ĐBQH Lê Thanh Vân: Giải ngân vốn đầu tư công là thước đo năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu

Ái Châu Tử - 17/07/2020 07:00 (GMT+7)

(VNF) – Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ trong 6 tháng đầu năm bắt nguồn từ nhiều nguyên do, bao gồm cả nguyên do chính trị. Ông nhấn mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công là thước đo năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp hiện nay.

VNF
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 16/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Đây là hội nghị rất quan trọng bởi đầu tư công được xem là một trong những phương thức cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.

Nhân việc chính phủ họp bàn về việc giải ngân vốn đầu tư công, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về vấn đề này:

- Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi chính phủ trong hội nghị hôm 16/7, khá nhiều địa phương chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Ở góc độ của một đại biểu Quốc hội, ông có bình luận gì về tình trạng này?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải bây giờ mới có mà là căn bệnh trầm kha trong nhiều năm qua. Theo tôi, tình trạng này xuất phát từ 3 nguyên do:

Một là thủ tục giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều khâu chưa thực sự thuận lợi cho các tổ chức, cơ quan.

Hai là năng lực bộ máy ở không ít nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu, còn hiện tượng chây ì, đùn đẩy, né tránh và đổ lỗi cho cơ chế.

Ba là người đứng đầu ở các cấp còn thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Trong 3 điều trên, điều thứ 3 là nguyên do quyết định nhất. Vấn đề này không phải bây giờ ta mới nhận ra mà đã nhận ra từ lâu rồi. Không ít lần ở các kì họp Quốc hội, khi đánh giá về hiệu quả, hiệu lực và chấp hành pháp luật trong đầu tư công, Quốc hội đã chỉ rõ nhưng việc khắc phục của Chính phủ chưa nghiêm.

Có thể nói việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, còn việc xử lí không nghiêm trách nhiệm người đứng đầu ảnh hưởng tới hiệu quả và chất lượng quản lý – điều hành của nhà nước. Cả hai đều là vấn đề nghiêm trọng.

- Có ý kiến cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn xuất phát từ nguyên nhân chính trị, ví như “chiến dịch đốt lò” của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Ông có nghĩ như vậy?

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đúng là có tâm lí sợ hãi của người đứng đầu các cấp. Họ sợ không may làm sai thì sẽ trở thành “củi” nên tìm mọi cách trì hoãn, đùn đẩy trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho mình. Họ có tâm lí giữ mình, làm tròn vai, để tránh bị trừng phạt kỉ luật Đảng hoặc pháp luật của nhà nước.

Một nguyên nhân khác là những người đứng đầu này cho rằng không làm thì không vi phạm. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định đây là một nhận thức sai lầm, vì không làm gì cũng là một hành vi, nói cách khác là không hành động cũng là một hành động.

Người đứng đầu mà không hành động tức là không thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trọng trách của mình. Vốn đầu tư công bị giam giữ, các công trình, dự án không thể triển khai, kinh tế xã hội không phát triển, đó chính là thiệt hại. Những thiệt hại ấy thậm chí còn không đo đếm được bằng tiền. Nghiêm trọng hơn, hành vi “bất động” ấy khiến kỉ cương phép nước bị hủy hoại.

Một nguyên nhân nữa mà tôi cho rằng những người đứng đầu không sốt sắng giải ngân vốn đầu tư công là họ không biết, không hiểu gì, hoàn toàn phó thác cho bộ máy dưới quyền thích làm lúc nào thì làm lúc đấy. Số này cũng không ít. Họ thăng tiến tới vị trí đứng đầu các cấp không phải nhờ năng lực, do đó họ không nắm được pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ máy giúp việc tham mưu thế nào, họ sẽ làm thế ấy, trong khi đó bộ máy tham mưu không ít nơi lại tha hóa, biến chất, luôn trông đợi sự đút lót của các chủ đầu tư, nhà thầu.

Đây là thực trạng rất nguy hiểm. Nếu lãnh đạo Đảng, Chính phủ không nhìn nhận thấu đáo, xử lí nghiêm minh thì bộ máy không thể triển khai đúng chức năng, nhiệm vụ của nó được.

- Thưa ông, tại hội nghị sáng 16/7, Thủ tướng nói sẽ có chế tài đối với các địa phương, các cá nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ông có bình luận và góp ý gì với Thủ tướng về vấn đề này?

Tôi đánh giá rất cao ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tôi đã theo dõi phiên họp của Chính phủ sáng 16/7 và nhận thấy Thủ tướng có hai ý kiến rất xác đáng.

