Nga cảnh báo Mỹ tránh xa Greenland: 'Vi phạm luật pháp quốc tế'

Hải Đăng - 14/01/2025 13:26 (GMT+7)

(VNF) - Nga đã cảnh báo Mỹ về kế hoạch thâu tóm Greenland của Tổng thống đắc cử Donald Trump với lý do lo ngại về hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và nguy cơ bất ổn ở khu vực Bắc Cực.

Nga tuyên bố cứng rắn

Những bình luận gần đây của ông Donald Trump đã làm bùng nổ căng thẳng xuyên lục địa liên quan đến Greenland. Ông Trump tuyên bố rằng Mỹ cần Greenland vì "mục đích an ninh quốc gia" và bỏ ngỏ khả năng sử dụng các biện pháp quân sự hoặc kinh tế để chiếm được lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Nga đã lên tiếng phản đối các hành động đơn phương ở Bắc Cực. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, bà Valentina Matviyenko cho biết "Bắc Cực phải là một lãnh thổ hòa bình và hòa hợp”.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, bà Valentina Matviyenko (Ảnh: Dmitry Astakhov/POOL/TASS)

Phát biểu với các phóng viên tại Moscow, bà Matviyenko nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể không lo ngại về những cách tiếp cận chưa rõ ràng như vậy. Sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế khi tiến tới Bắc Cực. Chúng tôi đã có những ví dụ như vậy khi Mỹ cố gắng mở rộng phạm vi tiếp cận của mình, điều này không thể được phép”.

"Chúng ta không thể cho phép hành vi vi phạm luật pháp quốc tế gây bất lợi cho các quốc gia khác", bà nói thêm.

Greenland, một hòn đảo giàu khoáng sản ở Bắc Cực, từ lâu đã trở thành mối quan tâm chiến lược của các cường quốc, bao gồm Nga, Trung Quốc và Mỹ, do các nguồn tài nguyên chưa được khai thác và vị trí của nó dọc theo các tuyến đường vận chuyển mới nổi.

Tuyên bố của ông Trump xuất hiện trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng trong khu vực và sự tập trung ngày càng tăng vào chủ quyền và khai thác tài nguyên ở Bắc Cực. Nơi đây cũng là nơi đặt Căn cứ Không gian Pituffik của Mỹ (trước đây là Căn cứ Không quân Thule), hoạt động từ năm 1943.

Greenland tuyên bố chủ quyền: 'Không phải để bán'

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây đã tái khẳng định cam kết của Nga trong việc theo dõi chặt chẽ tình hình. "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến khá kịch tính này. Rất may là hiện tại, nó vẫn chỉ ở mức tuyên bố", ông Peskov phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow tuần trước.

Greenland, một hòn đảo giàu khoáng sản ở Bắc Cực, từ lâu đã trở thành mối quan tâm chiến lược của các cường quốc, bao gồm Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Lãnh đạo Greenland và Đan Mạch cũng đã phản ứng mạnh mẽ với tuyên bố của ông Trump. Lãnh đạo Greenland, ông Múte Egede nhấn mạnh quyền tự quyết của hòn đảo, và nhấn mạnh rằng: "Greenland là của chúng tôi. Chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán”.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng đồng tình với quan điểm này, gọi những phát biểu của ông Trump là "vô lý" và tái khẳng định chủ quyền của Greenland.

Tình hình đã thu hút sự chỉ trích từ nhiều phía. Thủ tướng Đức Olaf Scholz xem ý tưởng mua lại Greenland là "một sự hiểu lầm nhất định" trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot kêu gọi tôn trọng biên giới có chủ quyền trên toàn cầu.

Bất chấp sự chỉ trích của quốc tế, các đồng minh của ông Trump đã bảo vệ tuyên bố của ông. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Waltz lưu ý rằng các nguồn tài nguyên của Bắc Cực khiến Greenland trở nên quan trọng đối với lợi ích chiến lược của Mỹ.

Khi Tổng thống đắc cử Trump chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1, các quốc gia Bắc Cực và các nhà quan sát quốc tế sẽ theo dõi chặt chẽ chính sách của Mỹ trong khu vực. Đan Mạch đã ra tín hiệu sẵn sàng tham gia ngoại giao để giải quyết các mối quan ngại về an ninh mà không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của Greenland.

Greenland nằm giữa Bắc Mỹ và châu Âu, là một vị trí chiến lược tại Bắc Cực. Với diện tích khoảng 2,16 triệu km², phần lớn lãnh thổ bị bao phủ bởi băng, hòn đảo này là một trong những khu vực ít dân cư nhất thế giới.

Greenland có tiềm năng chiến lược to lớn nhờ vào hai yếu tố: Tuyến đường hàng hải Bắc Cực và Căn cứ quân sự Thule.

Greenland sở hữu lượng lớn khoáng sản quý hiếm như uranium dùng cho công nghiệp năng lượng và quốc phòng, các kim loại thiết yếu cho công nghiệp và công nghệ như sắt, kẽm và đồng. Ngoài ra, Greenland là một trong những nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, pin và xe điện.

Khi băng tan, việc khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Greenland trở nên khả thi. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khu vực Bắc Cực có thể chứa tới 13% trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác của thế giới và 30% khí đốt tự nhiên.

Greenland đóng vai trò quan trọng trong các hiệp định liên quan đến Bắc Cực. Các quốc gia bao gồm Mỹ, Nga và các nước Bắc Âu cần hợp tác để quản lý tài nguyên và đảm bảo ổn định khu vực.

Theo News Week
Mỹ giáng đòn lên Nga: Khách hàng mua dầu lớn ở Châu Á gặp rắc rối

Mỹ giáng đòn lên Nga: Khách hàng mua dầu lớn ở Châu Á gặp rắc rối

Tài chính quốc tế
(VNF) - Các nhà máy lọc dầu, công ty vận hành tàu chở dầu và giám đốc điều hành cảng trên khắp châu Á đang phải vật lộn để ứng phó với những tác động từ lệnh trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.