Giao thông tuần qua: 4 dự án lớn sắp khởi công, Đèo Cả muốn làm cao tốc nối Tiền Giang-Đồng Tháp

Chí Bình - 29/05/2021 15:10 (GMT+7)

(VNF) - Đèo Cả đề xuất xây cao tốc hơn 6.000 tỷ nối Tiền Giang – Đồng Tháp; đường bay thẳng Việt – Mỹ chứa đầy những cạm bẫy... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Vietnam Airlines và Bamboo Airways đủ tiềm năng để bay thẳng đến Mỹ.

4 dự án giao thông lớn sắp được khởi công trong tháng 6

Trong năm 2021, Bộ GTVT dự kiến triển khai 61 dự án. Trong đó có 20 dự án khởi công mới, 17 dự án đang triển khai thi công và 24 dự án hoàn thành.

Theo kế hoạch, trong tháng 6/2021, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng 4 dự án gồm: dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; dự án nâng cấp Quốc lộ 19 và dự án tuyến tránh Buôn Ma Thuột.

Cũng trong tháng 6/2021, Bộ GTVT sẽ hoàn thành 2 dự án là tuyến tránh Chư Sê và Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Về công tác giải ngân, tính đến hết tháng 5/2021, Bộ GTVT đã thực hiện giao chi tiết 40.933/42.996 tỷ đồng (đạt 95,2% kế hoạch Chính phủ giao), còn lại 2.062,91 tỷ đồng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để giao chi tiết kế hoạch.

Tính đến hết tháng 5/2021, Bộ dự kiến giải ngân được 13.825 tỷ đồng, đạt khoảng hơn 32% kế hoạch đã phân bổ và đạt 32,1% kế hoạch; trong đó riêng tháng 5/2021 giải ngân được 2.898/3.357 tỷ đồng. (Xem thêm)

Bộ GTVT 'tuýt còi' loạt nhà thầu vi phạm tiến độ tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh yêu cầu chấn chỉnh nhà thầu vi phạm tiến độ và tăng cường kiểm soát chất lượng, dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xử lý điều chuyển khối lượng của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên tại gói thầu XL03 cho nhà thầu khác triển khai thi công tuân thủ theo quy định tại điều 7 của Hợp đồng số 3 ngày 14/4/2020. Nguyên nhân là do nhà thầu này đã vi phạm tiến độ hợp đồng lần 3.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT để các đơn vị được biết làm cơ sở đánh giá năng lực khi Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý theo định của Luật Đấu thầu.

Đối với nhà thầu vi phạm lần 2, Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương cảnh báo lần 3 đối với Công ty Cổ phần vật tư thiết bị và xây dựng công trình giao thông 624 (gói thầu XL07) và xử lý theo quy định của hợp đồng.

Đối với các nhà thầu vi phạm lần 1, Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương cảnh báo lần 2 đối với Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát và Công ty TNHH Nhạc Sơn (gói thầu XL06); Công ty TNHH Đại Hiệp, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty TNHH Xây dựng Bảo Sơn (gói thầu XL11). (Xem thêm)

Đèo Cả đề xuất xây cao tốc hơn 6.000 tỷ nối Tiền Giang – Đồng Tháp

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có buổi tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả về đề xuất hình thức đầu tư dự án đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh.

Tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án về hướng tuyến của dự án. Cụ thể, phương án 1 có chiều dài 32km, tổng mức đầu tư 6.020 tỷ đồng; phương án 2 có chiều dài 28km, tổng mức đầu tư 5.288 tỷ đồng. Có 2 hình thức, đó là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và đầu tư công kết hợp với PPP.

Về quy mô mặt cắt ngang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả dự kiến giai đoạn 1, tuyến đường có vận tốc thiết kế 80km/h; nền đường 17m với 4 làn xe. Giai đoạn hoàn thiện, vận tốc thiết kế được nâng lên 100km/h; nền đường rộng 23m; có 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,75m.

Tuyến An Hữu – Cao Lãnh, có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè, Tiền Giang; điểm cuối kết nối với tuyến Mỹ An – Cao Lãnh, tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. (Xem thêm)

Bắc Ninh "rót" 1.600 tỷ xây cầu Kênh Vàng nối tỉnh Hải Dương

HĐND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu, kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu, kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương do Ban quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 1.600 tỷ đồng.

Dự án gồm hạng mục chính là đầu tư xây dựng cầu vượt Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu với chiều dài tuyến khoảng 13,4km, trong đó điểm đầu giao với Quốc lộ 17, thuộc địa phận huyện Gia Bình; điểm cuối giao với Quốc lộ 37, thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.

Phần cầu Kênh Vàng có chiều dài khoảng 740m, bề rộng dự kiến 23,5m được thiết kế quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực; phần đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6km, mặt đường rộng 15m.

Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu, kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương là từ năm 2022 – 2025. (Xem thêm)

Bắc Giang xin Trung ương 1.330 tỷ làm đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư dự án đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô qua địa phương này.

Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong giai đoạn 2011-2025 quan tâm, hỗ trợ tỉnh từ nguồn ngân sách Trung ương số vốn là 1.330 tỷ đồng để triển khai dự án đường Vành đai 5 - vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Căn cứ theo nhu cầu vận tải thực tế hiện nay và khả năng cân đối nguồn vốn trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí để đầu tư đoạn Vành đai 5 – vùng Thủ đô trên địa bàn với chiều dài khoảng 13,7km (bao gồm cả cầu vượt sông Lục Nam).

Theo tính toán, chi phí đầu tư dự án đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Giang hết khoảng 1.330 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 882 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 188 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi khác là 102 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 158 tỷ đồng. (Xem thêm)

Đường bay thẳng Việt – Mỹ: "Giấc mơ" đầy… cạm bẫy

Tại Việt Nam, hiện có 2 hãng hàng không (Vietnam Airlines và Bamboo Airways) đủ tiềm năng có thể bay thẳng đến Mỹ. Tuy nhiên, những cạm bẫy gì đang chờ trên đường bay “đốt tiền” này?

Trao đổi với VietnamFinance, một phi công đã có kinh nghiệm trên 30 năm chia sẻ: “Nếu bay thẳng Việt – Mỹ, tôi cho rằng đây là những chuyến bay 'đốt dầu'. Đơn cử thế này, ví dụ với máy bay Boeing 787-9 Dreamliner (hiện Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang có), thì thời gian bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ sẽ mất khoảng 15 tiếng. Tuy nhiên, chiều từ Mỹ về Việt Nam (ngược gió) nên phải bay mất 17 tiếng”.

“Do bay thẳng đường xa nên máy bay buộc phải chở thêm nhiên liệu, do đó, lượng khách trên chuyến bay sẽ giảm từ trên 305 khách xuống còn 200 khách, trong khi ước tính mỗi giờ bay sẽ 'ngốn' khoảng 7 tấn nhiên liệu. Vì thế, sẽ có hàng trăm tấn dầu được 'đốt' trong khi lượng khách sẽ ít hơn nếu bay một điểm dừng”.

Một trong những khó khăn khi bay thẳng đến Mỹ đó là các hãng hàng không cần đáp ứng một loạt rào cản về pháp lý, như được Bộ GTVT Mỹ (DOT) cấp phép bay thương mại Mỹ; được FAA cấp phép khai thác; được Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ cấp phép (TSA); ngoài ra còn một loạt các thủ tục với cơ quan quản lý thu nhập nội địa Mỹ, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ… (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác