Đất Đà thành 'bỏng tay', nhà đầu tư Sài thành 'phát choáng'
Công Quang -
22/03/2019 07:37 (GMT+7)
Cơn sốt đất ở Đà Nẵng đang tạo ra những tín hiệu không tốt cho thị trường bất động sản. Giá đất đã nhanh chóng thiết lập một mặt bằng mới cao hơn so với giá cũ. Đến mức, một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản ở TP. HCM cũng phải thốt lên: "Muốn ra Đà Nẵng mua miếng đất mà khó quá".
Đại gia Sài thành cũng sợ "bỏng tay"
Cơn sốt đất ở Đà Nẵng đã "lan toả" đến tận TP. HCM, nhất là những người gốc Quảng Nam, Đà Nẵng.
Chị Thu Hương (ngụ Gò Vấp, TP. HCM) kể rằng, mấy năm trước, vợ chồng chị định về quê lập nghiệp. Một mảnh đất gần bến xe mới Đà Nẵng khi đó được chào với giá 300 triệu đồng.
"Lưỡng lự không mua, giờ có ý định về quê cũng không được nữa vì miếng đất đó đã qua 2 lần chủ và số tiền đã lên đến hơn 2 tỷ đồng", chị Hương nói.
Cũng theo chị Hương, mới đây, khi nghe tin chị bán căn nhà 30m2 của chị ở Gò Vấp giá 2,5 tỷ đồng thì nguời thân của chị gọi điện vào nói bán như vậy là "quá bèo".
"Ông anh của tôi bảo, căn nhà cấp 4 của anh ấy ở ngay khu ngã ba Hoà Cầm có người trả 3,5 tỷ đồng rồi. Căn nhà tôi ở trung tâm Gò Vấp mà bán giá 2,5 tỷ là rẻ quá. Tôi chỉ biết cười...", chị Hương nói thêm.
Anh Thanh Ngọc, Phó Tổng thường trực một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP. HCM cũng thở dài khi nói về cơ hội mua đất ở Đà Nẵng.
Anh Ngọc quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Khi cuộc sống ổn định ở TP. HCM, anh Ngọc muốn mua một mảnh đất ở trung tâm thành phố Đà Nẵng để sau này "có đường lùi về quê hương". Thế nhưng, khi quyết định đầu tư thì giá đất ở Đà thành bất ngờ tăng vọt vì các tin đồn thất thiệt.
"Trời ơi, đất gì mà đắt như xắt ra miếng. Đất gần khu bờ biển mới năm nào có vài ba tỷ giờ đã lên mấy chục tỷ rồi. Ngó bộ, đường về quê còn xa lắm...", anh Ngọc dí dỏm.
"Sốt" đất do nhà đầu tư "cá mập"?
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân cho biết, cơn sốt đất vừa qua tại Đà Nẵng bản chất là do một nhóm nhà đầu tư "cá mập" kết hợp cùng với đội ngũ môi giới tung thông tin giả làm náo loạn thị trường.
"Điển hình thông tin tôi nắm được qua các phương tiện truyền thông là việc tung tin tách quận mới từ huyện Hoà Vang, cao điểm là có cả việc giả mạo cả văn bản phê duyệt dự án của lãnh đạo tỉnh", ông Chánh nói.
Theo ông Chánh, giai đoạn "sốt đất hầm hập" này kéo dài khoảng 2-3 tuần ngay sau Tết Nguyên đán 2019. Và dĩ nhiên đằng sau chuyện tung tin thổi giá đất bao giờ cũng là những kẻ trục lợi muốn việc này kéo dài lâu.
Tuy nhiên bằng các động thái quyết liệt để chấn chỉnh thông tin sai thậm chí còn có cả công an vào cuộc đã nhanh chóng làm hạ nhiệt cơn "sốt" này.
"Dĩ nhiên, bất kỳ khi nào cơn sốt đi qua cũng đều để lại hậu quả. Hậu quả ở đây là giá đất đã nhanh chóng thiết lập một mặt bằng mới cao hơn so với giá cũ. Và khi hình thành bong bóng và vỡ nhanh như vậy, hậu quả về mặt tâm lý là rất nặng nề: người có đất không muốn bán, lật kèo dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn các tranh chấp dai dẳng do xung đột về lợi ích. Thị trường hình thành một mức giá ảo làm cho tính thanh khoản bị tê liệt có thể kéo dài", ông Chánh nói.
Ông Chánh cũng cho rằng, so với các cơn sốt tại TP. HCM với cơn sốt đất ở Đà Nẵng hiện nay về bản chất các giai đoạn của cơn sốt là giống nhau: ấm, nóng, sôi sục và khi có can thiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước thì ngày lập tức hạ nhiệt.
Tuy nhiên tại TPHCM, sốt đất kéo dài hơn do nguồn lực lớn hơn, thị trường lớn hơn tại Đà Nẵng.
Chuyên gia Phan Công Chánh cũng khuyên nhà đầu tư nên dành thời gian "xem nhiều, mua ít" hơn là "xem ít, mua nhiều", nhất là với các nhà đầu tư đến từ TP. HCM như anh Văn Ngọc nói trên.
"Trong đầu tư bất động sản, có một thông số gọi là "nhịp điệu thị trường". Thông số này mô tả một hiện tượng tâm lý khi một nhà đầu tư không theo kịp nhịp điệu thị trường tại một khu vực khi không có nhiều thời gian lui tới, điều này dẫn tới một cảm giác là bao giờ cũng thấy "giá cao quá" trong một thị trường giá tăng liên tục. Tôi nghĩ nên dành thời gian "xem nhiều, mua ít" hơn là "xem ít, mua nhiều" thì sẽ vượt qua được hiện tượng này", ông Chánh nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.