Giám đốc Savills Hà Nội: Nhà đầu tư nước ngoài săn lùng cơ hội vào BĐS Việt Nam
Lệ Chi -
03/02/2023 18:09 (GMT+7)
(VNF) - Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng Việt Nam được hưởng lợi từ những lợi thế về môi trường tự nhiên, nhân khẩu học, chính sách trong nước và các hiệp định thương mại quốc tế. Thêm vào đó, các nhu cầu cơ bản đối với thị trường bất động sản vẫn được ghi nhận. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường này.
Bước vào năm 2023, thị trường bất động sản châu Á phải đối mặt với nhiều thách thức tại khu vực cũng như quy mô toàn cầu. Theo Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, đầu tiên là vấn đề về lạm phát trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 cũng như xung đột Nga-Ukraine. Lạm phát và động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đã hạn chế triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế.
Khó khăn tiếp theo liên quan đến việc các phát triển công nghệ đã thay đổi phương thức làm việc và mua sắm của tất cả mọi người, phá bỏ những khái niệm cũ về bất động sản. Tuy vậy, sự thay đổi tạo ra từ các phát triển công nghệ được cho là ảnh hưởng ít sâu sắc hơn tại thị trường châu Á. Các mô hình về làm việc linh hoạt, bán lẻ trực tuyến tại đây mặc dù đạt được sức hút nhất định nhưng vẫn chưa thực sự đạt được mức phát triển như tại châu Âu và Mỹ.
Khó khăn thứ ba tới từ Trung Quốc – nền kinh tế đứng đầu khu vực, chiếm 53% GDP toàn khu vực và một phần ba tổng giá trị sản xuất. Việc Trung Quốc hủy bỏ chính sách Zero Covid và mở cửa biên giới đã mang lại những tia hy vọng mới cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tiến trình mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng được các chuyên gia dự báo sẽ là một chặng đường gập ghềnh, đặc biệt trong những tháng đầu tiên của năm 2023.
Theo Savills, Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách nới lỏng sau Covid-19 và chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1 của các nhà đầu tư. Song, thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn đang chịu tác động kép từ những khó khăn của tình hình thế giới và trong nước.
Thêm vào đó, năm 2022, thị trường chứng khoán trong nước đã sụt giảm mạnh lên tới 30%, dẫn đầu là các mã thuộc ngành bất động sản. Ngoài ra, các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ, hay quy định mới về trái phiếu, tín dụng cũng được xem là những tác động chính ảnh hưởng tới thị trường.
Dẫu vậy, trước những khó khăn bủa vây, đơn vị này nhìn nhận thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực, đơn cử như lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và đồng VND vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực.
Nhận định khách quan về thị trường Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng Việt Nam được hưởng lợi từ những lợi thế về môi trường tự nhiên, nhân khẩu học, chính sách trong nước và các hiệp định thương mại quốc tế. Thêm vào đó, các nhu cầu cơ bản đối với thị trường bất động sản vẫn được ghi nhận. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường này.
“Ngoài ra, bất động sản là thị trường có tính chu kỳ. Đối với mỗi chu kỳ, thị trường có xu hướng trở nên phức tạp hơn, tạo ra nhiều cơ hội tới nhiều nhà đầu tư hơn. Vậy nên, trước những khó khăn và cơ hội hiện hữu, thị trường Việt Nam sẽ có sự đa dạng hóa và cải thiện chất lượng sản phẩm. Bất động sản cần được hiểu là một sản phẩm mang lại nhiều lợi ích hơn và không chỉ là một kênh đầu tư sinh lời. Các sản phẩm giới thiệu tới thị trường cần tiến gần đến việc đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực sự”, ông Matthew cho biết thêm.
Hiện nay, việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế. Tình hình cũng tương tự đối với thị trường chứng khoán, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Theo chuyên gia Savills, đây là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài để gia nhập thị trường, mang lại nhiều triển vọng và cạnh tranh hơn với nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều phân khúc hơn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.