Giao thông tuần qua: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông tới ngày trả nợ gốc, dừng khởi công 2 dự án vì virus corona

Chí Bình - 09/02/2020 11:47 (GMT+7)

(VNF) - Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dù chưa biết ngày hoàn thành để đưa vào khai thác, nhưng nợ gốc khoản vay ODA của Trung Quốc đã tới ngày phải trả; Đà Nẵng dừng khởi công 2 dự án giao thông vì lo ngại virus corona... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Chưa có ngày khai thác đã tới kỳ trả nợ.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Chưa có ngày khai thác đã tới kỳ trả nợ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Chính Phủ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng dự án. Nghĩa vụ này chỉ kết thúc khi Bộ GTVT bàn giao dự án cho Hà Nội khai thác và tiếp nhận nghĩa vụ nợ liên quan. Bộ GTVT đã bố trí 400 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án để trả nợ gốc cho tới khi bàn giao dự án cho Hà Nội.

Hiện số nợ gốc phải trả của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trên 398 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư chỉ còn hơn 1,9 tỷ đồng. Trong khi, dự kiến nợ gốc trong năm 2020, Bộ GTVT phải bố trí trả là 152 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư) kiến nghị cho giãn nợ tới khi hoàn thành dự án và bàn giao nghĩa vụ nợ cho Hà Nội. Điều này nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các Hiệp định đã ký. Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian trả nợ gốc có những khó khăn nhất định liên quan tới thủ tục, và việc tăng tổng mức đầu tư chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước. (Xem thêm)

'Không vì virus corona để chậm tiến độ cầu Cửa Hội'

Trong chuyến kiểm tra cầu Cửa Hội (bắc qua sông Lam), sau khi nghe Ban tư vấn TEDI phàn nàn do dịch vi rút corona sẽ ảnh hướng tới tiến độ dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể gay gắt phê bình: "không thể viện lý do virus corona và thiếu vốn để dự án bị chậm".

Được biết, dự án cầu Cửa Hội được khởi công từ 15/2/2019, tiến độ thi công 18 tháng. Sau gần 1 năm thi công, hiện giá trị khối lượng đạt khoảng 435 tỷ/ 798 tỷ đồng (khoảng 55% tổng giá trị xây dựng).

Cụ thể, phần cầu chính Extradose 3 nhịp (86+153+86)m xong hạ bộ cầu, đang thi công đúc hẫng đốt K4 tại trụ chính T12 và đúc hẫng đốt K1 tại trụ chính T11.

Phần cầu dẫn cơ bản xong toàn bộ phần kết cấu hạ bộ cầu; đúc được 132/240 phiến dầm Super-T; lao lắp xong 15/34 nhịp, hoàn thiện 5/34 nhịp mặt cầu. Phần tuyến, cơ bản hoàn thành 2,4/2,4km nền đường K95; đắp cát K90 và đang thi công bấc thấm xử lý đất yếu ở 1,1 km tuyến còn lại bờ phía Hà Tĩnh.

Tại hiện trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chất vấn chủ đầu tư vì sao tiến độ thi công hai trụ dây văng T11 và T12 lại chậm hơn dự kiến và tại sao phải chờ cáp trong khi từ đầu Bộ đã chỉ đạo chỉ làm cáp trang trí?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Tài Việt Nga, Tư vấn trưởng Dự án cầu Cửa Hội (Tư vấn TEDDI) cho biết: Ban đầu dự kiến 15/2 là cáp nhập về nhưng sau đó bị chậm hơn 1 tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục truy vấn “tại sao không nhập cáp về sớm hơn?”.

Ban tư vấn TEDI cho biết là “do dịch vi rút Corona” nhưng đã bị Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ngắt lời và cho biết: “Không có lý do về dịch bệnh. Thủ tướng đã chỉ đạo, chúng ta kiểm soát con người để tránh lây lan, hàng hóa vẫn lưu thông bình thường. Thanh long ở cửa khẩu vẫn lưu thông, không có cớ gì sắt thép lại không được lưu thông”.

Trước những chất vấn nghiêm khắc của Bộ trưởng và Thứ trưởng, đại diện TEDI và Ban QLDA 6 cam kết sẽ hoàn thành phần cầu vào cuối tháng 8/2020.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Không thể viện lý do dịch cúm Corona hay thiếu vốn mà chậm tiến độ. Thủ tướng đã chỉ đạo, hàng hóa vẫn lưu thông bình thường qua cửa khẩu. Không có chuyện vì dịch bệnh mà cáp hay thiết bị về muộn làm ảnh hưởng đến tiến độ. Cũng không có chuyện thiếu vốn, vì trước khi triển khai dự án, Hội đồng nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã ra nghị quyết ưu tiên vốn, vấn đề là kiểm soát tiến độ thi công, hoàn thành sớm và chất lượng để phục vụ bà con đi lại". (Xem thêm)

Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ tổng mức đầu tư để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả

Liên quan đến vấn đề hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có công văn chỉ đạo về cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan.

