Chuyên gia: Covid-19 tái bùng phát, BĐS sẽ khó khăn hơn bởi 'cú đấm sau mạnh hơn cú đấm trước'

Lệ Chi - 03/08/2020 14:14 (GMT+7)

(VNF) - Các chuyên gia đều cho rằng nếu tình hình dịch bệnh tái diễn ở mức phức tạp, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ khó khăn hơn đợt trước bởi "cú đấm sau thường mạnh hơn, gây hoa mắt hơn cú đấm trước".

VNF
Covid-19 bùng phát trở lại, thị trường bất động sản sẽ ra sao?

“Cú đấm sau thường mạnh hơn, gây hoa mắt hơn cú đấm trước”

Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường bất động sản vừa thấm đòn đại dịch lại sắp đối mặt với nhiều thử thách khi Covid-19 quay lại.

Đi vào từng phân khúc, ông Hiếu nhấn mạnh nghỉ dưỡng và du lịch tiếp tục là loại hình bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tiếp đó là bất động sản công nghiệp, dù là phân khúc có tiềm năng rất tốt nhưng cũng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Mặc dù có thông tin một số nhà đầu tư ngoại chuẩn bị vào Việt Nam, nhưng thực tế vị tiến sĩ cho biết chưa có một lần sóng đầu tư nào ồ ạt vào cả, thành ra bất động sản công nghiệp cũng đang bị tác động.

Đối với phân khúc bất động sản thương mại như văn phòng, mặt bằng bán lẻ, TS Hiếu cho biết sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn nữa. Bởi sau đợt dịch đầu tiên, tình hình hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đã trả lại mặt bằng hoặc thu hẹp diện tích thuê.

Ngoài ra, nhiều khách thuê do ảnh hưởng của dịch đợt 1 đã xem xét lại các kế hoạch kinh doanh của mình và có thể trì hoãn việc thuê mới hay mở rộng diện tích văn phòng.

Với căn hộ cao cấp, ông Hiếu nhìn nhận khi nền kinh tế càng khó khăn thì nó sẽ càng bị ảnh hưởng.

Theo TS Hiếu, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thì từ nay đến cuối năm thị trường bất động sản có cơ hội phục hồi. Ngược lại, nếu dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 8 này, bất động sản tiếp tục bị ảnh hưởng rất nặng nề và không có dấu hiệu lạc quan.

Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá dịch Covid-19 trở lại sẽ khiến thị trường bất động sản khó khăn giống như trước, tức là giao dịch sẽ hạn chế lại. Đồng thời ngành du lịch tiếp tục bị thiệt hại và kèm theo các cửa hàng, khách sạn phục vụ du lịch cũng sẽ chết theo.

Theo GS Võ, có lẽ duy nhất hoạt động xây dựng vẫn có thể tiếp tục hoạt động, còn lại sẽ dừng hết. “Bởi lẽ, một tâm lý không tập trung vào kinh tế thì bất động sản cũng sẽ ngưng hoặc giảm hoạt động”, ông nói.

Còn Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, nếu tình hình dịch bệnh tái diễn ở mức phức tạp thì thị trường có thể sẽ khó khăn hơn đợt trước bởi “cú đấm sau thường mạnh hơn, gây hoa mắt hơn cú đấm trước”.

Doanh nghiệp vẫn có niềm tin vào thị trường

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng việc xuất hiện hàng loạt ca bệnh mới gần đây đã gây tâm lý hoang mang trở lại với người dân, tuy nhiên điều này vẫn nằm trong kịch bản rủi ro khi Chính phủ chấp nhận thiết lập trạng thái bình thường mới.

Các kịch bản ứng phó đã được tính toán và dự trù, song mức độ nghiêm trọng thế nào phải nhìn vào thực tế. Nhưng có thể thấy, ngay sau khi có ca nhiễm trong cộng đồng thì lập tức hệ thống phòng chống dịch kích hoạt trở lại để xử lý và ngăn chặn dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh nhạy.

“Chúng ta đã vượt qua giai đoạn thử thách nhất và đã thành công bước đầu khi đi trước một bước trong kiểm soát dịch bệnh. Do đó, đợt bùng phát trở lại lần 2 có thể thấy được niềm tin của người dân vào Chính phủ”, nữ CEO nói.

Cũng theo bà Thanh Hương, không chỉ Chính phủ mà doanh nghiệp cũng cần xác định kịch bản ứng phó linh hoạt để sống chung cùng dịch bệnh trong dài hạn.

