Căng thẳng thương mại Trung Quốc - EU bùng nổ
(VNF) - Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) bùng nổ sau khi Bắc Kinh nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước động thái tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất của EU.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 29/10, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cho biết họ "không công nhận cũng không chấp nhận" phán quyết cuối cùng của EU về cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất và đã đệ đơn kiện lên WTO theo cơ chế giải quyết tranh chấp của mình.
Bộ này đồng thời cam kết sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần chỉ ra rằng có nhiều hoạt động trong cuộc điều tra đơn giản là không thể biện minh và không tuân thủ các quy tắc. "Bản chất của cuộc điều tra là chủ nghĩa bảo hộ thương mại không công bằng được ngụy trang dưới cái gọi là cạnh tranh công bằng", tuyên báo của MOFCOM nêu rõ.
Tuyên bố của MOFCOM được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày 29/10 đã kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp của mình bằng cách áp dụng thuế chống trợ cấp dứt khoát đối với xe điện chạy bằng pin nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phán quyết cuối cùng nêu rõ mức thuế cao nhất là 35,3% sẽ được áp dụng cho xe điện từ công ty nhà nước Trung Quốc SAIC Motor và các công ty con, ngoài mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả xe điện nhập khẩu.
Các nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc như BYD và Geely sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung lần lượt là 17% và 18,8%. Mức thuế bổ sung này sẽ có hiệu lực sớm nhất là vào ngày 30/10 và sẽ kéo dài trong 5 năm.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc ủng hộ việc giải quyết xung đột thương mại thông qua đối thoại và đang tiến hành "giai đoạn tham vấn mới" với khối châu Âu.
“Chúng tôi hy vọng rằng phía châu Âu sẽ làm việc với Trung Quốc với tinh thần xây dựng… và đạt được giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên càng sớm càng tốt để tránh leo thang căng thẳng thương mại”, MOFCOM nêu rõ.
Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU (CCCEU) cũng bày tỏ sự thất vọng đáng kể trước quyết định của EU.
CCCEU cho biết họ coi những phát hiện của cuộc điều tra là "vô lý" và bày tỏ lo ngại về tác động phức tạp của quyết định này đối với các cuộc đàm phán cam kết giá đang diễn ra giữa hai bên.
"Những mức thuế này đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, châu Âu và Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc không củng cố khả năng phục hồi sản xuất xe điện của EU, cũng không thúc đẩy đổi mới hoặc tạo việc làm", phòng thương mại Trung Quốc nêu rõ.
"Chúng tôi chân thành kêu gọi dừng các biện pháp thuế quan, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau", CCCEU lưu ý thêm.
MOFCOM trước đó cũng đã cảnh báo EU không nên tiến hành các cuộc đàm phán riêng với các công ty Trung Quốc về giá xe điện Trung Quốc được bán trên thị trường EU, đồng thời kêu gọi EU tuân thủ khuôn khổ hiện có và đẩy nhanh các cuộc đàm phán.
"Chúng tôi tin rằng một cuộc đàm phán thống nhất thông qua Phòng Thương mại Trung Quốc về Xuất nhập khẩu Máy móc và Sản phẩm Điện tử (CCCME) sẽ hỗ trợ cạnh tranh công bằng và tính nhất quán của ngành", CCCEU lưu ý.
CCCEU khuyến khích EU xem xét cách tiếp cận này để có một cuộc đối thoại gắn kết hơn, cùng có lợi, phòng thương mại Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc mất 36% số tỷ phú khi kinh tế suy thoái
- Nền kinh tế Nga đang tiến gần đến 'điểm kiệt sức'? 29/10/2024 10:54
- Trung Quốc củng cố vị thế thống trị thị trường kim loại quý 29/10/2024 03:54
- Volkswagen trượt dốc: 'Báo động đỏ' cho kinh tế Đức 29/10/2024 09:00
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.