Kỷ nguyên khí đốt Nga ở châu Âu kết thúc, Thủ tướng Slovakia cảnh báo điều ‘khủng khiếp'

Quang Đăng - 02/01/2025 10:59 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 1/1 khẳng định rằng Liên minh châu Âu (EU), chứ không phải Nga, sẽ chịu thiệt hại sau khi Ukraine ngừng cung cấp khí đốt của Nga cho khối này.

Châu Âu bước vào kỷ nguyên không còn khí đốt Nga

Ukraine đã từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển với tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga cho phép Moscow vận chuyển khí đốt tự nhiên vào Trung Âu thông qua đường ống của Ukraine, phớt lờ lời kêu gọi từ các quốc gia như Slovakia và Hungary đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga.

Thỏa thuận đã hết hạn vào ngày 1/1, đánh dấu sự kết thúc của một thỏa thuận đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Một công nhân đi giữa các đường ống trong máy nén và trạm phân phối của đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod, cách thành phố Kursk ở phía tây nam nước Nga khoảng 30km ngày 4/1/2006. (Ảnh: REUTERS/Sergei Karpukhin)

Nguồn khí đốt vẫn tiếp tục chảy mặc dù đã trải qua gần ba năm chiến sự, nhưng công ty khí đốt Gazprom của Nga cho biết họ đã dừng cung cấp khí đốt vào lúc 5h00 (theo giờ địa phương) sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển.

Việc nguồn cung này dừng lại được dự đoán rộng rãi sẽ không ảnh hưởng đến giá cả cho người tiêu dùng ở Liên minh châu Âu - không giống như năm 2022, khi nguồn cung từ Nga giảm đã đẩy giá lên mức cao kỷ lục, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của khối.

Viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẳng định rằng việc chấm dứt vận chuyển khí đốt qua nước ông tới châu Âu là "một trong những thất bại lớn nhất của Moscow" và kêu gọi Mỹ cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu.

"Càng có nhiều đối tác thực sự của châu Âu trên thị trường, chúng ta sẽ càng nhanh chóng khắc phục được những hậu quả tiêu cực cuối cùng của sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga", ông Zelenskiy nhấn mạnh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko đưa ra tuyên bố rằng: "Chúng tôi đã dừng quá cảnh khí đốt của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử. Nga đang mất thị trường, họ sẽ phải chịu tổn thất về tài chính".

Ủy ban châu Âu (EC) trước đó cho hay EU đã chuẩn bị cho việc cắt giảm này.

"Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga. Cơ sở hạ tầng này đã được tăng cường với công suất nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) mới đáng kể kể từ năm 2022", một phát ngôn viên của EC cho biết.

Nga và Liên Xô cũ đã dành nửa thế kỷ để xây dựng thị phần lớn trên thị trường khí đốt châu Âu, đạt đỉnh vào khoảng 35%. Nhưng EU đã cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đẩu nổ ra bằng cách mua thêm khí đốt qua đường ống từ Na Uy và LNG từ Qatar và Mỹ.

Dự đoán gây ra “tác động khủng khiếp”

Trong bài phát biểu năm mới được đăng trên mạng xã hội, Thủ tướng Slovakia Fico khẳng định rằng: "Việc dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ có tác động mạnh mẽ đến tất cả chúng ta ở EU, nhưng không phải Liên bang Nga".

Ông Fico, người có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, từng gặp ông Putin tại Moscow trong chuyến thăm bất ngờ vào kỳ nghỉ Giáng sinh vừa qua để thảo luận về nguồn cung cấp khí đốt.

Thủ tướng Slovakia Rober Fico (Ảnh: Artem Geodakyan/AFP/Getty Images)

Ông Fico đã nhiều lần lập luận rằng việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt sẽ làm tăng chi phí cho EU và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của khối, cũng như làm tăng giá năng lượng ở Slovakia.

Ông cũng đe dọa sẽ thực hiện "biện pháp đáp trả" đối với Ukraine nếu nước này không gia hạn thỏa thuận, bao gồm cả việc ngừng xuất khẩu điện sang quốc gia này vì họ đang phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2023, nhà lãnh đạo Slovakia đã nổi lên như một trong những đồng minh trung thành nhất của Điện Kremlin tại EU, tuyên bố sẽ ngăn cản Ukraine gia nhập NATO và từ chối gửi viện trợ quân sự cho Kyiv.

Ukraine đã phớt lờ lời cảnh báo và đề nghị sản xuất khí đốt trong nước thay thế cho các nước láng giềng.

Ba Lan thì cho biết họ sẵn sàng xuất khẩu thêm điện sang Ukraine nếu ông Fico thực hiện lời đe dọa của mình.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski ngày 1/1 đã ca ngợi việc chấm dứt thỏa thuận khí đốt với Nga là một "chiến thắng" cho Kyiv.

“Nga đã chi hàng tỷ USD để xây dựng Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) để tránh phải trung chuyển khí đốt Ukraine và 'tống tiền' Đông Âu bằng lời đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt. Hôm nay, Ukraine đã cắt khả năng xuất khẩu khí đốt trực tiếp sang EU của Nga”, ông Radosław Sikorski đăng trên X.

Nga đã cắt nguồn cung cấp năng lượng cho các nước EU như Đức và Ba Lan sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 kéo theo nhiều hệ luỵ. Tuy nhiên, một số ít quốc gia thành viên, bao gồm Slovakia, Hungary và Áo, vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga mặc dù toàn khối đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào Moscow vào năm 2027.

Nhưng Transdniestria, một vùng ly khai thân Nga của nước láng giềng Moldova của Ukraine cũng phụ thuộc vào luồng quá cảnh, đã cắt nguồn cung cấp nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình vào sáng sớm 1/1.

Công ty năng lượng địa phương Tirasteploenergo kêu gọi người dân mặc ấm, treo chăn hoặc rèm dày trên cửa sổ và cửa ban công, và sử dụng lò sưởi điện.

Theo Reuters, Politico
Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga tới EU: Ai bị tổn hại?

Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga tới EU: Ai bị tổn hại?

Tài chính quốc tế
(VNF) - Sự thống trị của Nga trên thị trường năng lượng Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc nhưng có khả năng sẽ gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở một số nước thuộc khối này.
Cùng chuyên mục
Tin khác