Tài chính tiêu dùng

Chủ tịch AzFin Việt Nam: ‘Giới trẻ hiện nay không tiết kiệm cũng không đầu tư’

(VNF) - Phát biểu tại talkshow Phố tài chính, chia sẻ sẻ về thực trạng quản lý tài chính cá nhân ở giới trẻ, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam, cho rằng giới trẻ hiện nay không không tiết kiệm cũng không đầu tư.

Chủ tịch AzFin Việt Nam: ‘Giới trẻ hiện nay không tiết kiệm cũng không đầu tư’

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam

"Giới trẻ hiện nay không tiết kiệm cũng không đầu tư"

Theo chia sẻ của các chuyên gia tại buổi talkshow, tỷ lệ tiết kiệm của người Việt Nam trong những năm 90 đã tăng trưởng khá mạnh, đến giai đoạn năm 2005-2006 thì tăng khoảng 29% theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, từ những năm gần đây (năm 2016, 2017 trở đi), tỷ lệ này đã có xu hướng giảm và đến năm 2019 thì chỉ còn khoảng 25%.

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam, tiết kiệm là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, tuy nhiên bất lợi mà người Việt gặp phải trước đây là không đầu tư sinh lời tốt.

Ở xu hướng ngược lại, nhận định về giới trẻ hiện nay, ông Đặng Trần Phục cho rằng “họ không tiết kiệm mà cũng không đầu tư”.

“Tôi gặp rất nhiều bạn trẻ dù đã lập gia đình nhưng trong tài khoản không có tiền ngược lại nợ tín dụng rất nhiều”, ông Phục chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ VCBF, cũng cho rằng giới trẻ trong những năm qua không những không tiết kiệm mà còn đi vay tiêu dùng.

Việc giới trẻ còn thờ ơ với việc tiết kiệm và đầu tư, xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19, khiến việc xây dựng quỹ quản lý tài chính cá nhân hay quỹ dự phòng tài chính trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và sẽ được mọi người quan tâm sau đại dịch.

Các chuyên gia cho biết, quản lý tài chính cá nhân ở các nước phát triển đã được đưa vào chương trình phổ thông và ngày càng được chú trọng, người dân được trang bị tốt hơn so với những nước đang phát triển như Việt Nam.

“Ở các nước phát triển trên thế giới, người dân thường trích một phần lương hàng tháng vào các quỹ như quỹ dự phòng, quỹ hưu trí, do đó các đơn vị này rất phổ biến và phát triển. Khi Covid-19 xảy ra làm tình hình kinh tế trở nên khó khăn, người dân có thể sử dụng tiền ở các quỹ này để chi tiêu cho gia đình”, ông Đặng Trần Phục chia sẻ.

Chuyên gia bày cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Theo ông Đặng Trần Phục, quản lý tài chính cá nhân sẽ xoay quanh 5 vấn đề. Đầu tiên là kiếm tiền và phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực làm việc của mình. Thứ hai là cần phải tiết kiệm kỷ luật, cụ thể là tiết kiệm trước chi tiêu.

Tiếp đó, một trong năm vấn đề của quản lý tài chính cá nhân là chi tiêu thông thái, đặc biệt là chi tiêu thấp hơn so với thu nhập thực tế. Vấn đề thứ tư và thứ năm là cần bảo vệ các khoản tích lũy bằng cách gửi vào những kênh an toàn và đầu tư hiệu quả.

“Thông thường, những người mới đi làm nên cố gắng dành ra khoảng 10-30% thu nhập để đầu tư, sau đó 70-90% còn lại nên phân bổ vào các quỹ chi tiêu hàng ngày, quỹ bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí. Qua thời gian dài, họ sẽ tích lũy được một lượng tài sản khá lớn”, Chủ tịch AzFin Việt Nam chia sẻ.

Ở một góc nhìn khác về cách quản lý tài chính cá nhân, bà Nguyễn Thị Hằng Nga lại nhận định rằng không có một công thức chung nào cho tất cả.

“Thông thường luôn có một lời khuyên là chúng ta phải có một quỹ dự trữ, và quỹ dự trữ này phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh của mỗi người”, Giám đốc Đầu tư VCBF cho biết.

Theo bà, với những người không có khả năng cũng như thời gian thì phương án tốt nhất là đầu tư vào các quỹ đầu tư, bởi các đơn vị này đều được giám sát bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, được quản lý bởi các chuyên gia có kinh nghiệm.

Ngoài ra, bà cũng cho rằng có rất nhiều loại tài sản trên thị trường mà mỗi cá nhân đều có thể đầu tư, tuy nhiên cần xem xét đến nhiều yếu tố như thời gian nắm giữ, khả năng chịu đựng biến động của thị trường. Một nguyên tắc khi đầu tư mà Giám đốc VCBF nhận định là nên phân bổ ra nhiều loại tài sản để giảm thiểu rủi ro.

Về phía ông Đặng Trần Phục, 2 kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời lớn nhất theo thống kê của AzFin là đầu tư bất động sản (16,1%) và đầu tư cổ phiếu (15,8%).

Tuy nhiên, đồng quan điểm với bà Nga, ông Phục cũng cho rằng để an toàn thì các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các quỹ chỉ số, quỹ ETF với hiệu quả sinh lời tương đương với chỉ số VN-Index (14-15%).

TalkShow Phố tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ Hai hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của talkshow Phố tài chính.
Tin mới lên