Dịch Covid-19: Italy ‘vỡ trận’ với 793 ca tử vong trong ngày, Mỹ có hơn 23.500 người nhiễm

Thanh Tú - 22/03/2020 11:17 (GMT+7)

(VNF) - Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã xuất hiện tại 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số người chết do dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh ở châu Âu, nâng số ca tử vong trên toàn cầu lên 13.112, trong số 307.855 ca nhiễm.

VNF
Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã xuất hiện tại 188 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Italy thêm 793 ca tử vong trong 24 giờ

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 21/3 cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 793 ca tử vong mới do dịch Covid-29, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 4.825 người, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.

Cũng trong ngày 21/3, Italy phát hiện thêm 6.557 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 53.578 trường hợp, số bệnh nhân điều trị thành công tăng 943 người lên 6.072 trường hợp.

Vùng tâm dịch Lombardia ở miền Bắc Italy tiếp tục hứng chịu hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19. Giới chức y tế vùng này thông báo số ca tử vong tại đây đã lên đến 3.095 trường hợp.

Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) cho biết độ tuổi trung bình của bệnh nhân tử vong và dương tính với virus SARS-CoV-2 là 78,5 tuổi.

Tây Ban Nha: Thêm gần 5.000 ca nhiễm mới

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, nước này ghi nhận thêm 324 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong ngày 21/3, mức tăng cao nhất từ đầu dịch, nâng số người chết toàn quốc lên 1.378.

Tây Ban Nha đã phát hiện thêm 4.946 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân lên 25.374. Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc đại lục và Italy.

Trong 7 ngày qua, số người chết vì Covid-19 tại Tây Ban Nha tăng gấp hơn 10 lần. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa hôm qua cảnh báo "những ngày tồi tệ nhất còn chưa đến".

Tây Ban Nha đã phong tỏa toàn quốc sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày từ 14/3. Khoảng 46 triệu dân Tây Ban Nha phải ở nhà ngoại trừ đi làm, mua thức ăn, đến hiệu thuốc, bệnh viện hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.

Đức có hơn 22.000 ca nhiễm

Tính đến 18h ngày 21/3 (theo giờ địa phương), tại Đức đã ghi nhận 22.255 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 84 trường hợp tử vong. Như vậy, Đức hiện là nước có số ca nhiễm nhiều thứ 3 ở châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha.

Về việc ứng phó dịch Covid-19 ở Đức, bang Bayern đã áp đặt tình trạng giới nghiêm bắt đầu từ ngày 21/3 và việc ra khỏi nhà phải có lý do hợp lệ, ngoại trừ đi làm (có giấy xác nhận của cơ quan, công ty), mua bán nhu yếu phẩm, gặp bác sĩ, chơi thể thao hoặc đi dạo (chỉ một mình hoặc với người sống cùng).

Trong khi đó, nhiều bang khác của Đức cũng đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa nhà hàng, cấm tụ tập nhiều người ở nơi công cộng.

Thủ đô Berlin từ chiều 21/3 đóng cửa các nhà hàng, cấm tụ tập trên 10 người; cấm bán hàng cho người ngoài tại các nhà ăn của các nhà máy, xí nghiệp,... (trừ mua mang đi).

Đặc biệt, một số thành phố ở bang Nordrhein-Westfalen (bị ảnh hưởng dịch nặng nhất) như Köln, Leverkusen, Dortmund và phố Bochum chỉ cho phép gặp mặt dưới 2 người ở nơi công cộng, trừ là người trong gia đình hoặc sống cùng nhau.

Hơn 500 người Pháp chết vì Covid-19

Bộ Y tế Pháp cho biết hôm 21/3 ghi nhận thêm 1.847 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 14.459, trong đó 1.587 trường hợp đã hồi phục và 562 người tử vong.

Giới chức y tế nước này cho biết khoảng một nửa số trường hợp nguy kịch là những người dưới 60 tuổi.

Pháp hiện là vùng dịch lớn thứ tư châu Âu, sau Italy, Tây Ban Nha và Đức. Tỷ lệ tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở nước này là 3,8%, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 4,2%.

Để đối phó với đại dịch Covid-19, chính phủ Pháp đã áp đặt hạn chế di chuyển tối đa trong thời gian ban đầu là 15 ngày và có thể gia hạn tùy theo diễn biến tình hình.

Anh đã làm xét nghiệm cho hơn 72.000 người

Số ca tử vong vì Covid-19 ở Anh hiện tăng lên 233, tăng 53 ca trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm mới tăng gần 1.000 trong 1 ngày lên 5.018 ca. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), các ca tử vong nằm ở phổ tuổi 41-94 và đều có bệnh lý nền.

Anh cũng đã làm xét nghiệm cho 72.818 người tính tới lúc này.

Chính phủ Anh hôm 22/3 đề nghị 1,5 triệu người sức khỏe kém, được cho là có nguy cơ mắc virus SARS-CoV-2 cao nhất, nên ở nhà ít nhất 12 tuần.

Những người có các bệnh lý nền như ung thư xương, ưng thư máu, xơ nang hoặc người đã ghép tạng được giới chức y tế Anh khuyên nên làm tất cả những gì có thể để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2, kể cả tự cách ly tại nhà trong một thời gian dài.

NHS ngày 21/3 đã đạt thỏa thuận với các bệnh viện tư trong nước để tăng cường thêm hàng nghìn giường bệnh, máy thở và đội ngũ nhân viên y tế đi kèm để đối phó với dịch Covid-19.

Mỹ vượt mốc 26.000 ca nhiễm

Tính tới hết ngày 21/3, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ đã tăng lên 26.209 ca trên khắp 50 bang, Guam, Puerto Rico và đảo US Virgin. Trong đó, 303 người đã tử vong. Washington là bang có nhiều ca tử vong nhất, theo sau là New York và California. 

New York là bang có nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất với hơn 10.300 ca đã được xác nhận, cao hơn gấp 6 lần bang đứng thứ 2 - Washington. Bang New Jersey và California lần lượt đứng thứ 3, 4 trong danh sách các bang nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhất.

Trong bối cảnh các lãnh đạo địa phương đang nỗ lực ngăn virus lây lan, các quan chức y tế Mỹ cho biết họ dự đoán số ca nhiễm SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới khi nhiều người được hơn làm xét nghiệm.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Châu Âu điêu đứng vì dịch Covid-19, Nga thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.