Giao thông tuần qua: Phó Thủ tướng chỉ đạo nóng về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Bắc - Nam vắng bóng đại gia
Chí Bình -
04/01/2020 23:19 (GMT+7)
(VNF) - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động; không có nhiều tên tuổi lớn tham gia sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.
Dự án cao tốc Bắc - Nam: Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ được bố trí nguồn vốn trong tháng 1/2020
Tại buổi làm việc với 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về công tác gải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết, dự kiến chậm nhất ngày 15/1/2020, nguồn vốn sẽ được cấp về cho các địa phương triển khai xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Dự án cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua tỉnh Nghệ An có 87,84 km đi qua Thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.
Kinh phí giải phóng mặt bằng tổng thể dự kiến là 2.762 tỷ đồng, trong đó đoạn Nghi Sơn –Diễn Châu 1.261 tỷ đồng và Diễn Châu – Bãi Vọt 1.501 tỷ đồng; phê duyệt dự án là 2.191 tỷ đồng.
Đối với huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đã bồi thường giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp 3 đợt trên địa bàn 3 xã (Yên Hồ, Đức Vĩnh, Đức Thịnh). Diện tích đã thực hiện là 21,05ha/29,78ha, với 334 hộ ảnh hưởng, còn lại 8,73ha chưa bồi thường.
Tại buổi làm việc, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm bố trí nguồn vốn để các địa phương có nguồn kinh phí chi trả cho người dân vùng ảnh hưởng.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, vừa qua Bộ đã làm việc với các Vụ liên quan, dự kiến chậm nhất ngày 15/1/2020 nguồn vốn sẽ được cấp về cho các địa phương triển khai xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng mong muốn trong năm 2020 Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện tốt các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến tháng 7/2020 bắt đầu triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin thêm, Nghệ An là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về tiến độ giải phóng mặt bằng, chỉ sau tỉnh Ninh Thuận. (Xem thêm)
Phó thủ tướng "sốt ruột" vì dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Tại hội nghị tổng kết Bộ GTVT năm 2019 diễn ra ngày 2/1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: “Phải sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân”.
"Chỉ còn những hạng mục nhỏ, những thủ tục cuối cùng nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện xong đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nếu không sớm đưa dự án vào sử dụng, người dân sẽ không đồng tình", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Trước đó 3 tháng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đích thân thị sát, đi thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông đã chất vấn Tổng thầu Trung Quốc về việc để dự án chậm tiến độ, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trong năm 2019 phải đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Tổng thầu EPC Trung Quốc và Bộ GTVT đã không thực hiện được yêu cầu này.
Bức xúc về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng: "Dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Bộ phải làm thế nào để đưa dự án vào hoạt động nếu không người dân sẽ không đồng tình".
Theo đánh giá của Phó thủ tướng, hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn đầu tư chậm đặc biệt là đường sắt đô thị đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường trong năm 2019.
Hết tháng 12/2019, những chuyển biến tại dự án gần như không đáng kể. Trong 3 tháng qua, Tư vấn độc lập Pháp ACT hoàn thành thêm một số báo cáo đánh giá an toàn (từ 6 lên 9 báo cáo) nhưng vẫn chưa đạt đủ 13 báo cáo để hoàn tất khâu đánh giá an toàn. (Xem thêm)
Sơ tuyển chọn nhà đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam: Không có nhiều tên tuổi lớn
Liên quan đến công tác sơ tuyển nhà đầu tư cho 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tính đến ngày 25/12, đã có 3 dự án thành phần đã hoàn thành công tác đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và trình kết quả sơ tuyển. 5 dự án còn lại do trong quá trình đánh giá đã phát sinh một số tình huống cần làm rõ HSDST của nhà đầu tư nên dự kiến hoàn thiện công tác đánh giá và trình kết quả sơ tuyển cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1/2020.
Trước đó, từ ngày 15/11/2019 đến ngày 18/11/2019, toàn bộ 8 dự án thành phần đã đóng thầu, tổng số nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển tại 8 dự án là 32 nhà đầu tư. Điều đáng nói là ngoài Tập đoàn Đèo Cả, Fecon… các nhà đầu tư nộp HSDST còn lại đều là những cái tên không quá nổi, phần lớn đều xuất thân từ các đơn vị xây lắp hoặc tham gia đầu tư các dự án BOT quy mô dưới 5.000 tỷ đồng nên không thể tham gia với tư cách là nhà đầu tư độc lập.
Các doanh nghiệp lớn từng được dư luận kỳ vọng như Vingroup, Sun Group, Geleximco… đều không tham gia mua hồ sơ mời sơ tuyển.
Theo nhận định của Bộ GTVT, sau khi thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển có thể xảy ra các trường hợp như một số dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển; một số dự án chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển; một số dự án không có nhà đầu tư trúng sơ tuyển.
Hiên nay Bộ GTVT đã giao các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT tổ chức thẩm định trong thời gian theo quy định là 30 ngày, dự kiến đến 10/2/2020 hoàn thành công tác thẩm định kết quả sơ tuyển 8 dự án thành phần (đã bao gồm cả thời gian nghỉ Tết âm lịch). Kết quả sơ tuyển sau đó còn phải gửi tới Tổ giám sát liên ngành để xem xét, có ý kiến trong thời gian từ 10 đến 15 ngày làm việc.
Như vậy, trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác sơ tuyển 8 dự án PPP thành phần trong tháng 2/2020. (Xem thêm)
Những tồn tại của ngành giao thông trong năm 2019
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ GTVT, trong năm vừa qua, Bộ đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, các dự án trọng điểm được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bám sát kế hoạch đề ra; đã kịp thời hoàn tất các thủ tục, triển khai thi công 2 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là đoạn Cam Lộ - La Sơn và Cao Bồ - Mai Sơn; đã tham mưu Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1...
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giao thông vẫn còn một số tồn tại, gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.
Có thể kể đến như công tác giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tuy nhiên, đến nay tỉ lệ giải ngân không hoàn thành so với kế hoạch đề ra; dự kiến cả năm 2019 nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ chỉ giải ngân đạt khoảng 88,6% kế hoạch.
Đặc biệt, tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường bộ cao tốc như Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, hoàn thành các hạng mục còn lại của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...
Ngoài ra, công tác chuẩn bị triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công - tư (PPP) do phải thay đổi hình thức đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước nên ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện chung.
Một số dự án còn để xảy ra các khiếm khuyết về chất lượng gây dư luận không tốt như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Trong năm 2019, tình hình an ninh trật tự tại một số trạm thu phí BOT vẫn còn nhiều phức tạp, gây khó khăn trong công tác triển khai thu phí hoàn vốn các dự án. Cùng với đó là việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai các dự án liên quan đến 5 tổng công ty đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về các quy định hiện hành. Việc xử lý một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác sắp xếp, cổ phần hóa một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. (Xem thêm)
ACV chi 2.200 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách T2, sân bay Phú Bài
ACV vừa khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Phú Bài. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dự và phát động khởi công.
Cụ thể, ACV sẽ đầu tư 2.250 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách công suất 5 triệu khách/năm, bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm. ACV cũng cam kết đầu tư trang thiết bị hiện đại với nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào khai thác trong Quý IV/2021.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay, sân bay Phú Bài do Pháp xây dựng năm 1940, đường băng bằng đất nện kích thước 1.280m x 40 m, sau đó được nâng cấp, cải tạo thành đường băng bê tông nhựa kích thước 1.800m x 40 m. Đất nước thống nhất, sân bay Phú Bài được thành lập và đưa vào khai thác ngày 26/3/1976, là sân bay hỗn hợp dùng chung quân sự và hàng không dân dụng.
Năm 1994, sân bay Phú Bài được đầu tư nâng cấp, kéo dài đường cất hạ cánh từ 1.800m lên 2.700m về phía Đông để có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung. Giai đoạn từ năm 2000 - 2004, CHK Phú Bài được đầu tư hệ thống đèn tín hiệu; hệ thống ILS; hệ thống khí tượng tự động; Xây dựng nâng cấp mở rộng nhà ga; sân đậu tàu bay; đồng thời làm sân bay dự bị cho các đường bay quốc nội và quốc tế…
Sau thời gian dài khai thác, sử dụng, cơ sở hạ tầng xuống cấp, đầu năm 2013, Tổng công ty Cảng hàng không VN đã đầu tư dự án sửa chữa đường cất hạ cánh và Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng.
Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống băng chuyền hành lý, hệ thống soi chiếu an ninh, hệ thống làm thủ tục hàng không, hệ thống hiển thị thông tin, hệ thống phát thanh. (Xem thêm)
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone