Giao thông tuần qua: Trình Thủ tướng 'siêu dự án' Vành đai 4, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt tìm được nhà đầu tư

Chí Bình - 16/05/2021 08:51 (GMT+7)

(VNF) - Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt chính thức tìm được nhà đầu tư BOT; Hà Nội cùng 4 tỉnh trình Thủ tướng 'siêu dự án' Vành đai 4 dài 98km... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Các địa phương kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến Vành đai 4. tương tự như Vành đai 3 - Hà Nội.

Cục Hàng không muốn bỏ trần giá vé với đường bay có từ 3 hãng khai thác

Trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao khi ngày càng có thêm nhiều hãng.

"Giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không", Cục Hàng không Việt Nam nhận định.

Hiện tại, các hãng bay trong nước chỉ được đưa ra giá vé trong khung (tối đa 3,75 triệu đồng) do Bộ Giao thông Vận tải quy định theo điều 116 Luật Hàng không dân dụng. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất sửa đổi điều 116 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Cụ thể, với trường hợp đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cho hãng hàng không được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định (các hãng được tự quyết giá vé, không cần theo trần giá vé).

Với các đường bay có dưới 3 hãng hàng không khai thác, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất vẫn phải giữ hạng phổ thông cơ bản không được vượt trần. (Xem thêm)

Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt chính thức tìm được nhà đầu tư BOT

Ngày 13/5, Bộ GTVT và Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 đã chính thức ký kết hợp đồng BOT dự án xây dựng cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo thiết kế, Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc phạm vi 2 tỉnh Nghệ An (44,40km) và Hà Tĩnh (4,9km), có điểm đầu (Km430+000), phía sau nút giao với QL.7 (điểm cuối Dự án thành phần đầu tư đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), thuộc địa phận xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; điểm cuối (Km479+300), phía sau nút giao với QL.8A, thuộc địa phận xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tổng chiều dài khoảng 49,3km.

​Dự án có Tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà đầu tư huy động khoảng 5.090,09 tỷ đồng (trong đó Vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư là 1.023 tỷ đồng chiếm 20% nguồn vốn BOT), nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Thời gian xây dựng khoảng 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng 8 ngày. (Xem thêm)

Hãng bay 'ẵm' luôn tiền phí khi khách huỷ vé: Cục Hàng không vào cuộc

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không Việt Nam về việc hoàn trả phí dịch vụ phục vụ hành khách (PSC) và phí dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý (PSSC) khi hành khách thực hiện hoàn, hủy vé máy bay.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo quy định, PSC và PSSC là khoản thu từ hành khách cùng với giá dịch vụ vận chuyển hàng không, do các hãng hàng không thu hộ và chuyển lại cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách, dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý trên cơ sở danh sách hành khách của các chuyến bay.

Như vậy, trường hợp hành khách hoàn, hủy vé máy bay thì khoản PSC và PSSC hãng đã thu của khách không thuộc khoản tiền hãng phải thanh toán cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phục vụ hành khách, dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý.

Do đó, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định việc trả phí PSC và PSSC khi hành khách hoàn, hủy chuyến là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Cơ quan này đề nghị hãng hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam phải công khai, minh bạch thông tin về quyền lợi của hành khách, thủ tục và mức thu xử lý hoàn tiền PSC, PSSC khi hành khách hoàn, hủy vé máy bay. (Xem thêm)

Hà Nội cùng 4 tỉnh trình Thủ tướng 'siêu dự án' Vành đai 4 dài 98km

UBND TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Các địa phương thống nhất quan điểm việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cần tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong tờ trình, các địa phương cho biết theo quy hoạch được phê duyệt, tuyến đường vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua địa phận TP. Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Riêng 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4.

Lãnh đạo TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, tương tự như phương án đường cao tốc trên cao Vành đai 3 - Hà Nội đã xây dựng, khai thác.

Theo tính toán của các địa phương, nếu thực hiện đầu tư dự án theo phương án tuyến đi bằng, kinh phí xây dựng cần khoảng 105.000 tỷ đồng. Nếu triển khai làm cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng (Hà Nội khoảng 16.000 tỷ đồng; Hưng Yên khoảng 3.500 tỷ đồng; Bắc Ninh khoảng 5.500 tỷ đồng).

Với mức kinh phí đầu tư xây dựng trên, việc đầu tư toàn bộ tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là khó khả thi và thời gian thực hiện sẽ kéo dài. Vì vậy, các địa phương đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. (Xem thêm)

Hà Giang lại kiến nghị Chính phủ cho đầu tư sân bay

UBND tỉnh Hà Giang vừa có công văn số 1331 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị quy hoạch, đầu tư sân bay tỉnh Hà Giang.

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT đưa sân bay tỉnh Hà Giang tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép đầu tư xây dựng sân bay này.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, sân bay Hà Giang cần được quy hoạch là sân bay quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn Hàng không dân dụng, với tổng diện tích đất là khoảng 388,9 ha, trong đó đất bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng khoảng 70 ha.

Trong trường hợp quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Hà Giang cho biết là sẽ xác định mốc giới, công bố quy hoạch và quản lý ranh giới, quy hoạch sân bay, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng sân bay theo quy hoạch được duyệt. 

UBND tỉnh Hà Giang khẳng định là đã chuẩn bị quỹ đất tại vị trí nêu trên và bố trí ngân sách tỉnh để thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng để dự án sớm được triển khai đầu tư xây dựng. 

Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng trở lại đây, UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch và sớm triển khai đầu tư sân bay dân dụng trên địa bàn. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.