Hà Nội sắp làm thêm 2 tuyến đường sắt gần 106.000 tỷ đồng
Đức Hoàng -
22/04/2020 16:01 (GMT+7)
(VNF) - Hai tuyến đường sắt đô thị này gồm tuyến số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Tổng mức đầu tư cả 2 dự án gần 106.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị lần thứ 23 diễn ra hôm nay (22/4), Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa 16 đã thông qua chủ trương triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Ga Hà Nội đến Hoàng Mai và dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc).
Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai được đánh giá là có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm thành phố.
Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội ở ga trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại đường Vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại vành đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.
Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786km, trong đó chiều dài đoạn đi ngầm là 8,13km. Trên tuyến có bảy ga ngầm.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA và vay ưu đãi là 1.481,49 triệu USD, tương đương 34.297 tỷ đồng; vốn đối ứng trong nước là 271,29 triệu USD, tương đương khoảng 6.280 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án.
Dự kiến dự án khởi công vào năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.
Còn dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc), có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,43km (gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (trong đó có sáu ga ngầm). Dự án phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.
Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt số 5 sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang được xây dựng), tuyến số 4, số 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7, số 8 (theo quy hoạch), cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố, nhằm giảm mật độ đông đúc của giao thông đô thị, cải thiện kết cấu giao thông và điều kiện đi lại của người dân.
Việc đưa vào vận hành các tuyến đường sắt đô thị sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tai nạn giao thông; đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị ngoài trung tâm, góp phần cơ cấu, sắp xếp, phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất giao cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ để triển khai theo quy định. Trong quá trình triển khai, cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm lộ trình đã đề ra.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone