Nền kinh tế Nga đang trong 'vùng biển đầy sóng gió chưa được khám phá'

Quang Đăng - 01/08/2024 14:05 (GMT+7)

(VNF) - Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, mô tả nền kinh tế nước này đang ở "vùng biển đầy sóng gió chưa được khám phá" do chịu tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã chứng kiến sự di cư ồ ạt về nhân tài và vốn.

Financial Times dẫn thống kê của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy hơn 253 tỷ USD vốn tư nhân đã rời khỏi đất nước và ước tính có tới 1 triệu lao động có tay nghề cao đã di cư, chiếm khoảng 10% lực lượng lao động công nghệ của Nga và 1/3 số triệu phú của nước này.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina phát biểu tại phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg SPIEF 2022.  (Ảnh: GETTY IMAGES)

Làn sóng tháo chạy vốn này cản trở nghiêm trọng khả năng đổi mới và duy trì tăng trưởng công nghệ và kinh tế của Nga.

Theo Money Week, các lệnh trừng phạt cũng dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm từ khoảng 100 tỷ USD mỗi năm trước khi chiến sự diễn ra xuống gần bằng 0 hiện nay.

Theo các bản tin địa phương của Nga, trong một cuộc họp của Hội đồng Phát triển Thị trường Tài chính trực thuộc Hội đồng Liên bang, bà Nabiullina đã phát biểu về tình hình kinh tế Nga.

Bà nói: "Con tàu của chúng ta đã đi vào vùng biển chưa được khám phá đầy sóng gió, nhưng đại dương vẫn là đại dương, bánh lái nằm trong tay chúng ta, và chúng ta cần phải vững vàng mở đường đến mục tiêu".

"Đúng vậy, giai đoạn lạm phát giảm, trong thời kỳ bình ổn phải mất một năm rưỡi, giờ sẽ cần nhiều thời gian hơn, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu", vị thống đốc nhấn mạnh thêm.

Bà cũng nói về lạm phát tại cuộc họp, tuyên bố rằng "Lạm phát cao có nghĩa là gì? Giống như nhiệt độ cao ở một người, nó chỉ ra các vấn đề về sức khỏe. Trong trường hợp nền kinh tế của chúng ta, như chúng ta có thể thấy, chúng ta không thiếu tiền ngay cả khi lãi suất cao, các khoản vay đang tăng lên và lợi nhuận đạt mức cao kỷ lục".

"Chúng ta đừng quên những người có thu nhập vốn đã ít ỏi không theo kịp lạm phát, đối với họ, chính sách giảm lạm phát của chúng ta không phải là một điều trừu tượng, mà là vấn đề liệu họ có thể nuôi sống bản thân, gia đình họ, thoát khỏi đói nghèo hay không - trên con đường của chúng ta không thể tránh khỏi một giai đoạn lãi suất cao", Thống đốc Naibullina nhấn mạnh thêm.

Triển khai thanh toán tiền điện tử xuyên biên giới

Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 30/7 đã thông qua một dự luật cho phép các doanh nghiệp sử dụng tiền điện tử trong thương mại quốc tế.

Theo người đứng đầu Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý này dự kiến sẽ tiến hành đợt thanh toán xuyên biên giới thử nghiệm đầu tiên bằng tiền điện tử vào cuối năm nay.

Điều này sẽ thử nghiệm phiên bản đồng rúp kỹ thuật số. Đồng rúp Nga là đơn vị tiền tệ của liên bang Nga, đã được sử dụng từ thế kỷ XIV.

Theo truyền thông địa phương của Nga, nếu đồng rúp kỹ thuật số được thử nghiệm thành công, nó có thể được đưa vào lưu thông từ tháng 7/2025.

Ngoài ra, Nga cũng đã thông qua các quy định mới hợp pháp hóa việc khai thác tiền điện tử.

Lệnh cấm thanh toán bằng tiền điện tử hiện tại ở Nga vẫn còn, nhưng việc Moscow bật đèn xanh cho tiền điện tử đối với thương mại quốc tế đánh dấu một sự thay đổi đáng kể.

Vào tháng 1/2022, trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ, Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất lệnh cấm sử dụng và khai thác tiền điện tử trong nước, viện dẫn những rủi ro đối với sự ổn định tài chính và chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, quốc gia bị trừng phạt nặng nề này đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến thanh toán quốc tế đến mức buộc phải thay đổi lập trường.

Một số doanh nghiệp Nga đã sử dụng tiền điện tử để giao dịch với các khoản thanh toán quốc tế. Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố vào đầu tháng này rằng Nga phải "nắm bắt thời cơ" để tạo ra khuôn khổ pháp lý cho tài sản kỹ thuật số.

Việc Nga nghiêng về tiền điện tử không phải là điều bất ngờ. Các nhà phân tích đã suy đoán về cách Nga cuối cùng sẽ chuyển sang sử dụng tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số sau các lệnh trừng phạt toàn diện của phương Tây.

Cho đến gần đây, Moscow thực sự chưa phải xem xét kỹ lưỡng đến tiền kỹ thuật số vì các công ty Nga vẫn có thể tiếp tục kinh doanh bằng các loại tiền không phải USD, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hoặc thông qua các ngân hàng nhỏ hơn.

Nhưng hoạt động thương mại quốc tế của Nga đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Các vấn đề thanh toán đã trở nên trầm trọng hơn vào tháng trước khi Bộ Tài chính Mỹ tung ra một gói trừng phạt mở rộng mới của Mỹ đối với Nga, buộc Sàn giao dịch chứng khoán Moscow phải dừng giao dịch USD và euro.

Theo News Week
Ukraine khoá van dầu Nga, Hungary cáo buộc chính EU ‘dàn dựng’

Ukraine khoá van dầu Nga, Hungary cáo buộc chính EU ‘dàn dựng’

Tài chính quốc tế
(VNF) - Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó ngày 30/7 đã đã cáo buộc ủy ban điều hành của Liên minh châu Âu (EU) dàn dựng việc dừng một số nguồn cung cấp dầu của Nga vào khối thông qua Ukraine và cảnh báo rằng tranh chấp này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Cùng chuyên mục
Tin khác