Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
- Từ thực tiễn quản lý vận hành phát triển một số dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, bà nhận định nguyên nhân gì khiến lượng khách du lịch của Phú Quốc sụt giảm mạnh?
Bà Lê Thị Hải Châu: Không thể phủ nhận sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Phú Quốc từng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn tại Việt Nam. Nhưng từ cuối năm 2022 cho tới nay, khách du lịch đến Phú Quốc sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm 2021.
Sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang hoạt động với lượng khách trung bình chỉ đạt 15-20% công suất phòng. Nguyên nhân trên xuất phát từ nhiều lý do.
Thứ nhất, điểm đến Phú Quốc không còn nóng như trước bởi rất nhiều khách đã đến Phú Quốc hơn 2 lần trong vòng 2-3 năm vừa qua.
Thứ hai, các tour du lịch trọn gói tới Thái Lan, Indonesia, Singapore được chào với mức giá thấp hơn hẳn so với du lịch tại Phú Quốc khiến khách nội địa gần như bỏ thị trường Phú Quốc. Nhóm du khách nội địa có khả năng chi tiêu cao thì chọn đi du lịch tới Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
Thứ ba, giá vé máy bay hiện nay quá cao. Khảo sát mới nhất cho thấy, giá vé cuối tuần bình thường (khứ hồi) loại phổ thông chặng Hà Nội-Phú Quốc thấp nhất 5 triệu đồng/vé, cao nhất 8,1 triệu đồng/vé. Chặng TP. HCM – Phú Quốc giá là 3,5–4,5 triệu đồng/vé.
Đặc biệt, dịp lễ 30/4 – 2/5/2023 sắp đến, giá vé khứ hồi phổ thông chặng Hà Nội – Phú Quốc trung bình là 8,2 – 8,5 triệu đồng; chặng TP.HCM – Phú Quốc là 5 – 8 triệu đồng/vé phổ thông. Mức giá trên đang cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với các địa điểm khác như Đà Nẵng, Nha Trang và cao hơn cả vé đi Thái Lan.
Bà Lê Thị Hải Châu, Tổng Thư ký Hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc (PITDA)
So với giá khách sạn, giá 1 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông vào cuối tuần có thể đổi lấy 2 – 4 đêm tại khách sạn 5 sao. Có thể thấy chi phí đi lại quá tốn kém so với lưu trú đã dẫn tới hệ lụy là các khách sạn Phú Quốc rất khó để khai thác được mảng khách đoàn, khách hội thảo, doanh nghiệp – trong khi mảng khách đoàn là thế mạnh từ trước đến nay, chiếm tới 40-50% thị phần.
- Khách du lịch Ấn Độ, Hàn Quốc, châu Âu hiện diện rất nhiều ở Phú Quốc, thậm chí có ý kiến cho rằng, tương lai có thể thay thế khách Trung Quốc, đây sẽ là nền tảng để các chủ dự án bất động sản du lịch có doanh thu vững mạnh. Bà nghĩ gì về nhận định trên?
Tôi nghĩ là chưa lạc quan như một số người nhận định đâu. Về thị trường khách Hàn Quốc, dễ nhận thấy là khách đến Phú Quốc giảm hẳn do vé máy bay tăng hơn 30% so với thời gian trước Covid (2019 và đầu 2020). Hàn Quốc chỉ mở charter các điểm đến truyền thống được yêu thích như Đà Nẵng.
Thị trường khách Đài Loan thì hiện không có đường bay thẳng nên các công ty du lịch phải gom khách để thực hiện các chuyến bay thuê bao. Các chuyến bay không gom đủ số lượng khách, do đó tỷ lệ khách Đài Loan đến Phú Quốc chưa khả quan. Thị trường này thường đi các tour truyền thống khác trong khi Phú Quốc chỉ là điểm cuối.
Với thị trường khách từ Ấn Độ, các chuyến bay không gom đủ khách nên đường bay thẳng từ Ấn đến Phú Quốc bị hạn chế, hiện đã đóng đường bay New Delhi. Đặc thù của đoàn khách Ấn là yêu cầu đặc trưng về các món ăn và nguyên liệu nấu để phục vụ đoàn. Nhiều đoàn ưu tiên chọn khách sạn có đầu bếp Ấn và nếu không có sẽ yêu cầu mượn bếp nấu của khách sạn để phục vụ cho đoàn. Khách sạn ở Phú Quốc rất khó đáp ứng nhu cầu này. Do vậy, thị trường Ấn Độ có vẻ như là thị trường lớn nhưng thực tế thì khả năng đón khách từ Ấn Độ không cao.
