Fed cảnh báo 'nỗi đau' còn dài, gây áp lực lên chứng khoán và tiền tệ châu Á

Minh Ý - 21/09/2023 09:49 (GMT+7)

(VNF) - Là ngân hàng trung ương của nền kinh tế hàng đầu thế giới, bất kỳ quyết định nào của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có thể "tạo sóng" không chỉ ở Mỹ mà còn với nền kinh tế toàn cầu. Mới đây, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời cảnh báo có thể giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát.

VNF
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Lời cảnh báo "đáng sợ"

Trong cuộc họp chính sách mới nhất diễn ra ngày 20/9 vừa qua, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMO) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã quyết định không tăng lãi suất, giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25 - 5,5% sau cuộc họp hồi cuối tháng 7.

Fed đồng thời cho biết cơ quan vẫn kỳ vọng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trước cuối năm nay và sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn vào năm tới so với dự kiến ​​trước đó.

Mặc dù dự kiến ​​sẽ không tăng lãi suất, nhưng các quan chức Fed không đưa ra dự đoán mới về mức đỉnh của lãi suất dự kiến. Theo các chuyên gia, điều này có nghĩa là ngân hàng trung ương Mỹ có xu hướng thiên về cách tiếp cận giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Triển vọng đó đè nặng lên thị trường, khiến S&P 500 giảm gần 1% và Nasdaq Composite giảm 1,5%. Cổ phiếu dao động mạnh khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông muốn ghi nhận những dấu hiệu mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát trước khi đưa ra các quyết định về lãi suất.

Các dự đoán được đưa ra trong biểu đồ của Fed cho thấy khả năng sẽ có thêm 1 lần tăng lãi suất trong năm nay, sau đó là 2 lần cắt giảm vào năm 2024, ít hơn hai lần so với mức được chỉ ra trong lần cập nhật gần đây nhất vào tháng 6. Điều này có nghĩa là đến năm 2024, lãi suất của Mỹ có thể vẫn duy trì quanh mức 5%.

Ngoài việc giữ lãi suất ở mức tương đối cao, Fed đang tiếp tục giảm lượng nắm giữ trái phiếu của mình, một quá trình đã cắt giảm khoảng 815 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương kể từ tháng 6 năm 2022.

Thị trường Mỹ bị ảnh hưởng

Cổ phiếu và tiền điện tử đã phải chịu đựng sự biến động đáng chú ý khi các nhà đầu tư lo ngại về tỷ giá tăng. Tuy nhiên, điều được quan tâm hơn nữa là liệu điều gì sẽ xảy ra trong 6 tháng tới, khi Fed tiếp tục nâng lãi suất?

Ông Brian Spinelli, đồng giám đốc đầu tư của cố vấn tài sản Halbert Hargrove ở Long Beach, California, cho biết: “Chi phí vốn của các công ty đang tăng lên, các điều kiện cho vay đối với người tiêu dùng được cho là chặt chẽ hơn”. Việc ít tiền chảy vào thị trường tài chính hơn là một điểm trừ cho các khoản đầu tư nói chung.

Xem thêm >> Fed ra quyết định: Giữ lãi suất trên đỉnh cao, cảnh báo 'đáng sợ' sẽ tăng tiếp

Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm, hiện đang có mức lãi suất 4,3%, gần mức cao nhất trong 52 tuần là 4,36% được thiết lập trong tháng này.

Giờ đây, với lãi suất ngắn hạn cao hơn nhiều so với lãi suất dài hạn, tương đương với việc đảo ngược đường cong lợi suất - nhiều nhà quan sát thị trường đang dự đoán một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào năm 2024, có nguy cơ khiến thị trường chứng khoán Mỹ xuống thấp hơn nữa.

Trong khi đó, hai loại tài sản lớn khác đã có những phản ứng khác nhau khi đối mặt với tỷ giá cao hơn. Trong khi giá tiền điện tử giảm mạnh cùng với các tài sản rủi ro khác, nhiều mặt hàng đã tăng vọt vào đầu năm 2022, bao gồm cả dầu. Mặc dù vậy, cả giá tiền điện tử và dầu đều được dự đoán sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới.

Thị trường châu Á chịu áp lực

Theo các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia, các cổ phiếu tăng trưởng và tiền tệ châu Á có thể sẽ chịu áp lực sau quyết định lãi suất mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang.

Theo đó, việc Fed dự báo giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn có thể tạo ra những động thái không mấy tích cực cho thị trường chứng khoán, tiền tệ châu Á, và làm đổ dồn sự chú ý vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, sẽ diễn ra vào ngày 22/9 tới đây.

John Vail, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Nikko Asset Management Co. ở Tokyo, cho biết động thái của Fed "là một yếu tố tiêu cực ở mức độ vừa phải đối với Nhật Bản và các thị trường châu Á khác".

Kyle Rodda, nhà phân tích cấp cao tại Capital.com Inc. ở Melbourne, nói thêm rằng “các loại tiền tệ và chứng khoán châu Á, đặc biệt là các tên tuổi công nghệ, sẽ bị áp lực bởi giọng điệu "diều hâu" của Fed". Theo nhà phân tích này, ngoài đồng Yên, yếu tố tạo biến động nhiều nhất trong tương lai sẽ là chính sách của Trung Quốc.

Ngoài ra, nhà phân tích thị trường của IG Markets Ltd. tại Melbourne, bà Hebe Chen nhận định rằng các đồng tiền châu Á sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài hơi hơn.

Theo Bankrate, Bloomberg, CNN, CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác