EU tính ‘phong toả vô thời hạn’ tài sản của Nga

Quang Đăng - 24/07/2024 16:27 (GMT+7)

(VNF) - EU đang cân nhắc việc "gia hạn vô thời hạn" lệnh trừng phạt đối với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga nhằm xoa dịu mối lo ngại của Mỹ về kế hoạch cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine, theo Financial Times (FT).

Theo một tài liệu mà FT có được, các đại sứ từ 27 quốc gia thành viên của EU sẽ nhóm họp vào ngày 24/7 để thảo luận về đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc "phong tỏa vô thời hạn tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga".

Theo EC, động thái này sẽ "cung cấp cho các đối tác G7 mức độ dự đoán cao nhất" liên quan đến việc hoàn trả khoản vay 50 tỷ USD mà các nhà lãnh đạo của nhóm này đã ký kết vào tháng trước.

Hiện nay, các lệnh trừng phạt được áp dụng liên tục sau mỗi 6 tháng, khiến các đồng minh của EU lo ngại rằng khoản vay sẽ không được hoàn trả đầy đủ.

Việc thiếu khả năng dự đoán như vậy đã trở thành rào cản lớn trong việc đạt được sự chấp thuận cho khoản vay từ Mỹ bởi nước này muốn có sự đảm bảo mạnh mẽ hơn từ châu Âu rằng họ sẽ tiếp tục đóng băng số tài sản trị giá 190 tỷ euro mắc kẹt tại trung tâm lưu ký chứng khoán Euroclear của Bỉ cho đến khi khoản vay được hoàn trả hoặc Nga đồng ý bồi thường để trang trải chi phí vay.

Động thái này diễn ra trước thềm cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, nơi ứng cử viên hàng đầu là cựu tổng thống Donald Trump đã đặt câu hỏi về việc có cần tiếp tục viện trợ cho Ukraine hay không.

Trước đó, vào tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí sẽ cấp cho Ukraine khoản vay lên tới 50 tỷ USD, khoản vay này sẽ được hoàn trả từ dòng lợi nhuận phát sinh từ các tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng theo lệnh trừng phạt. Những tài sản được nắm giữ tại Euroclear dự kiến ​​sẽ tạo ra khoảng 3 tỷ euro lợi nhuận mỗi năm.

Mặc dù phương án thứ hai là kéo dài thời hạn gia hạn lệnh trừng phạt từ sáu tháng lên đến ba năm cũng được đề cập trong tài liệu, các quan chức thừa nhận rằng chỉ có phương án đầu tiên mới có khả năng nhận được sự chấp thuận của Mỹ.

“Phương án một là phương án duy nhất. Phương án này khó, nhưng là phương án duy nhất mang lại sự chắc chắn và khả thi”, một người tham gia đàm phán cho biết về hai đề xuất.

Cả hai lựa chọn đều cần có sự chấp thuận của 27 nước EU và đây được xem là một yêu cầu khó khăn vì đặc phái viên của Hungary trước đây đã ám chỉ rằng vấn đề này cần phải được đưa ra ở cấp lãnh đạo EU.

Hungary thường xuyên chặn các quyết định về việc viện trợ cho Ukraine, bao gồm cả việc hoàn trả khoảng 6,5 tỷ euro viện trợ quân sự.

Các nước G7 cũng đang thảo luận về cách phân chia trách nhiệm cho khoản vay 50 tỷ USD, vấn đề này sẽ lại được nêu ra tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 bên lề hội nghị G20 tại Rio de Janeiro vào giữa tuần này.

Ý tưởng phổ biến là các quốc gia sẽ vay một phần khoản vay tương ứng với GDP của họ, trong đó EU và Mỹ đóng góp 20 tỷ USD mỗi bên, và Canada, Anh và Nhật Bản đóng góp 10 tỷ USD còn lại.

Theo hai quan chức EU, nếu các nước EU không ủng hộ việc gia hạn lệnh trừng phạt, Ủy ban châu Âu ban đầu có thể cấp một khoản vay lớn hơn "lên tới 40 tỷ euro".

Sau đó, tỷ lệ này có thể được điều chỉnh xuống mức thấp hơn khi các quốc gia khác đã đưa ra cam kết.

Theo Financial Times
EU ấn định ngày chuyển tiền cho Ukraine, Nga dọa trả đũa

EU ấn định ngày chuyển tiền cho Ukraine, Nga dọa trả đũa

Tài chính quốc tế
(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã công bố kế hoạch gửi đợt lãi suất đầu tiên thu được từ các quỹ bị đóng băng của Nga tới Ukraine vào tháng 8. Nga nói hành động này là "trộm cắp” và cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng.
Cùng chuyên mục
Tin khác