khu vực dân cư nào thuộc diện phải di dời?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản phản hồi UBND TP. Hà Nội về một số nội dung kiến nghị, đề xuất liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) tỷ lệ 1/5000.

Theo văn bản này, về không gian thoát lũ, Bộ NN&PTNT cho biết tại văn bản số 1258/UBND-ĐT, thành phố đã xác định không gian thoát lũ bao gồm lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê tả, hữu Đuống hiện có là phù hợp với Quy hoạch 257/QĐ-TTg. Tuy nhiên, trong đồ án quy hoạch vẫn sử dụng khái niệm “hành lang thoát lũ” và xác định các khu vực nằm trong và ngoài “hành lang thoát lũ” là không phù hợp, đề nghị rà soát, chỉnh sửa.

Đối với các khu dân cư hiện có ở bãi sông, Bộ NN&PTNT thống nhất đề xuất việc di dời các khu vực dân cư Đông Ngàn (huyện Đông Anh), Yên Viên (huyện Gia Lâm), Thượng Thanh và Ngọc Thuỵ (quận Long Biên) hiện có ở bãi sông, bởi đây là các khu dân cư cần phải di dời đã được xác định tại Phụ lục II Quy hoạch 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc bổ sung danh mục (giữ lại, cải tạo, chỉnh trang) các khu vực dân cư hiện có thuộc thôn Đông Trù, Phúc Thọ, thôn Du Ngoại, thôn Hạ chưa có trong phục lục III Quy hoạch 257/QĐ-TTg.

Bộ NN&PTNT cho biết đối với khu vực dân cư thông Đông Trù, xã Đông Hội, thôn Phúc Thọ, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh hiện có ở bãi sông, việc bổ sung khác khu dân cư nêu trên vào danh mục các khu vực dân cư tập trung là cần thiết và phù hợp.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị thành phố chỉ đạo rà soát, tính toán đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống lũ, từ đó đề xuất bổ sung vào danh mục các khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ trong quá trình lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong quy hoạch thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Đối với khu dân cư thôn Du Ngoại (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh), Bộ NN&PTNT cho biết đây là khu dân cư không nằm ở bãi sông nên không ảnh hưởng đến không gian thoát lũ, chứa lũ của sông Đuống. Sự tồn tại của khu dân cư này đồng thời không trái với Quy hoạch 257/QĐ-TTg. Do đó, Bộ NN&PTNT đồng tình với việc có thể giữ lại.

Đối với khu dân cư thôn Hạ, huyện Gia Lâm, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị giữ lại khu vực dân cư này. Bởi đây là khu dân cư thuộc khu vực bãi Phù Đổng đã được xác định trong danh mục các khu vực dân cư tập trung hiện có tại Phục lục III, Quy hoạch 257/QĐ-TTg. (Xem thêm)

Đà Nẵng thu hồi 2 dự án liên quan đến Vũ 'nhôm' để làm công viên biển, bãi tắm

UBND TP. Đà Nẵng đã đạt được sự thống nhất với một số chủ đầu tư về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại các dự án có quy mô lớn. Kết quả thực hiện sẽ được UBND thành phố báo cáo trình HĐND thành phố tại kỳ họp thứ hai, dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 10/8.

Theo đó, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5 lối xuống biển dọc các resort ven biển quận Ngũ Hành Sơn.

Đồng thời, thành phố tiếp tục ký biên bản thống nhất với chủ đầu tư dự án khu du lịch biển DAP theo hướng xây dựng công viên công cộng rộng 3ha nằm trong dự án, chủ đầu tư bỏ kinh phí thực hiện.

UBND thành phố cho biết Thường trực Thành ủy đã thống nhất tiếp tục triển khai dự án Meridian Tower tại khu đất 84 Hùng Vương và thành phố đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 cũng như đang triển khai các thủ tục tiếp theo.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng thống nhất phương án quy hoạch công viên biển cuối tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (trên cơ sở thu hồi dự án khu du lịch I.V.C) và phương án quy hoạch mở rộng bãi tắm Non Nước (trên cơ sở thu hồi dự án Khu du lịch ven biển do Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư). Cả 2 dự án này đều liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"). (Xem thêm)

Nhiều thương vụ M&A đình đám làm tăng nhiệt bất động sản công nghiệp

Trong hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), Savills cho biết thị trường chứng kiến nhiều thương vụ M&A mới trong nửa đầu năm.

Điển hình nhất là thương vụ Công ty TNHH Boustead Projects đã đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần trong Công ty Cổ phần Công nghiệp Logistics KTG & Boustead. Nếu thành công, sự hợp tác này sẽ mang tới 13 tài sản bất động sản (10 bất động sản trong số đó thuộc về KTG và 3 thuộc về Boustead Projects) với tổng giá trị tài sản lên tới 141 triệu USD, bao gồm khoảng 840.000 m2 diện tích đất và khoảng 550.000 m2 tổng diện tích cho thuê.

