Giao thông tuần qua: Mở lại đường bay quốc tế, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thương mại trước 30/4?

PV - 03/04/2021 15:33 (GMT+7)

(VNF) - Cục Hàng không Việt Nam đề xuất triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn; Bộ GTVT bắt đầu chuyển giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự kiến chạy thương mại trước 30/4... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Bắt đầu thực hiện các công tác chuyển giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Báo động tình trạng phi công chạy quá tốc độ

Cục Hàng không Việt Nam cho biết cơ quan này vừa nhận được thư của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) có ý kiến đề nghị xem xét phương án xử lý phù hợp đối với các vụ việc tổ bay của các hãng hàng không bị xử phạt vì không làm chủ được tốc độ tàu bay, đỗ quá vạch dừng vị trí đỗ tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu cảng hàng không quốc tế Nội Bài chủ trì phối hơp với Công ty Quản lý bay miền Bắc, Cảng vụ hàng không miền Bắc thực hiện việc rà soát lại các vị trí đỗ tàu bay thường xuyên xảy ra tình trạng tàu bay đỗ quá vạch dừng, thực hiện quy trình nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro theo đúng quy định và đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng này.

"Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cần tập trung vào một số giải pháp chính như rà soát lại toàn bộ camera giám sát khu vực sân đỗ; nghiên cứu phương án, lộ trình lắp đặt các camera giám sát bổ sung nhằm quan sát được đầy đủ hoạt động của tàu bay lăn vào các vị trí đỗ", Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo.

Trong thời gian qua, khi điều khiển tàu bay vào vị trí đỗ, nhiều phi công không làm chủ được tốc độ, điều khiển máy bay lăn quá vạch dừng đỗ. (Xem chi tiết)

Hà Nội đề xuất xây 2 cầu vượt sông Hồng 26.000 tỷ đồng

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, lãnh đạo TP. Hà Nội đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề liên quan tới các dự án giao thông trọng điểm.

Cụ thể, Hà Nội kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025.

Với các dự án giao thông trọng điểm, Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) cho 4 dự án lĩnh vực giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng.

Các dự án này bao gồm: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32).

Về việc đầu tư các cầu lớn qua sông Hồng, Hà Nội mong muốn Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương phát triển đồng bộ các cầu qua sông Hồng. Trong đó, dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng), cầu Thượng Cát (khoảng 9.000 tỷ đồng) trước đây đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Nay do hình thức BT đã bị hủy bỏ, Hà Nội chủ trương chuyển đổi thực hiện bằng đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp. (Xem chi tiết)

Đề xuất giảm mức đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu xuống 15.000 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, Hòa Bình để bàn về công tác triển khai dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Sơn La cho biết dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Môc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu hồi tháng 5/2019 và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 85km với điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 6 và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 43, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Tổng mức đầu tư dự án (giai đoạn I) là khoảng 22.294 tỷ đồng với quy mô nền đường 17m; giai đoạn hoàn thiện bề rộng nền đường 22m; tốc độ thiết kế 80 km/h, các đoạn khó khăn thiết kế với vận tốc 60 km/h. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị 2 tỉnh tính toán lại quy mô lẫn tổng mức đầu tư cho sát thực tế, đảm bảo khả năng thu hồi vốn của các nhà đầu tư.

Đánh giá với mức đầu tư như hiện nay thì việc sắp xếp vốn đầu tư sẽ rất khó khăn, Bộ trưởng gợi ý 2 tỉnh nên điều chỉnh lại quy mô dự án xuống 2 làn xe.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng mong muốn 2 tỉnh bàn bạc việc cân đối phân bổ lại cơ cấu nguồn vốn đầu tư giữa vốn Trung ương, vốn địa phương và vốn của các nhà đầu tư sao cho tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 15.000 tỷ thì sẽ khả thi hơn, dễ thuyết phục các bộ ngành thông qua hơn. (Xem chi tiết)

Cục Hàng không trình kế hoạch mở lại đường bay quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc nghiên cứu, thúc đẩy việc nối lại chuyến bay quốc tế thường lệ tới các nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện “mục tiêu kép” và đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản, thiết yếu của công dân.

Theo đó, qua nghiên cứu, xem xét tình hình tiêm phòng vaccine trên thế giới cũng như việc tìm hiểu về “hộ chiếu vaccine”, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam với 3 giai đoạn.

Liên quan đến kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, Vietnam Airlines cũng cho biết từ ngày 1/4 - 30/6, hãng sẽ mở rộng kế hoạch khai thác thường lệ đến 4 đường bay quốc tế gồm Hà Nội – Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội – Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Hà Nội – Sydney và TP. HCM – Sydney (Úc).

Theo đó, các chuyến bay từ Hà Nội đi Seoul sẽ khởi hành vào thứ Năm hàng tuần.

Các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo sẽ khởi hành vào các ngày 3, 8, 11, 16, 23, 27, 29 trong tháng 4/2021. Tháng 5 và 6, tần suất khai thác được duy trì ở mức 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ Năm và thứ Bảy.

Các chuyến bay từ Hà Nội đi Sydney khởi hành vào thứ Bảy hàng tuần. Các chuyến bay từ TP. HCM đi Sydney khai thác 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ thứ Năm và Chủ nhật. (Xem chi tiết)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy thương mại trước 30/4

Ngày 31/3, Bộ GTVT bắt đầu thực hiện các công tác chuyển giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho UBND TP. Hà Nội và dự kiến vận hành thương mại dự án trước ngày 30/4.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thời gian qua đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, thời gian để thực hiện những công việc còn lại của dự án.

"Bộ GTVT đã báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước cũng đã có ý kiến về kết quả kiểm tra và sẽ có ý kiến cuối cùng trên cơ sở báo cáo của Bộ về kết quả đánh giá cuối cùng của tư vấn ACT", lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Về công việc còn lại của dự án, ông Đông cho biết đó là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Tư vấn ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc (bao gồm công trình và thiết bị).

Trong tháng 1/2021, tư vấn ACT đã phát hành chứng nhận kiểm tra. Theo báo cáo của tư vấn ACT, phần hệ thống thiết bị tư vấn nêu ra 16 khuyến nghị bao gồm: nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai và nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự. (Xem chi tiết)

Chính phủ đồng ý để TP. HCM tự quyết thí điểm xe buýt điện của Vingroup

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến đề xuất triển khai dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn TP. HCM.

Theo đó, Phó thủ tướng cho biết chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.HCM không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

"Trường hợp cần thiết triển khai thí điểm, UBND TP. HCM nghiên cứu, tham khảo định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá mà UBND TP. Hà Nội đang triển khai thí điểm đối với xe buýt điện để tự quyết định hoạt động thí điểm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với điều kiện giao thông trên địa bàn thành phố", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Phó thủ tướng giao UBND TP. HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... và các đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện để triển khai chính thức trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu việc triển khai thí điểm phải đúng quy định của pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước. (Xem chi tiết)

Cùng chuyên mục
Tin khác