Lấy ví dụ ngay tại Đại Phúc Land, nữ doanh nhân cho biết công ty đã thành lập một tổ ứng phó nhanh về dịch bệnh để phân tích đánh giá tình hình thực tế và đưa giải pháp xử lý ngay, nhằm đảm bảo an sinh cho cán bộ nhân viên và cư dân ở khu đô thị. Ngoài ra, công ty còn có bộ phận điều chỉnh các chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình nội tại.

“Thiệt hại là không thể tránh khỏi nhưng điều quan trọng là có thể duy trì và tồn tại qua đại dịch là việc các doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt qua. Đặc biệt, cách nhìn nhận tích cực và lạc quan sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin giúp chúng ta tiếp tục phá triển cho dù dịch bệnh”, CEO Đại Phúc Land nhắn gửi.

Đối với thị trường bất động sản, bà Hương cho rằng cũng cần có cái nhìn lạc quan và nhận định thị trường sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Nữ CEO phân tích, các doanh nghiệp đã trải qua những tháng đầu năm đầy bất an, không kịp trở tay khi dịch bệnh ập đến bất ngờ, không lường trước. Thế nhưng, giờ đây, họ đã rút ra được bài học thực tiễn và đủ khả năng ứng phó cho những đợt sóng lần này.

Ngoài ra, bà Hương cũng cho rằng thời điểm này, ngoài câu chuyện Chính phủ đang làm tốt việc chống dịch thì cũng rất cần một mặt trận nữa để tiếp sức cho nền kinh tế. Nếu Chính phủ hành động quyết liệt và có các giải phải hỗ trợ kịp thời, thị trường sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề và tâm lý nhà đầu tư sẽ quay trở lại.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phong, CEO VDG Realty, diễn biến thị trường bất động sản còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, vị CEO tin rằng thị trường sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi người dân và Chính phủ hiện tại đã làm rất tốt các biện pháp ứng phó với dịch.

CEO VDG Realty cho biết mặc dù dịch Covid đang bùng phát nhưng lượng khách quan tâm đến nhà đất vẫn rất nhiều, nhất là ở Vân Đồn. Đặc biệt, ông Phong cũng cho hay trong khi đại dịch đang diễn biến phức tạp thì giới nhà giàu gần đây lại đi săn lùng, tìm mua đảo xa để trốn dịch. 

Ngay tại công ty của ông Phong cũng nhận được yêu cầu từ giới nhà giàu về việc tìm mua đảo. Trong đó, họ chú trọng tới các hòn đảo xa đất liền để tránh dịch và vừa là nơi có thể đầu tư sinh lời.

Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho rằng sẽ phải mất ít nhất một vài tuần để tình hình dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn. 

Nhận xét về làn sóng Covid-19 thứ hai ảnh hưởng đối với hoạt động của ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, cho rằng sự bùng phát của dịch Covid tại Đà Nẵng sẽ gây hưởng đến các địa điểm du lịch khác của Việt Nam, cả phân khúc khách nghỉ dưỡng lẫn phân khúc khách công vụ vì yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu đối với các du khách.

Khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẵn sàng hủy hoặc tạm hoãn các kế hoạch du lịch. Mọi người sẽ có xu hướng tránh các khu vực đông người như sân bay hay nhà hàng, quán bar cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Ông Mauro Gasparotti dự đoán hoạt động của ngành hàng không nội địa sẽ chững lại trong vài tuần tới đồng thời lượt khách du lịch nội địa cũng sẽ bị sụt giảm đáng kể. Nguồn doanh thu từ việc tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ bị ảnh hưởng khi các sự kiện lớn cũng có thể bị hủy hoặc dời lại trong thời gian tới.

Nhận định về các kịch bản sắp tới cho ngành du lịch, vị giám đốc cho rằng tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn trong một vài ngày tới.

“Tôi hi vọng sẽ có ít ca nhiễm mới đồng thời các nguồn lây lan sẽ sớm được khoanh vùng. Khi đó du khách nội địa sẽ cảm thấy đủ an toàn để có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh và du lịch trở lại”, ông nói.

Cũng theo Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, sẽ phải mất ít nhất một vài tuần để tình hình dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn. Dù thế, ông vẫn có cái nhìn tích cực và tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong trung và dài hạn.

Cùng chuyên mục
Tin khác