Khởi nghiệp với loài quả dại, cô gái Đà thành thu tiền tỷ mỗi năm
Khánh Hồng -
07/10/2024 10:00 (GMT+7)
(VNF) - Thấy khách du lịch Hàn Quốc thường hay hỏi về các sản phẩm từ trái nhàu, chị Nguyễn Thị Dung tìm hiểu thì được biết loại trái này có rất nhiều công dụng. Chị Dung quyết định khởi nghiệp, cho ra nhiều sản phẩm từ loại quả độc đáo này.
Khởi nghiệp từ loài quả dại
Trước đây chị Nguyễn Thị Dung (SN 1988, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) làm về thương mại, bán các mặt hàng như tinh dầu, xà bông... Mỗi lần đón các đoàn khách du lịch Hàn Quốc, họ thường hỏi về các sản phẩm làm từ trái nhàu để mua.
Chị Dung tìm hiểu thì được biết trái nhàu có rất nhiều công dụng không chỉ làm thực phẩm ăn uống mà còn có thể dùng để làm đẹp. Loại quả này phát triển chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, quả nhàu mọc hoang dại, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Trung và miền Tây.
Năm 2017, chị Dung quyết định khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm từ trái nhàu. Để có nguyên liệu làm sản phẩm, chị Dung đặt hàng người dân ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) trồng nhàu bán cho mình và bao tiêu sản phẩm.
Để chế biến sâu, chị Dung đầu tư một nhà xưởng tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng để cho ra đời các sản phẩm mang thương hiệu Adeva Noni. Các sản phẩm đầu tiên của Adeva Noni gồm bột nhàu, nhàu sấy khô, nước cốt trái nhàu, viên nhàu.
“Các sản phẩm này đơn giản nên cũng khá dễ làm, chỉ cần nắm một số bí quyết là mình có thể làm. Việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi bởi thời điểm đó nguồn khách du lịch Hàn Quốc đến Đà Nẵng khá lớn, đây lại là sản phẩm được du khách ưa chuộng”, chị Dung cho hay.
Tuy nhiên, năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, mọi việc trở nên khó khăn khi du khách Hàn Quốc vắng bóng, hàng bị trả về liên tục khiến chị Dung áp lực vô cùng.
Lúc này, chị buộc phải lựa chọn: dừng lại chờ đến khi hết dịch, khách quay trở lại rồi làm tiếp hoặc phải tìm hướng mới. Tuy nhiên, nếu dừng lại thì công nhân không có việc làm, nguồn nguyên liệu trồng ra không biết xử lý thế nào.
“Nghĩ đến đó, tôi buộc mình không được bỏ cuộc. Tôi quyết định chuyển qua làm các sản phẩm mỹ phẩm từ trái nhàu”, chị Dung nhớ lại.
Khởi động cho các sản phẩm mỹ phẩm, chị Dung làm mặt nạ để tận dụng lượng bột nhàu quá dư thừa.
Khi chị Dung tặng cho mọi người dùng thử thì nhận được những phản hồi tích cực về sản phẩm. Chị Dung lên mạng tìm hiểu thêm về công dụng của trái nhàu trong làm đẹp. Tuy nhiên, tài liệu ở Việt Nam nói trái nhàu khá ít. Chị phải tìm hiểu các tài liệu ở nước ngoài, kết hợp cùng 2 bạn dược sĩ để dịch tài liệu và làm thử sản phẩm mỹ phẩm như toner, sữa rửa mặt, kem dưỡng…
Sản phẩm sử dụng mang lại hiệu quả tốt nhưng mùi hương của trái nhàu khiến nhiều khách hàng không thích vì giống mùi cám heo. Chị Dung lại phải tìm cách khắc phục bằng việc xử lý độ chín trái nhàu phù hợp và kết hợp thêm một số thảo dược khác để tăng hiệu quả.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Thấy vẫn chưa thể sử dụng hết nguồn nguyên liệu sẵn có, chị Dung lại tiếp tục làm thêm sản phẩm dầu gội, dung dịch vệ sinh, nước tắm cho trẻ em…
Trong một lần đi Thái Lan du lịch, thấy sản phẩm kem đánh răng từ nhàu được bán cho khách du lịch mang về tặng, chị Dung cũng tìm hiểu về sản phẩm này.
Sẵn có nguyên liệu từ nhàu, quế, đinh hương, cam thảo, trầu, cau… chị Dung nghiên cứu để làm thử. Chị phối hợp cùng với đối tác có chuyên môn hơn để làm sản phẩm này.
Ban đầu chị chỉ tặng kèm cho mọi người dùng thử để nhận góp ý từ khách, sau khi ưng ý mới đưa ra thị trường. Với mục tiêu lớn, khách tới Đà Nẵng cũng sẽ mua kem đánh răng thảo dược về như khách tới Thái Lan vậy nên chị quyết tâm đầu tư cho sản phẩm này.
Hiện, mỗi tháng công ty của chị Dung tiêu thụ hết khoảng 4 - 5 tấn nguyên liệu tươi, có khoảng 5.000 đến 10.000 sản phẩm được bán ra thị trường. Riêng sản phẩm kem đánh răng, có tháng cao điểm bán được 5.000 tuýp. Trên sàn shopee, kem đánh răng này đang thuộc top 8 kem đánh răng được ưa chuộng.
Đến nay, Adeva Noni có khoảng 20 sản phẩm, trong đó chị Dung chủ yếu tập trung vào các sản phẩm mỹ phẩm, mang về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sản phẩm được chị Dung phân phối ra thị trường qua Facebook, sàn Shopee và Lazada, các đại lý, siêu thị... Chị cũng tích cực tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm, kết nối, hội chợ của thành phố và các địa phương khác.
Nếu như trước đây, khách hàng chủ yếu là khách du lịch Hàn Quốc thì nay khách Việt cũng quan tâm nhiều đến sản phẩm của Adeva Noni.
Trong tương lai, chị Dung muốn làm mô hình điểm du lịch tại Đà Nẵng có vườn trồng nguyên liệu, tự thu hoạch, tự làm ra sản phẩm. Hiện chị đang tìm vùng đất rộng để triển khai dự án.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.