Trung Quốc mở rộng lệnh cấm dùng iPhone trong cơ quan nhà nước

Thanh Tú - 16/12/2023 11:21 (GMT+7)

(VNF) - Lệnh cấm sử dụng iPhone hiện đã mở rộng đến nhiều cơ quan và công ty nhà nước Trung Quốc hơn, bao gồm “ít nhất 8 tỉnh”.

Cấm công chức dùng iPhone

Thêm nhiều cơ quan và công ty nhà nước Trung Quốc đã ra lệnh cho nhân viên không mang điện thoại iPhone và các thiết bị nước ngoài khác đi làm, theo Reuters.

Lệnh cấm sử dụng iPhone hiện đã mở rộng đến nhiều cơ quan và công ty nhà nước.

Các nhà quan sát đánh giá đây là một động thái mạnh tay hơn so với lệnh cấm iPhone vào tháng 9, vốn chỉ ảnh hưởng đến “một số ít cơ quan” ở Bắc Kinh và Thiên Tân.

Trước đó, hồi tháng 9, Wall Street Journal là hãng tin đầu tiên đưa tin về việc Trung Quốc cấm các quan chức tại một số cơ quan chính phủ sử dụng iPhone.

Thay vì iPhone hoặc các loại điện thoại thông minh nước ngoài khác, quan chức Trung Quốc đang yêu cầu các quan chức chính phủ sử dụng các nhãn hiệu điện thoại thông minh của các công ty nội địa.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 13/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định “Trung Quốc chưa ban hành bất kỳ luật, quy định hay văn bản chính sách nào cấm mua và sử dụng điện thoại thông minh do các thương hiệu nước ngoài như Apple sản xuất". Đồng thời, bộ này cho biết họ đang "ghi nhận nhiều báo cáo gần đây vạch trần các sự cố an ninh liên quan đến điện thoại của Apple".

Về phía Mỹ, chính phủ nước này xem lệnh cấm iPhone ở Trung Quốc là một "sự trả đũa không phù hợp".

Vẫn còn rất nhiều chi tiết chưa biết về mức độ và quy mô thực sự của lệnh cấm iPhone ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn là một “thách thức lớn” đối với Apple của Mỹ và các công ty công nghệ nước ngoài khác như Samsung của Hàn Quốc.

Người phát ngôn của Apple và Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước và Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cơ quan giám sát an ninh trực tuyến, hiện cũng chưa có phản hồi về vấn đề này.

Sự trỗi dậy của công nghệ trong nước

Bắc Kinh dường như đang nỗ lực loại bỏ công nghệ Mỹ trong bối cảnh công nghệ nội địa đang trỗi dậy mạnh mẽ, điển hình như những thành tựu gàn đây của “ông lớn” viễn thông Huawei.

Doanh thu của Apple từ Trung Quốc đại lục giảm 2% trong quý IV vừa qua trong khi doanh thu của Huawei tăng lên.

Trong khi các sản phẩm phần mềm và phần cứng của Trung Quốc đã dần dần thay thế các sản phẩm của Mỹ trong những năm qua, từ phần mềm của Microsoft, máy tính của Dell và chip của Intel, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường quan trọng đối với Apple. Doanh số bán hàng từ khu vực này đã tăng gần gấp ba trong thập kỷ qua.

Không rõ chính xác có bao nhiêu cơ quan chính phủ đã ban hành chỉ thị cũng như mức độ phổ biến của chúng. Các cơ quan khác nhau có thể sẽ có những mức độ khắt khe khác nhau, ví dụ một số cơ quan chỉ cấm các thiết bị của Apple ở nơi làm việc và một số khác thì cấm hoàn toàn việc sử dụng chúng.

Tuy nhiên, nhìn chung, chúng là thách thức lớn đối với Samsung và Apple, cả hai đều đang nỗ lực duy trì tăng trưởng tại thị trường tỷ dân. Đối với Apple, công ty cũng sử dụng Trung Quốc để sản xuất phần lớn thiết bị của mình, quốc gia này mang lại khoảng 1/5 doanh thu cho Apple.

Doanh thu của Apple từ Trung Quốc đại lục giảm 2% trong quý IV vừa qua. Các nhà phân tích tin rằng một phần nguyên nhân của sự chậm lại bắt nguồn từ việc Huawei đã gây sốc cho toàn ngành vào đầu năm nay khi âm thầm ra mắt Mate 60 Pro, smartphone 5G đầu tiên của hãng sau khi bị Mỹ cấm vận.

Model này được trang bị một con chip tiên tiến, được tạo ra bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ mới.

Trước đó, vào năm 2022, Bắc Kinh ra lệnh các cơ quan chính phủ trung ương và các tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn thay thế máy tính cá nhân mang nhãn hiệu nước ngoài bằng các máy tính thay thế trong nước trong vòng hai năm, đánh dấu một trong những nỗ lực tích cực nhất nhằm loại bỏ công nghệ quan trọng của nước ngoài khỏi các cơ quan nhạy cảm nhất của nước này.

Những động thái này thể hiện nỗ lực kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh nhằm loại bỏ tận gốc công nghệ nước ngoài trong những môi trường nhạy cảm và trùng hợp với nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự cung tự cấp trong các lĩnh vực quan trọng.

Xem thêm >> Thêm một lĩnh vực Trung Quốc chiếm ‘ngôi vương’ của Mỹ

Cùng chuyên mục
Tin khác