Lo ngại chính sách áp trần giá dầu Nga, OPEC+ cân nhắc cắt giảm sản lượng

Minh Đăng - 30/11/2022 16:56 (GMT+7)

(VNF) - Hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể xem xét cắt giảm nguồn cung để chống lại sự suy yếu của thị trường trong bối cảnh các nước phương Tây đang đi đến thống nhất về việc áp giá trần dầu mỏ Nga.

VNF
OPEC+ có thể xem xét tiếp tục cắt giảm nguồn cung để chống lại sự suy yếu của thị trường.

Giá dầu đã giảm khoảng 9% trong tháng này do thị trường cho thấy nhu cầu đang giảm. Trong một báo cáo mới được công bố, các nhà phân tích của Eurasia Group cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu ở Trung Quốc có thể khiến nhóm OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu, sau khi đã công bố một đợt cắt giảm vào tháng 10.

“Quyết định này sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến giá dầu khi diễn ra cuộc họp của OPEC+ và mức độ xáo trộn của thị trường sau khi châu Âu chính thức cấm vận dầu Nga”, các nhà phân tích của Eurasia cho hay.

Hãng tin Bloomberg cũng trích lời các đại diện OPEC+ cho biết họ đang cân nhắc phương án cắt giảm sản lượng dầu dù trước đó họ dự báo có thể tạm dừng để đánh giá tác động của việc giảm sản xuất.

Theo nhận định của ông Amrita Sen, nhà phân tích dầu mỏ tại hãng tư vấn Energy Aspects, OPEC+ vốn luôn rất thận trọng về vấn đề cung cầu do dó tổ chức này có lẽ sẽ phải chọn giữa việc gia hạn chính sách hiện tại, hoặc thậm chí giảm mạnh hơn nữa.

Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman, cũng cho hay OPEC+ "sẵn sàng can thiệp bằng việc cắt giảm thêm sản xuất nếu cần cân bằng cung cầu".

Dù vậy, đây được xem là một quyết định khó khăn với OPEC+ bởi họ hiện đang chịu sức ép từ các nước tiêu thụ dầu cần ghìm lạm phát. Bên cạnh đó, nếu giảm thêm sản xuất, quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi có thể càng xấu đi.

Cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào này 4/12 tới, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại lạm phát, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc yếu đi vì chính sách Zero Covid và tác động tiềm tàng của chính sách áp trần giá bán dầu Nga.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra gói trừng phạt thứ 8 chống Nga, trong đó bao gồm cơ sở pháp lý để thiết lập giới hạn về mức giá cho dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển đến các nước thứ ba.

Dự kiến biện pháp hạn chế này sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12/2022 đối với dầu và ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm từ dầu. Ngoài ra, đó cũng là những mốc thời điểm bắt đầu hiệu lực của lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vào EU.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu Nga có thể giảm 15% đầu năm sau khi chính sách này có hiệu lực. Dù vậy, từ sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, sản lượng dầu của nước này vẫn chưa giảm mạnh vì các lệnh trừng phạt như dự báo.

Xem thêm >> Nga tuyên bố không bán dầu dù phương Tây áp trần giá cao

Theo Bloomberg, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác