‘Của để dành’ của Nam Long đạt hơn 4.600 tỷ đồng

Ái Châu Tử - 29/04/2024 13:43 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Theo báo cáo, quý I/2024, doanh thu thuần đạt 204 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 31 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán đất, căn hộ, nhà phố, biệt thự (các dự án Mizuki, Southgate và Izumi City) suy giảm 12 tỷ đồng (đạt 162 tỷ đồng), doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 11 tỷ đồng (35 tỷ đồng)…

Dù doanh thu thuần ghi nhận giảm song trên thực tế, hoạt động bán hàng của NLG quý đầu năm vẫn rất tích cực với doanh số (pre-sale) khoảng 1.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. NLG đang hướng tới mục tiêu doanh số hơn 9.500 tỷ đồng trong năm nay, sau khi đã đạt gần 8.000 tỷ đồng vào năm trước. Việc doanh số thấp trong quý I/2024 được lý giải bởi đặc trưng “mùa vụ” của thị trường bất động sản, vốn chậm vào đầu năm.

Bởi vậy, lợi nhuận gộp quý I/2024 chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước; biên lợi nhuận gộp đạt 42,2%.

Điểm tích cực trong quý I/2024 là NLG đã tiết giảm mạnh các loại chi phí, với chi phí tài chính giảm 27%, chi phí quản lý giảm 21% và chi phí bán hàng giảm 11%. Công ty cũng có thêm 24 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh, liên kết. Dù vậy, kết quý, NLG vẫn chịu lỗ.

Năm 2024, NLG đặt mục tiêu doanh thuần 6.657 tỷ đồng, gấp đôi năm trước và lãi ròng đạt 506 tỷ đồng, tăng 5% so với kết quả năm 2023.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức mới đây, lãnh đạo NLG cho biết năm 2024, doanh thu của tập đoàn sẽ đến từ việc bàn giao các dự án trọng điểm (Akari, Cần Thơ, Ehome S Cần Thơ, EhomeS MR1, Izumi, Southgate); cung cấp dịch vụ quản lý dự án và bán hàng cho các công ty liên doanh liên kết; bán tài sản thương mại tại các dự án.

Năm nay, NLG sẽ tiếp tục tập trung phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh triển khai các chính sách bán hàng; tạo doanh thu lợi nhuận ở các mảng khác ngoài bất động sản nhà ở như bán vốn, phân khu dự án, bất động sản thương mại…

Về tài sản của NLG, tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản đạt 28.821 tỷ đồng, tăng 0,7% so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản, với 62,6%, đạt 18.051 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án: Izumi (8.565 tỷ đồng), Waterfront giai đoạn I (3.768 tỷ đồng), Hoàng Nam – Akari (1.910 tỷ đồng), Waterfront giai đoạn II (1.700 tỷ đồng), Cần Thơ (1.378 tỷ đồng), Phú Hữu (204 tỷ đồng)…

Các khoản phải thu giảm 8%, đạt 3.366 tỷ đồng, tương đương 11,6% tài sản.

Tiền và tương đương tiền của NLG rất dồi dào, đạt 2.473 tỷ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) đạt 701 tỷ đồng, giảm 33%. Tổng cộng, NLG có quỹ tiền lên tới 3.174 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2024 đạt 15.440 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Đáng chú ý nhất trong đó là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn rất lớn, đạt 4.203 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Đây đều là tiền khách hàng trả trước cho việc mua căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất nền.

Bên cạnh đó, doanh thu chưa thực hiện cũng đạt 245 tỷ đồng – là giá trị khoản lợi nhuận mà tập đoàn nhận được từ việc chuyển nhượng một phần dự án Mizuki cho Công ty Cổ phần NNH Mizuki theo tỷ lệ sở hữu của NLG trong các liên doanh này và khoản lợi nhuận phát sinh từ việc cung cấp dịch vụ cho các công ty; cùng với đó là tiền thuê nhà nhận trước từ khách hàng cho toàn bộ giai đoạn thuê và được phân bổ theo định kỳ.

Như vậy, NLG có hơn 4.600 tỷ đồng là “của để dành”, sẽ được ghi nhận vào doanh thu trong giai đoạn tới.

Nợ vay của NLG trong quý I/2024 đã tăng thêm 1,7%, lên 6.213 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu 13.381 tỷ đồng, giảm 1,1% so với đầu năm (trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 2.802 tỷ đồng) hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ 1,15 lần.

Về dòng tiền, trong quý I/2024, NLG đã tích cực thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác, đồng thời thu lãi cho vay, nhận cổ tức. Công ty cũng giảm mạnh quy mô của dòng tiền vay mượn (giảm khoảng một nửa).

Chiến lược nào giúp Nam Long vượt qua khủng hoảng bất động sản?

Chiến lược nào giúp Nam Long vượt qua khủng hoảng bất động sản?

Bất động sản
(VNF) – Trong giai đoạn thị trường bất động sản khủng hoảng (2022 – 2023), Nam Long (HoSE: NLG) là một trong số ít đơn vị duy trì được sự vững vàng. Đằng sau thành công này là một chiến lược kinh doanh khôn ngoan và khả năng phân bổ, luân chuyển vốn linh hoạt.
Cùng chuyên mục
Tin khác