Đằng sau ‘game’ phát hành 40,6 triệu cổ phiếu của An Gia
(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) mới đây đã công bố kế hoạch phát hành 40,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đằng sau động thái “bán giấy” này là cuộc vật lộn với nợ vẫn chưa có hồi kết của doanh nghiệp này.
Áp lực vẫn đè nặng
Nếu quan sát An Gia từ năm 2021 tới nay, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy một điều nổi bật trong bức tranh tài chính: nợ vay giảm dần đều. Cụ thể, năm 2021, nợ vay là 2.474 tỷ đồng, sang năm 2022 còn 1.534 tỷ đồng, tiếp đến 2023 còn 1.460 tỷ đồng và chốt tại thời điểm kết thúc quý II/2024 là 1.231 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 3 năm, quy mô nợ vay của An Gia đã giảm được 50%.
Không phải ngẫu nhiên An Gia tích cực giảm nợ. Thống kê cho thấy từ năm 2021 đến năm 2023, chi phí tài chính của An Gia đều lên tới hàng trăm tỷ đồng: 262 tỷ đồng (2021), 321 tỷ đồng (2022) và 204 tỷ đồng (2023). Bán niên 2024, chi phí này là 157 tỷ đồng (tăng 58% so với cùng kỳ).
Chi phí tài chính neo cao là điều không doanh nghiệp nào mong muốn, nhất là trong thời buổi “thóc cao gạo kém” như hiện nay, huống chi An Gia hầu như đã “hết đồ để ăn” khi dự án Westgate đã “book” xong doanh thu, còn The Gió Riverside lại mới chỉ ở giai đoạn ban đầu.
Phải thừa nhận nỗ lực giảm nợ của An Gia là đáng khen, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa áp lực đã giảm bớt. Trên thực tế, tại thời điểm kết thúc quý II/2024, An Gia vẫn đang đối diện với nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn rất lớn, bao gồm: phải trả các nhà cung cấp (Ricons, Newtecons, Hiền Đức) 319 tỷ đồng, chi phí lãi vay 148 tỷ đồng, chi phí thanh lý hợp đồng 119 tỷ đồng, vay dài hạn đơn vị khác đến hạn trả 586 tỷ đồng, vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả 12 tỷ đồng, vay ngắn hạn bên liên quan 196 tỷ đồng, vay ngắn hạn ngân hàng 185 tỷ đồng… Tổng cộng các khoản này lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.
Trong tình cảnh không thể đi mượn chỗ nọ để đắp chỗ kia, nếu như không muốn xóa sạch thành quả đạt được trong giai đoạn 2022 – 2023, An Gia chỉ có thể trông chờ vào việc gọi vốn từ các chủ sở hữu. Và đó là lý do cốt yếu để kế hoạch chào bán 40,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu được ra đời.
40,6 triệu cổ phiếu, trong điều kiện chào bán suôn sẻ, sẽ mang về cho An Gia 406 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp này trả nợ ngân hàng (148 tỷ đồng) và đổ vốn vào các công ty con như Công ty Cổ phần Tư vấn AGI & HSR (68 tỷ đồng), Công ty TNHH Western City (190 tỷ đồng). Trong đó, mục tiêu trả nợ ngân hàng được ưu tiên số 1.
Có thể nói không ngoa, kế hoạch phát hành 40,6 triệu cổ phiếu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với An Gia, bởi 312 tỷ đồng tăng thêm trên vốn điều lệ nhờ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức không mang lại dòng tiền tươi, còn 6,1 triệu cổ phiếu ESOP cũng chỉ mang về 61 tỷ đồng, đủ để “thấm giọng”.
Trong khi đó, dòng tiền của An Gia đang khá xấu. Kết thúc bán niên 2024, dòng tiền kinh doanh âm 91 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần âm tới 560 tỷ đồng, khiến tiền và tương tiền tại thời điểm cuối tháng 6/2024 chỉ còn 212 tỷ đồng, giảm 72% so với đầu năm.
Dù vậy, triển vọng chào bán của An Gia đang bị thách thức khi cổ phiếu AGG vẫn đang “down trend”. Từ tháng 6/2024 đến nay, cổ phiếu này đã giảm tới 26% và vẫn chưa biết tới chừng nào mới đảo ngược được thế cờ.
Còn nhiều lắng lo
An Gia đã bắt đầu năm 2024 với kết quả kinh doanh ấn tượng: doanh thu quý I đạt 1.312 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần, lợi nhuận sau thuế đạt 214 tỷ đồng, tăng 17,8 lần so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 9 quý qua. So với kế hoạch năm, An Gia đã hoàn thành tới 82% mục tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, đó cũng là tất cả những gì An Gia có thể làm được trong năm 2024, bởi danh mục dự án có thể ghi nhận doanh thu đã gần như chấm hết. Công ty này buộc phải chờ đợi đến khi The Gió Riverisde mang lại điều tương tự như cái cách mà Westgate đã làm.
Tại ngày 30/6/2024, An Gia ghi nhận khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 766 tỷ đồng – một mức không tệ, song so với đầu năm đã giảm tới 59%. Điều đáng lo lắng là tình hình thị trường miền Nam hiện nay khá tồi tệ, việc bán hàng rất khó khăn, bởi vậy rất khó nói trước The Gió Riverside có thể mang về dòng tiền như kỳ vọng cho An Gia trong các tháng cuối năm 2024 hay không.
Trong trường hợp “người tính không bằng trời tính”, câu chuyện tiền bạc của An Gia rất có thể sẽ còn căng thẳng hơn nữa.
An Gia: Pháo hoa vội tàn
- Đề xuất gói tín dụng cho vay mua nhà với lãi suất 5%/năm 13/10/2024 05:01
- Tăng vốn lớn cho Big 4; chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng 13/10/2024 01:15
- Thanh tra đề nghị Bộ Công an xem xét, điều tra 2 dự án tại TP.HCM 13/10/2024 08:15
Hơn 15.000 ngôi nhà ở Quảng Bình ngập do mưa lũ
(VNF) - Nước lũ dâng cao đang làm nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị bị chia cắt, buộc hàng nghìn hộ dân phải kê cao đồ đạc và di dời người cùng tài sản.