John Kenneth Galbraith là ai?

Quỳnh Anh - 26/06/2018 00:11 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu John Kenneth Galbraith là ai?

VNF

John Kenneth Galbraith (1908 - 2006) là nhà kinh tế, chủ yếu giảng ở trường đại học Harvard. Những quan điểm của ông về nền kinh tế thị trường đã được trình bày trong hàng loạt cuốn sách mà nhiều người hâm mộ như Xã hội thừa thãi (1958), Nhà nước công nghiệp mới (1967). Galbraith cho rằng các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến được cấu thành bởi một khu vực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ do chủ sở hữu tự quản lý và khu vực độc quyền gồm các công ty công nghiệp lớn do những người ăn lương quản lý và ông tập trung phân tích hoạt động của khu vực thứ hai này.

Galbraith lập luận rằng các công ty lớn lập kế hoạch hành động của mình để giảm thiểu những điều không chắc chắn của thị trường, tìm cách thông qua quảng cáo để tạo ra nhu cầu cho những sản phẩm mới trước khi sản xuất ra chúng. Đây là ý tưởng mới so với quan điểm kinh tế truyền thống cho rằng người tiêu dùng bộc lộ nhu cầu bẩm sinh của mình và các công ty phân bổ nguồn lực để thỏa mãn những nhu cầu đó.

Tuy nhiên, Galbraith cũng ghi nhận rằng các công ty lớn thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và thu được hiệu quả quy mô lớn, vì thế đem lại nhiều mối lợi về thu nhập. Hơn thế nữa, ông cũng nhận thấy sự tăng trưởng của các công ty lớn có sức mạnh trên thị trường thường được cân bằng bởi sức mạnh đối trọng ở các thị trường khác. Ví dụ, thị trường thiểu quyền bán có đối trọng là thị trường thiểu quyền mua. Khi trường hợp đó không xảy ra, chẳng hạn trong thị trường nông sản hay thị trường lao động, ông cho rằng chính phủ cần phải can thiệp. Từ đó, ông lập luận rằng các công ty lớn không nên bị chia nhỏ, nhưng chính phủ phải điều tiết chúng để tránh tình trạng lạm dụng sức mạnh độc quyền, cũng như trợ giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ để tăng cường sức mạnh đối trọng

Galbraith cũng phê phán nền kinh tế thị trường Mỹ vì đã phân phối quá ít nguồn lực cho khu vực công cộng, trong khi lại để cho hoạt động của khu vực tư nhân thống trị thị trường, tạo nên tình trạng dư thừa của khu vực tư nhân và thiết hụt của khu vực công cộng.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Ông đã viết khoảng 40 đầu sách, trong đó có nhiều tiểu thuyết đồng thời xuất bản hơn 1000 bài báo và bài tiểu luận về các chủ đề khác nhau.

Trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là một bộ ba được ưa chuộng về kinh tế: chủ nghĩa tư bản Mỹ (1952), Xã hội giàu có (1958), và Nhà nước công nghiệp mới (1967).

Cùng chuyên mục
Tin khác