Chuyên gia hiến kế cho BOT Cai Lậy: Phải hoàn vốn cho nhà đầu tư để dời trạm

Lê Nguyễn (TH) - 02/12/2017 12:04 (GMT+7)

(VNF) – Hầu hết ý kiến chuyên gia cho rằng để giải quyết vụ BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Nhà nước phải chấp nhận hoàn vốn cho nhà đầu tư để dời trạm.

VNF
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đã phải xả trạm liên tục vì tài xế phản đối dữ dội

TS Nguyễn Hữu Đức: "Thà một lần đau"

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA, nguyên nhân dẫn đến làn sóng phản đối của người dân tại dự án BOT Cai Lậy là do trạm thu phí được đặt nhầm chỗ và mức thu phí cao.

"Người dân bức xúc ở chỗ, họ không đi trên tuyến đường tránh nhưng vẫn phải trả tiền. Mặc dù, Bộ Giao thông vận tải đã có phương án giải quyết vấn đề này, nhưng vẫn chưa được triệt để vì chỉ miễn giảm phí", ông Đức phát biểu với Zing.


TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA

"Bộ Giao thông vận tải đang đứng trước một bài toán cực khó. Di dời trạm cũng không được mà để thu phí cũng chẳng yên. Di dời thì phải bồi thường cho nhà đầu tư, đẩy rủi ro cho ngân hàng. Còn tiếp tục thu phí thì đau đầu trước sự phản đối của người dân.

Tôi cho rằng cần có cuộc đối thoại trực tiếp 3 bên: Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư và người dân. Nguyên tắc là bên nào sai bên đó phải sửa. Mà chắc chắn, sự việc ở BOT Cai Lậy, người dân không sai. Nếu Bộ sai, chủ đầu tư sai thì họ phải di dời trạm BOT về đúng vị trí. Và hơn nữa, chúng ta cần một giải pháp tổng thể giải quyết tất cả các trạm chứ không chỉ là trạm Cai Lậy", ông Đức nêu quan điểm.

Trả lời cho lo ngại nếu di dời Cai Lậy sẽ dẫn đến sự bùng nổ phản đối ở các trạm thu phí khác, ông Đức cho rằng: nếu cứ sợ, lo lắng thì không ổn. "Vì cái nỗi sợ đó mà không giải quyết vấn đề thì tình hình ngày càng nghiêm trọng và lan to hơn nữa. Khi đó, chúng ta sẽ không thể giải quyết được nữa và hậu quả nghiêm trọng".

"Trong vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cần phải xác định ‘thà một lần đau’. Nghĩa là nhìn thẳng vào sự thật rằng dự án đã thất bại về mặt tài chính để có hướng xử lý ở các bước tiếp theo. Từ đó, Bộ Giao thông vận tải ngồi lại với ngân hàng và chủ đầu tư để cùng chia sẻ thiệt hại", ông Đức nói.

Theo phương án này, ngân hàng chỉ thu hồi vốn, không lấy lãi từ chủ đầu tư và coi đây là khoản nợ xấu. Chủ đầu tư sau khi trừ các khoản đã thu, phải chấp nhận chỉ thu hồi một phần vốn chủ sở hữu, như kiểu kinh doanh chịu lỗ.

"Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải xin Chính phủ cho dùng ngân sách bù nốt phần còn lại. Nghĩa là chấp nhận thất bại và chia sẻ rủi ro ở mức chấp nhận được", ông Đức phân tích.

TS Nguyễn Xuân Thành: Nhà nước nên hoàn vốn cho nhà đầu tư

Đề xuất giải pháp cho vụ BOT Cai Lậy, TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam – cho rằng để giảm gánh nặng và đảm bảo công bằng, giải pháp tốt hơn là không thu phí đối với xe đi Quốc lộ 1 hiện hữu qua thị xã Cai Lậy, chỉ thu phí đối với xe đi đường tránh đã được đầu tư mới theo hình thức BOT.

Tiền ngân sách trong Quỹ bảo trì đường bộ cần được sử dụng để hoàn lại cho chủ đầu tư dự án BOT chi phí đầu tư tăng cường mặt đường quốc lộ hiện hữu (26,5 km).

Giá trị hoàn trả là giá trị nhỏ nhất trong 2 giá trị: Tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng đã được phê duyệt hoặc tổng chi phí đầu tư thực tế sau khi có kết quả của Kiểm toán Nhà nước

Ngoài ra, chủ đầu tư được hưởng ngay một khoản lợi nhuận BOT tính theo tỷ lệ % trên tổng mức đầu tư trong thời gian xây dựng.

TS Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam

"Nếu việc xác định mức phí và thời gian hoàn vốn theo hợp đồng BOT là hoàn toàn công bằng thì việc chủ đầu tư được hoàn vốn ngay phải lợi hơn và họ phải đồng ý. Nếu chủ đầu tư không đồng ý có nghĩa là: hoặc hợp đồng mà họ có được là quá siêu lợi nhuận nên không chấp nhận hoàn vốn ngay, hoặc thừa nhận chính thức là việc đề ra cấu phần tăng cường mặt đường cũ là cái cớ để được thu phí tất cả các xe trên tuyến, và nếu không thu được xe đi đường cũ thì lợi nhuận suy giảm", ông Thành nhìn nhận.

Xem thêm:  Thủ tướng chỉ đạo không kéo dài tình trạng tại trạm BOT Cai Lậy 

Ông Nguyễn Khắc Giang: Cần Quốc hội, Thanh tra Chính phủ

Nhận xét vụ BOT Cai Lậy dưới góc nhìn thể chế và chính sách, Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR) phân tích: Bộ Giao thông vận tải, dường như cho rằng nguyên nhân chính của cuộc phản kháng tại Cai Lậy là lợi ích kinh tế.

Theo cách hiểu đó, Bộ giảm mức phí BOT Cai Lậy đến 30% và miễn phí dịch vụ cho người dân địa phương nhằm đạt được đồng thuận từ các tài xế. Đây là tư duy logic theo lập luận kinh tế học kinh điển: đưa giá về điểm cân bằng để mức dịch vụ được chấp nhận.

Chỉ đáng tiếc, lập luận của họ đã sai.

"Cuộc phản kháng Cai Lậy, suy cho cùng, không phải vì mục đích kinh tế. Nó xoay quanh hai từ ‘ấm ức’: tài xế phản đối bởi họ cho rằng việc thu phí BOT là không đúng, bất công, và không phản ánh chính xác dịch vụ mà họ sử dụng. Cảm giác bất công không thể mua được bằng tiền", ông Giang nhận xét.

Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang - VEPR

Ông Giang cho rằng Nhà nước muốn giải quyết ‘khủng hoảng tiền lẻ’ thì phải thuyết phục được người dân rằng việc đặt trạm thu phí và mức phí là hợp lý. Hoặc nếu đã xác định là không hợp lý, phải có cơ chế xử lý nghiêm khác cơ quan liên quan, đồng thời phải di dời trạm, dù với chi phí rất đắt.

"Điều này rõ ràng không thể thực hiện được bởi Bộ Giao thông hay tỉnh Tiền Giang – hai cơ quan chịu trách nhiệm liên đới đến BOT Cai Lậy – mà cần phải có sự tham gia bởi cơ quan có chức năng cao hơn đến từ Quốc hội hoặc Thanh tra Chính phủ.

"BOT Cai Lậy tưởng là chuyện nhỏ mà lại không nhỏ: nó là dấu hiệu cho thấy cần phải có những thay đổi lớn về quan điểm quản trị để giữ tính chính danh cho thể chế", ông Giang cho hay.

Chuyên gia kinh tế Chung Thành Tiến: Di dời trạm để yên lòng dân

Chuyên gia kinh tế Chung Thành Tiến cho rằng Bộ GTVT cần nhanh chóng di dời trạm để yên lòng dân, không để xảy ra tình trạng ùn tắc. 

"Nhà đầu tư chỉ xây dựng tuyến đường tránh, trạm thu phí bắt buộc đặt trên đường tránh. Còn quốc lộ 1 là hạ tầng cơ bản, được xây dựng từ ngân sách nhà nước thì không được thu phí của nhân dân. Về phần chi phí cải tạo quốc lộ mà nhà đầu tư đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả", ông Tiến phát biểu trên báo Tuổi Trẻ.

Theo ông Tiến các biên pháp khác chỉ mang tính đối phó tạm thời, không giải quyết triệt để được vấn đề.


Thu phí lại giữa đêm, thối 100 đồng cho tài xế

Nửa đêm 1/12, trạm BOT Cai Lậy đã thu phí trở lại sau hơn 20 giờ buộc phải xả trạm vì tài xế dùng tiền lẻ phản ứng quyết liệt.

Khi bị barie trạm thu phí chặn lại giữa đêm, nhiều tài xế tỏ ra bất ngờ nên những phút đầu xảy ra ùn ứ nhẹ.

Một số tài xế trả tiền lẻ 25.100 đồng mua vé 25.000, đòi thối 100 đồng. Nhân viên cabin đã thối lại tờ 100 đồng như yêu cầu của tài xế.


TS Nguyễn Đức Thành: Ngân sách cần chi 300 tỷ để giải quyết vụ BOT Cai Lậy

Cùng chuyên mục
Tin khác