Hay như ESR Cayman Limited, nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW), nhà phát triển và vận hành bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam, đã liên doanh để phát triển 240.000m2 diện tích bất động sản công nghiệp tại KCN Mỹ Phước 4 gần TP. HCM.

Sự hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR vào thị trường Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động của tập đoàn này trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng phát triển.

Về các dự án mới, dự án 81.000m2 của Logos Property tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2021. Một nhà đầu tư khá mới trên thị trường - Công ty Cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam, đã mua lại quỹ đất rộng 250ha với vốn đầu tư 300 triệu USD. Công ty đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho cho thuê phân khúc cao cấp tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài toàn quốc từ Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương đến Đồng Nai và Long An. (Xem thêm)

Nhà đầu tư không còn mặn mà, Thanh Hóa quyết 'khai tử' 9 dự án

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý đề xuất cho dừng 2 dự án tại khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cùng 7 dự án tại các huyện, thị xã, thành phố.

Các dự án này bao gồm: trường mầm non quốc tế Clever Kids của Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và Xây dựng Hà Nội (phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa); xưởng sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hùng (thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định);

Khu trang trại tổng hợp công nghệ cao Quảng Lợi của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quảng Lợi (xã Xuân Thiên và Thọ Minh) và nhà máy Sản xuất bản ghế của Công ty TNHH Tadlack Production (xã Thọ Hải, Thọ Xuân);

Dự án đầu tư mở rộng bãi tập kết vật liệu xây dựng Vĩnh Yên của Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc (xã Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc); dự án dịch vụ ẩm thực Hoa Linh của Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ Hoa Linh (xã Quảng Trung, Quảng Xương); dự án trạm thu mua, phân loại lâm sản của Công ty TNHH Chế biến Lâm sản Thành Lộc (xã Mường Chanh, Mường Lát).

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, đây là những dự án đã được các ngành, các địa phương tạo điều kiện gia hạn nhiều lần nhưng các chủ đầu tư không còn mặn mà, thậm chí có ý kiến được chấm dứt đầu tư. (Xem thêm)

5 bước để chiếm đoạt 2.500 tỷ của Chủ tịch địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện cùng 23 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền".

Cụ thể, qua quá trình điều tra, cơ quan công an TP. HCM đã làm rõ 5 bước mà Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Địa ốc Alibaba) chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng một ít tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Bước 2: Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên Địa ốc Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất như trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập, để các công ty này vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.

Bước 3: Sau khi nhận được ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100m2 đến dưới 400m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài...) rồi dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án, không đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất.

Bước 4: Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án tự vẽ với Địa ốc Alibaba để Địa ốc Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án nêu trên, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật kinh doanh bất động sản.

Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba thì Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng. (Xem thêm)

Hà Nội dự kiến chi 500 tỷ đồng tổng kiểm tra toàn bộ chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Theo kết quả rà soát, thống kê tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994 tập trung tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. Hiện nay đang tiếp tục công tác rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung thêm khoảng 200-300 nhà.

Diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ dưới 30m2, từ 30-50m2/căn, quá tải số người, nhiều hộ dân tự sửa chữa, cơi nới lấn chiếm không gian chung. Đồng thời do không được duy tu bảo trì thường xuyên, công trình và hệ thống hạ tầng hư hại, xuống cấp, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.

Từ năm 2005-2014, đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Từ năm 2014, sau khi Luật ở nhà 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả.

Hà Nội đề ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể là xây dựng và ban hành kế hoạch tổng rà soát, kiểm định các nhà chung cư cũ, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo đối tượng, phân loại quy định của Nghị định 69/2021.

Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500, dự án đầu tư. (Xem thêm)

Dự án Dreamland Tây Hồ: Bộ Xây dựng miễn giấy phép xây dựng sai quy định cho An Lộc

Theo kết luận thanh tra, Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc - chủ đầu tư dự án, đã khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Cụ thể, dự án này chưa được bàn giao hồ sơ môi giới giao đất tại thực địa, chưa có quyết định phê duyệt thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Ngoài ra, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa có giấy phép xây dựng.

Thanh tra còn chỉ ra sai phạm của chủ đầu tư khi xây dựng khu nhà thấp tầng 46 căn, vượt 6 căn so với quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt, vi phạm khoản 4 Điều 12, khoản 3 Điều 170 Luật Đất đai 2013 và khoản 2, khoản 4 Điều 12, khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ phát hiện Bộ Xây dựng có Văn bản số 13/BXD-HĐXD ngày 17/1/2017 hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng đối với khu nhà ở thấp tầng của dự án là không phù hợp với quy định tại điểm e khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, vì bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc theo quy định không phải là quy hoạch chi tiết 1/500.

Cơ quan này cũng yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm điểm trong việc hướng dẫn Công ty Cổ phần An Lộc được miễn giấy phép xây dựng công trình không đúng quy định tại dự án 107 đường Xuân La. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác