Đề xuất thay nhà đầu tư Tasco tại dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội

Minh Quang - 19/11/2018 08:45 (GMT+7)

Do không thống nhất được với nhà đầu tư (Tasco), Bệnh viện Tim Hà Nội đang đề xuất thay nhà đầu tư hoặc chuyển hình thức đầu tư sang đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đối với dự án xã hội hóa Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ.

VNF
Tasco bị đề xuất thay thế tại dự án xã hội hóa Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội

Dự án xã hội hóa Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ cuối năm 2017, HĐND Hà Nội thống nhất điều chỉnh từ “PPP đặc thù” thành “xã hội hóa theo Nghị quyết 93 của Chính phủ”, nhà đầu tư dự kiến là Công ty Cổ phần Tasco.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của VietTimes, dự án xã hội hóa này hiện tại không có sự thống nhất giữa nhà đầu tư Tasco và cơ quan đàm phán, quản lý hợp đồng (Sở Y tế - Bệnh viện Tim Hà Nội).

Chính vì vậy, Bệnh viện Tim Hà Nội đang đề xuất thay nhà đầu tư hoặc chuyển hình thức đầu tư sang đầu tư từ ngân sách đối với dự án này.

Các dự án PPP khác của Tasco tại Hà Nội

Tại Hà Nội, Tasco đã và đang thực hiện một số dự án theo hình thức PPP, điển hình là dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối nối với đường 70).

Dự án này đã được thanh tra 2 lần và đều phát hiện sai phạm liên quan đến tính đơn giá, định mức không đúng dẫn đến “đội giá” dự án.

Cụ thể, năm 2012 dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra và phát hiện hàng loạt sai phạm tài chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Tasco đã tính toán, áp dụng chưa đúng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí của nhiều hạng mục; tính toán, bóc tách thiếu chính xác và thừa nhiều khối lượng; đưa thêm nhiều hạng mục theo tỷ lệ bất hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư thêm 39,468 tỷ đồng.

Dự án đã áp dụng đơn giá vật tư gối cầu và khe co dãn cao hơn 15 đến 20 lần so với giá phổ biến trên thị trường làm tăng tổng mức đầu tư 64,736 tỷ đồng. nhà đầu tư áp dụng đơn giá gối cầu cao su lõi thép xuất xứ Trung Quốc 200x250x28mm là trên 6,644 triệu đồng/bộ và khe co dãn cao su S100 xuất xứ Trung Quốc với đơn giá 133,286 triệu đồng/m. Trong khi đó, tại thời điểm này các nhà cung cấp khác chỉ chào giá vật liệu tương tự ở các dự án khác với gối cao su lõi thép xuất xứ Trung Quốc 200x250x28mm là 340,287 nghìn đồng/gối và khe co dãn cao su S100 xuất sứ Trung Quốc là 5,971 triệu đồng/m.

Một số chi phí của các hạng mục kiểm tra cũng tăng như: chi phí trực tiếp xây dựng đường tăng 53,205 tỷ đồng, chi phí trực tiếp xây dựng cầu sông Nhuệ tăng 70,693 tỷ đồng, chi phí trực tiếp xây dựng cầu vượt đường sắt tăng 159,622 tỷ đồng.

Từ những sai sót trong tính toán khối lượng chi tiết các hạng mục nêu trên sau khi tính toán các chi phí tỷ lệ theo quy định tương ứng, cơ quan thanh tra phát hiện tổng mức đầu tư của dự án đã bị tăng lên 437,629 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, việc trừ các chi phí không phù hợp trong xác định giá trị thu tiền sử dụng đất của các dự án hoàn vốn cho dự án BT khiến giảm số tiền nhà đầu tư Tasco phải nộp ngân sách là 559,312 tỷ đồng.

Trong đó, đối với khu đất “đơn vị số 3” theo Quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách là 654,559 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm tra cho thấy số tiền phải nộp là 1.145,098 tỷ đồng (chênh lệch 490.538 tỷ đồng); khu đất tại “đơn vị số 2” số tiền theo Quyết định phê duyệt là 117,009 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm tra cho thấy số tiền phải nộp là 225,782 tỷ đồng (chênh lệch 108,773 tỷ đồng).

Từ những phát hiện trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị TP. Hà Nội và nhà đầu tư đối chiếu lại giá trị đối trừ giữa dự án BT và dự án đối ứng để xác định diện tích đất cần thiết phải giao cho nhà đầu tư. Diện tích đã giao thừa ra được xác định lại đơn giá theo thực tế để tính tiền quyền sử dụng đất phải nộp ngân sách.

Vào năm 2017 Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối nối với đường 70) và vẫn phát hiện rất nhiều sai phạm tại Dự án BT này.

Lần này Tasco bị Thanh tra Chính phủ đánh giá là hạn chế năng lực tài chính, không đảm bảo năng lực theo yêu cầu, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ; vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng khi chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội thì không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn kí hợp đồng với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo yêu cầu. Dự án khi trình lên để xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức chỉ định thầu đã nêu ra lý do cấp bách, cần thiết nhưng UBND TP. Hà Nội lại không có tài liệu chứng minh.

Ngoài ra, dự án cũng tính sai chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật do áp sai suất vốn đầu tư, trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là 11,275 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu điều chỉnh các Quyết định giao đất khu đô thị Xuân Phương đối với Tasco cho phù hợp quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được quy định; rà soát, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và xử lý 37,648 tỷ đồng tiền thuê đất tăng thêm do chưa xác định giá trị tiền thuê đất đối với phần diện tích đất công cộng và bãi đỗ xe của dự án.

Đặc biệt, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư của dự án không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng, làm tăng giá trị hợp đồng BT thêm gần 20 tỷ đồng.

Như vậy trong quãng gần 10 năm đã có 02 cuộc thanh tra lớn nhắm vào dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương của TASCO và đều phát hiện nhiều sai phạm. Điều đáng nói là những sai phạm vẫn liên quan đến việc đơn giá, định mức... tài chính bị xác định không đúng.

Ngoài dự án trên, mới đây Tasco cũng đã đề xuất thực hiện dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT, tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng. Đề xuất này cũng đã được HĐND TP Hà Nội chấp thuận và bổ sung vào danh mục dự án trọng điểm.

Theo Viettimes
Cùng chuyên mục
Tin khác