Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Nhà nước cần vay thêm 28 tỷ USD, bù lỗ trong 10-12 năm
Lê Ngà -
13/11/2018 09:59 (GMT+7)
(VNF) - "Khi đưa vào vận hành, thời gian đầu sẽ lỗ. Do đó Nhà nước sẽ phải hỗ trợ từ 10-12 năm về các chi phí duy tu, bảo dưỡng", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, số tiền 58,71 tỷ USD cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam mới chỉ là chi phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Còn khi vận hành, thời gian đầu sẽ lỗ, do đó Nhà nước sẽ phải hỗ trợ 10-12 năm về các chi phí duy tu, bảo dưỡng.
Do hình thức đầu tư BOT hiện bộc lộ nhiều bất cập, nên theo đại diện Bộ GTVT, dự án chỉ thích hợp với loại hợp đồng công - tư (PPP), chẳng hạn như Nhà nước đầu tư sau đó nhượng quyền khai thác, không phải nhất nhất đầu tư theo BOT.
“Đây là một cơ chế rõ ràng trong quá trình đầu tư, khai thác lâu dài. Mô hình này phân chia rủi ro giữa nhà nước và tư nhân rất rõ ràng và có cơ chế để xử lý”, ông Đông nói.
Khi đặt câu hỏi về tính hiệu quả kinh tế và tài chính của dự án, Thứ trưởng Đông cho rằng, điều này chỉ là một phần của vấn đề vì còn tổng hòa các tác động khác, như về kinh tế vĩ mô, xã hội, phát triển vùng, việc làm...
“Đây là dự án siêu lớn từ trước tới nay và Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Hiện tại, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương có tuyến đường dự kiến đi qua để thống nhất quy hoạch, đồng thời cũng làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực về khả năng cung ứng điện”, ông Đông cho biết.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông
Về tác động lên nợ công, liên danh Tư vấn Tedi-Tricc-Tedisouth (được giao nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam) đề xuất, Nhà nước cần phải vay thêm 28 tỷ USD (mỗi giai đoạn khoảng 14 tỷ USD), đây là kết quả dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế, vay và trả nợ Chính phủ, nợ công vẫn không vượt trần (không vượt 65% GDP).
Liên danh tư vấn cho biết, đến năm 2025, nợ công sau của Việt Nam vào khoảng 63,2% GDP, nên có thể vay thêm tối đa hơn 13,7 tỷ USD nợ công mới tới trần, khả thi khi vay hơn 1,6 tỷ USD cho đường sắt cao tốc. Đến năm 2030 có thể vay cho đường sắt 3 tỷ USD; tương tự các giai đoạn sau đó có thể vay cho đường sắt bằng khoảng 12% số vốn có thể vay (trên 3 tỷ USD) nợ công vẫn chưa vượt trần.
Liên danh Tư vấn Tedi-Tricc-Tedisouth (được giao nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam) tính toán, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD, theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Trong đó, nhà nước đầu tư hạ tầng, với tổng vốn chiếm 80% vốn đầu tư dự án (huy động hằng năm từ 0,3% - 0,55% GDP, bằng khoảng 10% vốn đầu tư hạ tầng); vốn nhà đầu tư chiếm 20% tổng vốn dự án (để mua sắm thiết bị và khai thác hoàn vốn). Hiệu quả kinh tế đạt khoảng 7,5%, hiệu quả tài chính đạt 1,9%.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có tổng mức đầu tư vào khoảng 58,71 tỷ USD, khai thác riêng tàu khách với chiều dài 1.545 km và vận tốc tối đa 320 km/h.
Giai đoạn đầu triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác năm 2030 đối với 2 đoạn là Hà Nội - Vinh (dài 282,65 km) và Nha Trang – TP. HCM (dài 362,15 km); Giai đoạn 2 (2030-2040 hoặc 2045) đưa vào khai thác đoạn Vinh – Nha Trang để nối thông tuyến.
Về tiến độ nghiên cứu dự án, dự kiến hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tháng 11/2018; Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ thẩm định từ tháng 12/2018 - 4/2019; Báo cáo các cấp có thẩm quyền từ tháng 5 - 7/2019; Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Chính phủ tháng 8/2019; Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8/2019; Quốc hội dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone