'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Thu nhập không quá 30 triệu được mua nhà ở xã hội
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng đã hoàn thiện dự thảo nghị định về phát triển nhà ở xã hội, trong 1 – 2 tuần tới sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện và trình xin ý kiến thành viên Chính phủ đầu tháng 5/2024.
Theo ông Ông Hưng, trong nghị định này có nhiều nội dung mới. Về quỹ đất, luật đã quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào mục tiêu nhu cầu nhà ở xã hội để bố trí quỹ đất đủ. Trong đó có hai loại quỹ đất, gồm quỹ đất độc lập và quỹ đất nhà ở 20% trong dự án nhà ở thương mại.
Về trình tự thủ tục đầu tư, cũng được rút ngắn so với trước với những quy định hướng dẫn rất cụ thể, làm cơ sở cho địa phương thực hiện một cách thống nhất, tránh tình trạng như thời gian qua mỗi địa phương thực hiện theo trình tự khác nhau. Trong đó đã có việc rút gọn các thủ tục hành chính. Cụ thể, chủ đầu tư đương nhiên được miễn tiền sử dụng đất, không phải đi trình xin miễn như trước nữa.
Về chính sách ưu đãi, Luật Nhà ở và nghị định quy định đã có sự sửa đổi theo hướng, phần đầu tư nhà ở xã hội thì chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10%. Với 20% đất làm dịch vụ thương mại, chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận phần kinh doanh thương mại này mà không phải hòa chung vào dự án, nên có sự khuyến khích ưu đãi hơn.
Về mức giá mua, thuê mua cũng được quy định rõ cơ cấu hình thành nên giá nhà ở xã hội.
Với trình tự thủ tục mua bán, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, nghị định tới đây quy định, ngoài bốc thăm trực tiếp, có thể bốc thăm trực tuyến, nên người dân không phải đến sớm xếp hàng vào bốc thăm như trước.
Về điều kiện để được mua, thuê mua, luật mới đã rút gọn nhiều điều kiện. Cụ thể, về đối tượng đã rút gọn 1 điều kiện và chỉ còn 2 điều kiện là nhà ở và thu nhập; còn đối tượng thuê thì lượt bỏ tất cả các điều kiện, chỉ cần thuộc nhóm đối tượng mà luật đã quy định cụ thể.
Về điều kiện thu nhập, Bộ đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến. Hiện dự thảo nghị định đang đề xuất theo hướng mới, tức là đối với người độc thân có mức thu nhập 15 triệu đồng. Đối với hộ gia đình, 2 vợ chồng tổng thu nhập không quá 30 triệu là đủ điều kiện mua. Mức thu nhập này chỉ cần cơ quan nơi công tác xác nhận mà không cần phải ra cơ quan thuế.
Vốn rẻ là vấn đề then chốt
Cũng tại tọa đàm, ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Hà Nội đã xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, trong đó riêng nhà ở xã hội thành phố có kế hoạch riêng cho giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu hoàn thành 1,25 triệu m2 sàn, tương đương 20 nghìn căn.
Còn trong giai đoạn 2026 – 2030, mục tiêu đạt 2,5 triệu m2 sàn, tương đương 41 nghìn căn. Như vậy, với tổng cộng khoảng 60 nghìn căn, Hà Nội cơ bản đạt mục tiêu theo chỉ tiêu được Thủ tướng giao trong giai đoạn 2021 – 2030.
Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2025, do có dịch COVID-19, mất 2 năm, nên các dự án phải tạm dừng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, mục tiêu của thành phố. Qua rà soát, giai đoạn 2021 – 2023, Hà Nội đạt tổng số hơn 5 nghìn căn hộ, còn giai đoạn 2024 – 2025 phấn đấu thêm khoảng 2.500 căn nữa.
Trong khi đó tại TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết kết quả thực hiện phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016- 2020 rất thấp. Riêng TP. HCM mới được 15.000 căn. Như vậy, mỗi năm thành phố làm được 3.000 căn, trong khi nhu cầu TP. HCM khoảng trên dưới 100.000 căn.
Theo ông Châu, chỉ tiêu đề ra là năm 2021- 2025, phải có hơn 450.000 căn nhà ở xã hội, tuy nhiên hiện mới chỉ được hơn 40.000 căn nên phải chạy đua.
Tại TP. HCM, ông Châu thông tin năm 2022- 2023, khởi công 8 dự án nhưng sau đó không triển khai được vì vướng pháp lý. Đây là vướng chung, bởi 70% các dự án bất động sản thương mại là vướng pháp lý, còn 100% dự án xã hội vướng pháp lý trừ trường hợp nhà nước đấu thầu chọn chủ đầu tư.
Ông Châu khẳng định, từ Nghị quyết 18 của Trung ương, cho đến Luật Nhà ở 2023 là những pháp lý tốt nhất trong hơn 30 năm qua. Các cơ chế, chính sách nhà ở xã hội có tính khả thi, sát với thực tế hơn.
Tuy nhiên, hiện quy định thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng cần thoáng hơn. Ví dụ cán bộ lực lượng vũ trang có hệ số lương cao hơn, công nhân hầm lò có phụ cấp nên thu nhập này cao hơn. Nếu cao như vậy mà quy định cứng sẽ gây khó cho người mua. “Rõ ràng, vướng mắc không ở luật mà ở văn bản dưới Luật”, ông Châu nói.
Nói thêm về vướng mắc, ông Châu khẳng định, vướng mắc nhất ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư. Đa số doanh nghiệp mua đất làm nhà ở xã hội. Về cơ chế được ưu đãi tăng 50% mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này dẫn tới tăng quy mô dân số, không phù hợp quy hoạch phân khu. Theo đó, không được cấp chủ trương đầu tư.
Liên quan đến nguồn vốn cho nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng, đây là vấn đề then chốt. Do đó, Bộ Xây dựng cần kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước trung hạn 2021- 2225 và 2026- 2030 có nguồn vốn tái cấp vốn, bù lãi suất, để người mua vay với lãi suất 4,8% thời hạn vay 25 năm. Chủ đầu tư được vay với lãi suất 4,8 - 5% trong thời hạn 5 năm”.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Châu cho rằng, bản chất gói vay này cho vay thương mại, lãi suất thấp hơn 1,5- 2% so với lãi suất vay thông thường. Gói này rất có lợi người mua cải tạo chung cư nhưng với người mua nhà ở xã hội mà 6 tháng điều chỉnh một lần nên bà con không yên tâm. Trong khi chủ đầu tư chỉ được vay 3 năm và điều chỉnh 6 tháng 1 lần.
Từ đó, ông Châu đề nghị đối tượng người mua thương mại từ 3 tỷ đồng trở xuống được tiếp cận. Đồng thời, cho chủ nhà trọ được tiếp cận gói 125.000 tỷ đồng này để xây nhà, sửa nhà.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.