Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Condotel cần “giấy khai sinh”
Những năm gần đây, cùng với các loại hình bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng như officetel (văn phòng - lưu trú), shophouse (nhà ở - cửa hàng), loại hình căn hộ - khách sạn (condotel) đã trải qua một giai đoạn phát triển “nóng” chưa từng có.
Mặc dù nguồn cung đang rất lớn nhưng đến nay, condotel vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề sở hữu, kinh doanh.
“Các nhà đầu tư dự án, nhà đầu tư thứ cấp, chính quyền địa phương đều kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng mở rộng chế độ sử dụng đất đối với đất để phát triển bất động sản có mục đích lưu trú cho con người”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định tại "Diễn đàn Bất động sản năm 2018: Cơ hội từ chính sách" được tổ chức cuối tuần qua.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CEN Group cho hay việc phát triển condotel là nhu cầu của thị trường và lượng giao dịch thực tế rất lớn. Vì vậy, nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, hạn chế sự phát triển của thị trường bất động sản. “Để phát triển lâu dài và thu hút đầu tư nước ngoài, condotel cần được thừa nhận hợp pháp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Từ phía cơ quan chức năng, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết trong lộ trình sửa các luật liên đến thị trường bất động sản như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ với chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này và cho phép người nước ngoài được mua.
“Dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi sẽ giữ nguyên quy định đất dành cho phát triển condotel là đất thương mại dịch vụ, thời gian sở hữu 50 năm, doanh nghiệp được phép chuyển nhượng cho khách hàng. Sau 50 năm, nếu tiếp tục có nhu cầu sở hữu thì sẽ được gia hạn tồn tại”, ông Phấn cho biết.
Đề xuất cho phép người nước ngoài mua condotel
Khi hành lang pháp lý cho condotel còn chưa rõ ràng, thì nguồn cung loại hình này đã gia tăng chóng mặt. Các chủ đầu tư condotel đang đối diện nguy cơ cung vượt xa cầu; giá bán, lượng tiêu thụ sụt giảm. Trong khi đó, người nước ngoài muốn đầu tư condotel lại không thể thực hiện vì hàng rào pháp lý.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đề xuất nên cho phép người nước ngoài mua condotel để đầu tư kinh doanh nhằm mở ra cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài. Để đảm bảo công tác quản lý, có thể quy định hạn chế số căn được sở hữu trong một khu vực, hạn chế thời hạn sở hữu…
“Condotel cũng là một công trình xây dựng, không có lý gì mà không cho phép người nước ngoài mua, vì đây là một kênh thu hút, dẫn vốn rất tốt”, ông Nam nói.
Trong khi đó, GS-TSKH Đặng Hùng Võ phân tích Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã cho phép cá nhân người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở, để ở và kinh doanh, cho thuê. Như vậy, cũng cần cho phép cá nhân người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu các bất động sản có mục đích lưu trú gắn với quyền sử dụng đất để kinh doanh, cho thuê.
“Quy định đổi mới như vậy sẽ làm tăng đáng kể vốn đầu tư phát triển phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, làm cho thị trường động sản sôi động hơn, hạ tầng hoàn thiện hơn, đồng thời cũng tạo ra khả năng sinh lợi cho bất động sản nhiều hơn”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Được biết, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp đề nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững loại hình condotel.
HoREA cũng đề xuất cho cá nhân nước ngoài được mua condotel nhằm tăng tính thanh khoản, bổ sung nguồn vốn phát triển các dự án condotel, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Có thể thấy, loại hình kinh doanh bất động sản mới - condotel đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ, rất có thể, phân khúc này sẽ rơi vào tình trạng đóng băng, sụt giảm giao dịch, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản nói chung và các nhà phát triển bất động sản nói riêng.
Từ năm 2015 đến tháng 9/2017, cả nước đã có 71 dự án condotel, officetel được cấp phép với tổng số 25.639 căn. Trong đó, riêng condotel có 15.010 căn, bao gồm 4.114 căn tại Hà Nội, 208 căn tại TP. HCM, 4.565 căn tại Đà Nẵng và 5.823 căn ở các tỉnh, thành phố khác. (Nguồn: Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) |
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.