Về thị trường khách châu Âu, chiến tranh giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới nên nhu cầu đi du lịch từ thị trường inbound giảm. Phần lớn du khách đến du lịch Việt Nam sẽ chọn các tour truyền thống Bắc–Trung–Nam. Phú Quốc chỉ là lựa chọn thêm cuối tour nhưng hiện tại do giá vé máy bay cao nên các đơn vị khai thác cũng có xu hướng bỏ điểm đến này.
Chúng ta vẫn phải trông chờ vào lượng lớn khách Trung Quốc nhưng đáng tiếc hiện tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã mở cửa hợp tác và đón các tour du lịch nước ngoài từ 20 quốc gia nhưng thất vọng là không có Việt Nam trong khi có 10 quốc gia châu Á khác. Từ 15/3, Chính phủ Trung Quốc mới quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II.
Công tác truyền thông du lịch Phú Quốc chưa được phổ biến, bài bản so với các nước, chính sách thủ tục xin cấp visa đến Việt Nam còn nhiều bất cập và bị hạn chế hơn so với các nước cùng khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore.
- Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có dấu hiệu sụt giảm. Trong bối cảnh gặp khó chung của thị trường địa ốc, các chủ đầu tư tại Việt Nam đã linh hoạt phát triển nhiều xu hướng mới, mô hình mới. Tuy nhiên, theo bà, để phát triển bền vững hơn thì cần giải pháp căn cơ nào?
Các doanh nghiệp thành viên của Hội (PITDA) hiện nay đã đầu tư xây dựng phát triển BĐS nghỉ dưỡng, BĐS du lịch tại Phú Quốc với rất nhiều thiết kế sáng tạo, độc đáo; sản phẩm dịch vụ đa dạng, đặc thù; đầu tư rất bài bản về cả quy mô và nguồn lực tài chính.
Các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp được vận hành trên cơ sở hợp tác với các thương hiệu vận hành hàng đầu thế giới. Điều này tạo cho Phú Quốc có những sản phẩm du lịch ấn tượng mang tầm quốc tế, thậm chí nhiều công trình quy mô chưa từng có trên thế giới.
Phát triển du lịch là nền tảng để BĐS du lịch phát triển bền vững, vậy thì không chỉ cần các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nỗ lực mà còn cần vai trò của các ngành, các cấp chính quyền và cả chính sách vĩ mô tốt nữa.
BDS du lịch phát triển bền vững gắn liền với việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng giáo dục,y tế, dự trữ nguồn nước, xử lý nước thải, cải tạo hệ thống an sinh xã hội của toàn đảo, bảo vệ môi trường. Và muốn thực hiện được điều đó đòi hỏi cần có hàng lang pháp lý để địa phương vận hành bộ máy theo cơ chế đặc thù; cần những chính sách, thủ tục mang tính đột phá phù hợp với quy mô đầu tư và vị thế của Phú Quốc hiện nay.
Hiện tại, du lịch Phú Quốc liên quan đến 3 thị trường: thị trường bất động sản, thị trường du lịch và thị trường tài chính. Trong đó, vai trò của thị trường du lịch là rất quan trọng. Tổng cục Du lịch phải nắm được số liệu, dự báo được xu hướng để định hướng phát triển bài bản.
Các sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng tạo việc làm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường BĐS nói chung, nên xem đây là một ngành nghề dịch vụ gắn với sản xuất kinh doanh để chú trọng nhiều chính sách, ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Trong tương lai, cần phải hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ quy định giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, Luật Du lịch về phương thức quản lý các BĐS nghỉ dưỡng đa công năng, hình thức sử dụng đất phù hợp với mỗi loại hình. Cần có khung pháp lý hoàn thiện về đầu tư, xây dựng, sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn và cơ chế hợp tác, quyền sở hữu công trình trên đất đối với loại BĐS đặc thù này.
Trước mắt, cần giảm giá vé máy bay thật hợp lý, điều chỉnh chính sách cấp thị thực cho khách nước ngoài, hỗ trợ tối đa mọi chính sách để thu hút du khách, triển khai mạnh các chương trình du lịch thương hiệu quốc gia. Nếu không làm sớm, khẩn trương thì Phú Quốc sẽ tự đánh mất tiềm năng của chính mình và ngành bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ không tránh khỏi lao đao.
Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.