Môi giới nhiễu loạn thông tin để trục lợi đất vùng ven Đà Nẵng

An Chi - 10/03/2019 09:56 (GMT+7)

Tung tin thất thiệt, làm giả văn bản chính quyền ... là những chiêu thức phổ biến của giới cò đất để thổi giá đất nền Đà Nẵng và Quảng Nam.

VNF

"Gan to" như cò đất

Lợi dụng giá đất một số khu vực tại Đà Nẵng và Quảng Nam tăng cao, giới cò đất liên tục đồn thổi về việc sắp triển khai các dự án lớn, mở các tuyến đường mới, làm giả văn bản của lãnh đạo để tạo sóng ảo, rao bán, nhận đặt cọc giữ chỗ "dự án ma".

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc tách một phần huyện Hòa Vang lên quận khiến giá đất tại địa phương này sôi sục. Bốn khu vực được cho là nằm ở quận mới là Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Tiến đã nhanh chóng tăng giá đến hàng trăm triệu đồng/lô.

Mới đây, Giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng đã phải ký công văn xác nhận không có chủ trương thành lập quận mới tại huyện này.

Văn bản ghi rõ: “Huyện Hòa Vang chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để chia tách thành hai đơn vị hành chính. Những thông tin lan truyền trên mạng xã hội gần đây về việc TP. Đà Nẵng có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang là không chính xác. Đây là hành vi tung tin thất thiệt để trục lợi, của một số cá nhân, tổ chức môi giới bất động sản tại địa bàn".

Không chỉ tại Đà Nẵng, cuối tháng 2 vừa qua, tại Quảng Nam cũng xuất hiện một văn bản về việc cấp phép đầu tư dự án chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở phường Cẩm Nam, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã xác nhận văn bản trên là hoàn toàn giả mạo. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng như TP. Hội An chưa có chủ trương đầu tư nào tương tự, nên nội dung trong văn bản là hoàn toàn bịa đặt, mục đích là để kích động bất động sản ở TP. Hội An và TP. Đà Nẵng.

Tiền lệ xấu của thị trường

Đáng nói, không phải thời gian gần đây mới xuất hiện các tin đồn thất thiệt nhằm đẩy giá đất tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhìn lại thị trường bất động sản khu vực này một năm qua cho thấy, các thông tin giả mạo không ngừng được "tô vẽ", khiến nhà đầu tư rơi vào ma trận thông tin thật giả lẫn lộn, còn giá đất biến ảo không ngừng.

Trước đó, đầu tháng 11/2018, Tổ Công tác Thông tin báo chí thành phố Đà Nẵng đã phải gửi gấp thông tin tới các báo trên địa bàn để thông báo về một trường hợp giả mạo văn bản của Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Tại thời điểm đó, trên các trang mạng xã hội đang đăng tải văn bản giả mạo, có số văn bản ghi trên Công văn giả này là 738/2018/UBND-XDCB, ngày 31/10/2018 cho là Chủ tịch UBND thành phố ký với nội dung "phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”. Nơi gửi của văn bản giả này được gửi đến các cơ quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND quận Cẩm Lệ, UBND quận Ngũ Hành Sơn.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Phòng Quản lý đô thị, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: Đây chỉ là văn bản giả mạo, không phải văn bản thật. Mục đích của việc tung tin và đăng tải văn bản này của người đăng với ý đồ tạo cơn sốt đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Hiện nay các cơ quan chức năng đang vào cuộc, UBND TP.Đà Nẵng khẳng định và đề nghị các cơ quan báo chí thông tin sự việc để tổ chức, công dân được biết và rộng đường dư luận.​

Cách đó không lâu, đầu tháng 10/2018, giá đất ở khu vực Hòa Liên 5 (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng bắt đầu rộ lên sau khi Thanh tra TP. Đà Nẵng công bố các thông tin sai phạm của hai nhà máy thép đóng trên địa bàn là Dana Úc, Dana Ý. Từ đây thông tin về việc thành phố sẽ tiến hành di dời hai nhà máy này đã trở thành "điểm tựa" để thổi bùng lên cơn sốt đất tại địa phương này.

Chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất bị thổi lên không ngừng, hàng trăm nhà đầu tư, môi giới khắp nơi kéo về buôn bán tấp nập, tranh thủ cơ hội lướt sóng kiếm lời.

Nếu như trước đó, giá đất tại đây chỉ khoảng 700 - 800 triệu đồng với một lô tái định cư đường 5,5m, tầm 900 triệu - 1 tỉ đồng với lô tái định cư đường 7,7m tùy vị trí thì trong cơn sốt đất, giá đất nơi đây đã lên đến mức hơn 1,5 tỉ đồng với các lô đường 5,5 và hơn 1,7 tỉ đồng với các lô đường 7,5m. Cá biệt có những lô tăng lên đến hơn 2,1 tỉ, gần gấp 3 lần trước đó mấy ngày.

Tuy nhiên, sau khi môi giới chốt lời xong đã nhanh chóng rút lui khiến cơn sốt đất nhanh chóng xẹp xuống. Đất đai tại đây trở lại đúng thực trạng đìu hiu, vắng bóng thanh khoản như vốn có. Nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, chậm chân mắc cạn.

“Quả bom” sốt đất Hòa Liên một lần nữa cho thấy sức mạnh ghê gớm của giới cò đất khi họ đủ sức thao túng cả thị trường trong phạm vi ngắn hạn để kiếm lời.

Cũng chính vì thực trạng này, mới đây UBND huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã có văn bản khẩn gửi 11 xã trên địa bàn về việc chấn chỉnh tình trạng mua bán đất trên địa bàn huyện.

Văn bản nêu rõ, hiện tình hình mua bán đất trên địa bàn huyện Hòa Vang đang diễn ra sôi động. Giới "cò" đất đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao bất thường để trục lợi.

Chính vì vậy, lãnh đạo UBND huyện giao 11 xã và thông tin, đài truyền thanh và truyền hình huyện thông báo, tuyên truyền cho người dân thận trọng trong việc mua bán đất, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không có đất để sản xuất, không có đất để con, cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài.

Nhiều chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, giả mạo văn bản của lãnh đạo chính quyền địa phương nhằm trục lợi đây hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng cần kịp thời, điều tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, ngụy tạo thông tin. Có như vậy mới có thể làm minh bạch thị trường, giúp bất động sản Đà Nẵng phát triển bền vững.

Theo Theleader
Cùng chuyên mục
Tin khác