Một là Thủ tướng nêu câu hỏi cho 45 ủy viên Trung ương Đảng – là những người giữ cương vị lãnh đạo ở trung ương và địa phương. Câu hỏi của Thủ tướng là làm sao thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công. Đây là câu hỏi có tính chất khảo khóa, tức là khảo sát năng lực của lãnh đạo. Trước một vấn đề như vậy, anh là ủy viên Trung ương, là tinh hoa, là nguyên khí của quốc gia, anh nghĩ gì, anh hiến kế gì cho Chính phủ? Nếu không hiến kế được thì anh có xứng đáng giữ vị trí đang có hay không?

Tôi so sánh câu hỏi của Thủ tướng hôm nay với hình thức khảo khóa của đời xưa - khi thi tuyển nhân tài để bổ nhiệm quan lại có môn thi "văn sách", bàn về thuật trị quốc. Cái đó lớn lắm mà sĩ tử xưa còn hiến kế được, trong khi hiện tại chỉ là một giải pháp tình thế trong một hoạt động cụ thể là giải ngân vốn đầu tư công. Tôi không biết 45 vị tinh hoa đã trả lời Thủ tướng thế nào, nhưng qua cách khảo khóa này, Thủ tướng có thể thấy được năng lực và tính thích ứng của người đứng đầu các cơ quan cấp dưới.

Ý kiến thứ hai rất đúng của Thủ tướng là ông khẳng định đơn vị nào không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công sẽ phải chịu chế tài. Cái này không mới nhưng để cho người đứng đầu Chính phủ phải nói như vậy thực sự là điều rất chua chát.

Có thể nói răn đe bằng chế tài là một điều bất đắc dĩ bởi luật pháp đã tường minh về trách nhiệm, nghĩa vụ người đứng đầu rồi. Như trên tôi có nói, không làm gì cũng là một dạng vi phạm rồi. Và tùy theo mức độ lỗi mà Chính phủ có hình thức xử lí thích đáng, nhẹ thì tước bỏ quyền hạn, nhiệm vụ, còn có hành vi tham nhũng thì trừng trị bằng pháp luật hình sự.

Là đại biểu Quốc hội nhiều năm, tôi rất khó hiểu khi nhiều vị, kể cả cấp Bộ trưởng, trước Quốc hội cứ nói xin chịu trách nhiệm về những thiếu sót của cơ quan mình phụ trách. Không hiểu các vị nói trách nhiệm ấy là trách nhiệm gì!

Nói đến trách nhiệm là nói đến hai loại. Một là trách nhiệm chính trị, tức đó là uy tín của anh, là sự tín nhiệm của cơ quan đã bầu hoặc phê chuẩn anh vào chức vụ đó. Anh chịu trách nhiệm chính trị tức là anh thấy mình không xứng đáng với sự tín nhiệm của tổ chức, vậy anh từ chức đi. Hai là trách nhiệm pháp lý, anh sai sẽ bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.

Trách nhiệm phải rõ ràng như vậy chứ đâu phải thứ trách nhiệm chung chung như một thứ ngôn từ hoa mỹ, một cái “mốt” để chứng minh cho người khác thấy anh rất nghiêm túc, cầu thị. Không, không đơn giản thế, không đơn giản là một lời xin lỗi. Trách nhiệm luôn rất cụ thể, có trách nhiệm chính trị, có trách nhiệm pháp lý, có chế tài cụ thể.

Tôi thấy đến mức Thủ tướng phải đem chế tài ra răn đe là một sự cảnh báo rất lớn rồi.

- Ông đã nhìn thấy động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, song song với thúc đẩy giải ngân, chúng ta cũng cần động thái giám sát để đảm bảo vốn đầu tư hiệu quả và chống rút ruột, tham nhũng?

Việc kiểm tra, giám sát, thanh tra hoạt động đầu tư công là việc song song với quá trình thúc đẩy giải ngân. Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều cuộc thanh - kiểm tra, Quốc hội cũng có những đoàn giám sát.

Tuy đã được thanh – kiểm tra, giám sát nhưng vi phạm vẫn xảy ra. Đó là do con người, do cá nhân hết. Luật dù đúng mà cá nhân vận hành bóp méo, bẻ cong thì vi phạm vẫn có, rút ruột vẫn có. Vì ta chưa trừng trị thích đáng nên những cá nhân, tổ chức vẫn vi phạm.

Tôi nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị. Họ chính là người tổ chức thực hiện, người giám sát hiệu quả nhất. Người đứng đầu càng có trách nhiệm, bản lĩnh, việc giải ngân vốn đầu tư công càng hiệu quả và ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.