BĐS tuần qua: Khánh Hòa xin dừng lập quy hoạch Bắc Vân Phong, công an mở rộng điều tra vụ Alibaba bán 'dự án ma’
Lệ Chi -
28/12/2019 10:50 (GMT+7)
(VNF) - Khánh Hòa xin dừng lập quy hoạch Bắc Vân Phong thành đặc khu; công an mở rộng điều tra vụ Alibaba bán 'dự án ma’; khung giá đất mới tại Hà Nội và TP. HCM: Tối đa tới 162 triệu đồng/m2.... là những thông tin bất động sản chú ý nhất trong tuần qua
Khánh Hòa xin dừng lập quy hoạch Bắc Vân Phong thành đặc khu
Ngày 24/12, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét dừng chủ trương lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.
Theo công văn, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay Khánh Hòa đã thực hiện một số thủ tục để triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế và xã hội đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong như dự thảo nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị cho công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch.
Tuy nhiên, do Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua nên quá trình triển khai lập quy hoạch khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch, hội đồng thẩm định và các nội dung liên quan khác.
Sau 5 năm thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định ngày 17/3/2014, Khánh Hòa nhận thấy, đối với khu vực Nam Vân Phong, việc triển khai các dự án theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được duyệt vẫn tiếp tục thực hiện.
Riêng với khu vực Bắc Vân Phong, do có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế - hành chính Bắc Vân Phong theo kết luận ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nên chưa triển khai lập quy hoạch các khu chức năng để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. (Xem thêm)
Nhận hơn 1.000 đơn tố cáo, công an mở rộng điều tra vụ Alibaba bán 'dự án ma’
Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Công an TP. HCM mở rộng điều tra vụ Địa ốc Alibaba rao bán đất nền "dự án ma” cho nhiều người dân.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, qua xử lý ban đầu, Đồng Nai đã chuyển hơn 50 đơn tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh về việc Alibaba lừa đảo bán đất nền không có thật cho Công an TP. HCM thụ lý tiếp.
Đến nay, Công an TP. HCM đã nhận được hơn 1.000 đơn tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo của người dân tại nhiều tỉnh, thành. Do Công an TP. HCM là cơ quan khởi tố vụ án nên đơn tố cáo liên quan đến Alibaba từ các tỉnh khác sẽ được chuyển về đây.
Trong hơn 40 "dự án ma” của Alibaba ở 4 tỉnh, thành gồm TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, riêng Đồng Nai có 29 dự án. Trong các "dự án ma” của Alibaba ở Đồng Nai có 27 dự án nằm trên địa bàn huyện Long Thành, 1 dự án huyện Xuân Lộc và 1 dự án ở huyện Nhơn Trạch. (Xem thêm)
Khung giá đất mới tại Hà Nội và TP. HCM: Tối đa tới 162 triệu đồng/m2
Theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất vừa được Chính phủ ban hành, mức giá tối đa đối với đất ở Hà Nội và TP. HCM là 162 triệu đồng/m2.
Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định khung giá đất đối với nhóm đất nông nghiệp gồm khung giá đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác); khung giá đất trồng cây lâu năm; khung giá đất rừng sản xuất; khung giá đất nuôi trồng thủy sản và khung giá đất làm muối.
Khung giá đất ở tại đô thị (đơn vị tính: nghìn đồng/m2)
TS Lê Xuân Nghĩa: Thị trường mua bán đất nông nghiệp không minh bạch, không an toàn
TS Nghĩa cho rằng quy hoạch đất nông nghiệp và các khu vực khác tương đối lỏng lẻo. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa cần rất nhiều đất cho công nghiệp, thương mại dịch vụ, đất làm nhà ở. Bên cạnh đó cũng xuất phát câu chuyện cầu về nhà ở rất lớn nên nảy sinh hiện tượng đầu cơ đất đai rất phổ biến.
Ngoài ra, nhà ở trên đất nông nghiệp mọc lên tự phát và chính quyền cũng tìm cách hợp thức hóa. Nguồn hàng trên thị trường cũng không minh bạch, không rõ ràng.
Thứ hai, ông Nghĩa đánh giá hình thức mua bán không thông qua môi giới, cũng không thông qua tư vấn để điều tra về hiện trạng hàng hóa. Do đó, các mua bán phi chính thức, trao tay, giao dịch ngầm, làm thị trường ngày càng trở nên không minh bạch.
Thứ ba, Việt Nam không có bảo hiểm về quyền sở hữu đất nông nghiệp. Khi mua bán một mảnh đất rất rắc rối về quyền sở hữu từ bố mẹ, con cái cho đến dòng họ, hàng xóm… Trong khi đó, các nước có bảo hiểm nên việc mua bán rất rõ ràng, minh bạch, được tiến hành thuận lợi.
Từ những vấn đề trên, ông Lê Xuân Nghĩa đánh giá thị trường bất động sản nông nghiệp của Việt Nam có nhiều yếu tố không minh bạch, không rõ ràng và chưa có tính ổn định lâu dài, sự vững chắc về mặt pháp lý. Người mua rất ngại, vì có thể phải đối diện với những rủi ro pháp lý bất cứ lúc nào. (Xem thêm)
Đồng Nai ‘lệnh’ dừng thực hiện dự án khu dân cư Bình Đa của Dofico
Ngày 25/12, UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định dừng thực hiện dự án khu dân cư Bình Đa (phường Bình Đa, TP. Biên Hòa) do Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lý do để tỉnh Đồng Nai ra quyết định dừng thực hiện dự án là để làm các thủ tục bảo đảm cho việc chuyển đổi mục tiêu dự án, từ nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Trong một diễn biến mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp thông tin, tài liệu về dự án khu dân cư Bình Đa.
Cụ thể, C03 đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu, gồm: Dofico liên doanh với hai cá nhân để thành lập Công ty Cổ phần phát triển nhà Bình Đa (Bidaco); việc tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ lên 150 tỷ của Bidaco; Dofico thoái vốn tại Bidaco vào năm 2018.
Đồng thời, C03 đề nghị cung cấp hồ sơ Dofico cho Công ty liên doanh chế biến lâm sản xuất khẩu Bihimex-Yong Linh (Bilico) kinh doanh sản xuất trên diện tích 23.040m2 đất ở vị trí nêu trên. Thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu trong quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá tài chính, hạch toán phân phối lợi nhuận đối với Dofico về dự án. (Xem thêm)
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: Từ nay không dùng từ 'condotel' nữa
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS Việt Nam (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Từ nay trở đi chúng tôi không dùng từ “condotel” nữa, mà gọi là căn hộ du lịch. Ai hỏi về condotel thì tôi sẽ không trả lời nữa!".
Về lý do bỏ tên gọi condotel, ông Nguyễn Mạnh Khởi giải thích "từ nay trở đi chúng tôi không gọi bằng tên tiếng Anh là condotel nữa, bởi vì pháp luật Việt Nam không có điều chỉnh đối với tiếng Anh mà mình phải quy về nó là loại gì của Việt Nam. Và pháp luật đã có quy định, đó là căn hộ du lịch. Căn hộ du lịch là căn hộ để dùng cho phục vụ khách sạn, du lịch".
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho hay: "Về nguyên tắc, chúng tôi chưa bao giờ tìm thấy quy định pháp luật nào cho phép condotel hình thành đơn vị ở cả. Đó là do các doanh nghiệp tự nói ra thôi chứ chưa có cơ quan nhà nước nào nói ở đây hình thành đơn vị ở cả".
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.