Cụ thể, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại hợp đồng dự án đã ký, làm rõ hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư và phương án tài chính (trong đó xác định cụ thể các khoản hỗ trợ của nhà nước và cơ sở pháp lý).

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp có sự thay đổi các điều khoản hỗ trợ tại hợp đồng dẫn đến dự án thiếu hụt về tài chính,

Ngoài ra, đối với các dự án sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát lại phương án tài chính sau khi thực hiện nghiệm thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Xem thêm)

Đà Nẵng dừng khởi công 2 dự án giao thông vì lo ngại virus corona

Theo nguồn tin của VietnamFinance, ngày 3/2, UBND TP. Đà Nẵng sẽ không tổ chức lễ khởi công 2 dự án hạ tầng giao thông gồm: đường Vành đai phía Tây 2; tuyến đường và cầu qua sông Cổ Cò vì lo ngại virus Corona. Hai dự án trên có tổng nguồn vốn khoảng 63 triệu USD.

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu đơn vị chức năng ngưng việc tổ chức lễ khởi công này vì tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch Corona.

Được biết, dự án đường Vành đai phía Tây (công trình giao thông cấp II) có tổng chiều dài 14,3km, bề rộng mặt cắt ngang 44-54m, tốc độ thiết kế khu vực chính 60km/h.

Điểm đầu tuyến giao khác mức với đường Quốc lộ 14B tại Km 19+429,5 và điểm cuối tuyến giao khác mức với tuyến tránh Hải Vân - Túy Loan tại Km 16+006,22. Tuyến đường đi qua các phường Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa An (quận Cẩm Lệ); phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang).

Dự án đường và cầu qua sông Cổ Cò (công trình giao thông cấp III) nằm trên địa phận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Công trình có tổng chiều dài tuyến 1162,64m, trong đó bao gồm 1 cầu qua sông Cổ Cò dài 100,20m.

Mặt cắt ngang đường và cầu 33m, với tốc độ thiết kế khu vực chính 50km/h. Công trình có điểm đầu tuyến tiếp nối đường Võ Chí Công, giao với đường Trần Đại Nghĩa tại nút giao quy hoạch N47 và điểm cuối tuyến tại nút giao N68 (Võ Quí Huân) thuộc khu dân cư Tân Trà.

Chủ đầu tư của 2 dự án này là UBND TP. Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư 1.427.470.000.000 đồng tương đương 61,37 triệu USD, từ vốn vay Quỹ OPEC về phát triển quốc tế (Quỹ OFID) và vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng. Đơn vị điều hành 2 dự án là Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng. (Xem thêm)

Đường sắt chính thức dừng hoạt động các đoàn tàu liên vận quốc tế Việt - Trung

Tin từ Bộ GTVT cho biết, từ chiều 4/2, chính thức dừng các đoàn tàu liên vận quốc tế Việt - Trung, tuy nhiên, vẫn cho phép tàu hàng chạy qua hai cửa khẩu Đồng Đăng, Lào Cai.

Cụ thể, tạm dừng khai thác chạy tàu khách quốc tế các đoàn tàu số hiệu T8701/MR2 (bao gồm cả các toa xe khách liên vận quốc tế) kể từ 18h05 ngày 4/2/2020 (thứ ba).

Tạm dừng khai thác chạy tàu khách quốc tế các đoàn tàu số hiệu MR1/T8702 (bao gồm cả các toa xe khách liên vận quốc tế) kể từ 21h20 ngày 05/02/2020 (thứ Tư).

Trong đó, đoàn tàu MR 1 chạy chiều Việt Nam - Trung Quốc, tàu MR 2 chạy chiều Trung Quốc - Việt Nam. Việc khôi phục khai thác sẽ được thực hiện khi có thông báo mới của Bộ GTVT.

Đáng chú ý, trong chiều ngày 3/2/2020 đoàn tàu MR 2 từ Nam Ninh về Việt Nam chỉ có 2 hành khách, một hành khách Trung Quốc đồng ý quay lại Nam Ninh còn một hành khách nước ngoài đang được cách ly trong 14 ngày.

Bộ GTVT cho biết: "Trước mắt vẫn tiếp tục khai thác các đoàn tàu hàng quốc tế qua hai cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng, Lào Cai. Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm tra, giám sát, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan cho tất cả nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu các đoàn tàu hàng quốc tế". (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác