ICT tuần qua: Vingroup 'trình làng' điện thoại mới, dịch vụ 'say gọi xế' chào sân
Tuệ Lâm -
04/01/2020 23:21 (GMT+7)
(VNF) - VinSmart chính thức ra mắt mẫu điện thoại thông minh Vsmart Active 3; Huawei dự đoán 2020 sẽ là một năm khó khăn bởi công ty vẫn nằm trong danh sách đen của Mỹ... là những tin tức công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) đáng chú trong tuần qua.
Những ai sẽ bị ảnh hưởng khi tắt sóng 2G?
Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Việc tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy doanh nghiệp viễn thông tập trung công nghệ mới và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Khi tắt sóng 2G, những chiếc điện thoại cơ bản hay còn gọi là "cục gạch" sẽ ngừng hoạt động và không thể thực hiện các tác vụ cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin.
Theo chuyên gia về công nghệ, sẽ có hai đối tượng người dùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng 2G là đối tượng những người có thu nhập thấp, nhất là người dân ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa khi giá smartphone còn cao.
Đối tượng thứ hai là chưa được phép hoặc chưa thích ứng với công nghệ mới. Cụ thể là học sinh do bố mẹ và nhà trường không cho phép dùng smartphone. Hoặc người già không đủ khả năng dùng smartphone.
Để đón đầu xu hướng này, một số hãng điện thoại đang đưa ra các mẫu máy hỗ trợ mạng 3G,4G, thậm chí là kế hoạch đưa ra smartphone giá rẻ có tích hợp công nghệ 5G.
Trong đề án của Cục Viễn thông cũng đề xuất khi tắt sóng 2G sẽ có đề án hỗ trợ chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G cho người dân khi tắt sóng. Hiện tổng số thuê bao điện thoại di động đạt hơn 125 triệu, trong đó thuê bao di động băng rộng (3G, 4G) đạt hơn 61,3 triệu thuê bao, chiếm hơn 48 %; số còn lại hiện vẫn dùng công nghệ 2G. (Xem thêm)
Dịch vụ 'say gọi xế' giá 500.000/lượt đưa ô tô về nhà ở Việt Nam
Với quy định mới từ ngày 1/1, những người vừa uống rượu, bia sẽ phải tìm người đưa về nhà, bởi điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có cồn sẽ bị phạt nặng.
Trước tình trạng này, nhiều diễn đàn, nhóm trên mạng xã hội đã có những tranh luận về việc nên di chuyển như thế nào sau khi uống rượu để đảm bảo an toàn và không vi phạm pháp luật. Nhiều người chia sẻ việc gọi xe ôm hay taxi công nghệ về nhà đơn giản, chi phí không đắt. Tuy nhiên, sẽ có vướng mắc khi người uống rượu, bia muốn đưa cả xe của mình về nhà.
Một nhóm đáp ứng nhu cầu này đã xuất hiện trên mạng xã hội. Có tên "Say gọi xế - Xế nhận say", đây là nhóm kết nối giữa người vừa uống rượu bia và tài xế. Theo mô tả của nhóm, đây là mô hình kết nối tương tự như những nhóm tìm người giao hàng: người cần đưa về cung cấp thông tin về khu vực, còn tài xế phải cung cấp số điện thoại và phải có bằng lái xe.
Ngoài các nhóm trên mạng xã hội, một số công ty đã cung cấp dịch vụ đưa khách về nhà khi uống rượu bia. Ứng dụng Rada có mục "Cứu hộ giao thông", trong đó có dịch vụ đón khách về nhà và đảm bảo đưa phương tiện về bãi đỗ. Biểu phí cho việc đưa người và xe về nhà đối với xe máy là 300.000 đồng/lượt, còn với xe hơi là 500.000 đồng/lượt.
Năm 2017, dịch vụ có tên Bạn uống tôi lái cũng được triển khai. Dịch vụ này cho phép người uống rượu đặt trước người lái xe về, với phí từ 200.000 đồng/30 phút. Tuy nhiên, tới năm 2019 thì dịch vụ này đã ngừng hoạt động. (Xem thêm)
Vingroup ra mắt smartphone mới với hệ thống camera "khủng"
VinSmart chính thức ra mắt mẫu điện thoại thông minh Vsmart Active 3. Đây là phiên bản nâng cấp của Vsmart Active 1, ra mắt vào cuối năm 2018. Máy có thiết kế màn hình tràn viền AMOLED với kích thước lên đến 6,39 inch; độ phân giải cao Full HD+.
Vsmart Active 3 cũng trở thành mẫu điện thoại có hiệu năng chụp ảnh tốt nhất từ trước đến nay của hãng với camera trước dạng trượt 16 MP. Máy sở hữu hệ thống 3 camera sau bao gồm một camera chính 48 MP, một ống kính phụ 8 MP và một camera 2 MP.
VinSmart cho biết máy thiết bị được tích hợp các bộ lọc màu của Google Photos, hỗ trợ tính năng quay video xóa phông.
Cấu hình của Vsmart Active 3 bao gồm chip MediaTek Helio P60, RAM tùy chọn 4 GB hoặc 6 GB và bộ nhớ trong 64 GB. Sản phẩm có viên pin dung lượng 4.020 mAh.
Smartphone mới của VinSmart được cài sẵn hệ điều hành VOS 2.5, tích hợp ứng dụng VMessage cho phép người dùng smartphone VinSmart nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí với nhau.
Giá bán của Vsmart Active 3 là 4.490.000 đồng cho phiên bản 4GB RAM và 4.990.000 đồng cho phiên bản 6GB RAM. Sản phẩm được phân phối tại các hệ thống bán lẻ trên toàn quốc từ ngày 13/1/2020. (Xem thêm)
"Thế giới thực có loại tội phạm gì, trên mạng có loại tội phạm đó"
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo 138 (phòng chống tội phạm) và 389 (chống buôn lậu và gian lận thương mại) quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định tội phạm trên không gian mạng là thách thức lớn nhất hiện nay, không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, phức tạp nhất là liên quan đến tội phạm gián điệp mạng, tấn công mạng, tung tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, xâm phạm bí mật đời tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán vũ khí.
Đặc biệt là tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng với khoảng 30 nhà cái ở nước ngoài móc nối với tội phạm trong nước thiết lập các đường dây.
"Số tiền đánh bạc hàng ngày lên tới hàng triệu USD. Như vừa qua, chúng ta phá một số vụ án đánh bạc với số tiền rất lớn”, Bộ trưởng Công an thông tin.
Lãnh đạo Bộ Công an cũng cảnh báo, tình trạng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam tăng trên nhiều lĩnh vực như tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, mại dâm, buôn bán người, lừa đảo, trộm cắp, giết người, cướp của.
Nhận định các loại tội phạm đang chuyển dịch từ thế giới thực sang không gian mạng, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng trên thế giới thực có loại tội phạm gì, trên không gian mạng có đầy đủ các loại tội phạm đó. (Xem thêm)
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone