Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Nghiễm nhiên thoát diện thu hồi?
Ngày 5/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Thường trực HĐND thành phố tại phiên giải trình tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra 21 dự án trên địa bàn 7 quận, huyện: Mê Linh (4 dự án), Hoàng Mai (2 dự án), Thanh Xuân (3 dự án), Bắc Từ Liêm (2 dự án), Nam Từ Liêm (3 dự án), Hà Đông (4 dự án), Hoài Đức (3 dự án).
Đáng chú ý, trong 3 dự án tại huyện Hoài Đức nằm trong danh sách thanh, kiểm tra có dự án KĐTM Kim Chung - Di Trạch.
Tuy nhiên ngày 24/10, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết KĐTM Kim Chung - Di Trạch, tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích nghiên cứu được nâng lên từ 138,1ha thành 146,7ha.
Quyết định điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết KĐTM Kim Chung - Di Trạch được ban hành vào thời điểm trên có ý nghĩa rất quan trọng, dự án nghiễm nhiên sẽ thoát diện thanh tra, kiểm tra và đương nhiên dự án đã bỏ hoang cả một thập kỷ, sẽ không nằm trong diện thu hồi của Hà Nội ít nhất là trong một vài năm tới, theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Theo ông Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam, tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa vào sử dụng thì bị thu hồi.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
"Như vậy, Vietracimex đã thành công trong việc làm mới dự án KĐTM Kim Chung - Di Trạch, phù hợp với quy hoạch chung, kéo dài thời gian thực hiện dự án hợp pháp", ông Hùng cho biết.
Thêm diện tích, bớt tiện ích?
Để cấp phép một dự án dù lớn hay nhỏ là chuyện không hề đơn giản nhưng để điều chỉnh quy hoạch dự án theo luật hiện hành lại khá thông thoáng. Tận dụng kẽ hở này, rất nhiều doanh nghiệp sau khi xin cấp phép dự án, đã xin điều chỉnh có lợi cho doanh nghiệp về mật độ xây dựng, mật độ dân số, thu hẹp diện tích sử dụng chung, công trình công cộng và đằng sau đó là những lợi nhuận khổng lồ.
Việc KĐTM Kim Chung - Di Trạch vừa được điều chỉnh mở rộng diện tích quy hoạch tăng thêm 8,6 ha không những giúp dự án thoát diện thanh tra, thu hồi mà còn đem lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư.
Cụ thể, ngoài tăng diện tích toàn dự án từ 138,1ha lên 146,7ha, rất nhiều diện tích các hạng mục nhỏ đã điều chỉnh khác cũng có lợi cho chủ đầu tư như: Đất dân dụng tăng hơn 11 ha từ 133,33 ha lên đến 144,77 ha; Đất công cộng giảm 5 ha từ 8,74 ha xuống còn 3,63 ha; Đất trồng cây xanh giảm gần 3 ha từ 19,69 ha xuống 16,95 ha.
Trước đó, theo ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến Trúc, Xây dựng và UBND huyện Hoài Đức tại cuộc họp ngày 26/5/2016 đã thống nhất kiến nghị báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận việc không phải bố trí quỹ đất, nhà ở phục vụ phát triển nhà ở xã hội trong phạm vi dự án do không thuộc đối tượng triển khai.
Theo báo cáo giải trình của Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex để đảm bảo tính pháp lý và tránh khiếu kiện đối với các ô đất đã thi công xây dựng, ký hợp đồng góp vốn, đề nghị giữ nguyên không thay.
Liệu có hồi sinh?
Chủ đầu tư dự án KĐTM Kim Chung - Di Trạch là Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải và được cổ phần hóa vào năm 2005. Doanh nghiệp này hoạt động động trong lĩnh vực: năng lượng, dịch vụ, sản xuất công nghiệp và bất động sản.
Tại Hà Nội, ngoài dự án KĐTM Kim Chung - Di Trạch, Vietracimex có dự án khu nhà ở thấp tầng và nhà ở là tổ hợp khu nhà ở liền kề kết hợp xây dựng các công trình công cộng tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn với quy mô 1,28ha; Dự án Hinode City tại 201 Minh Khai, Hà Nội 2,8ha; Dự án Phạm Hùng, Hà Nội khoảng 4.816m2, tổng mức đầu tư 944 tỷ đồng
Dự án xây dựng Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (Hinode City) tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Dự án này vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016. Theo đó, Vietracimex nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng; xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án không đúng quy định.
Trở lại với KĐTM Kim Chung - Di Trạch từng được kỳ vọng sẽ là một khu đô thị hoành tráng phía Tây Hà Nội, dựa trên ý tưởng tạo dựng một “trái tim đô thị” chất lượng cao, tiện nghi, thân thiện với môi trường, một trung tâm thương mại, biệt thự liền kề, nhà hát, căn hộ cho thuê, bệnh viện, trường học… đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế.
Vào thời hoàng kim, giá đất nền tại KĐTM Kim Chung - Di Trạch có thời điểm lên tới 50 - 70 triệu đồng/m2, gấp 3 - 4 lần giá gốc. Thế nhưng gần 10 năm qua, hiện dự án mới chỉ hoàn thành có 7 - 8 dãy nhà liền kề, biệt thự được xây thô, còn đa số diện tích đất vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chôn theo hàng nghìn tỷ của giới đầu cơ.
Liệu rằng Vietracimex có hồi sinh được KĐTM Kim Chung - Di Trạch nhờ những quyết định "nới đai" của Hà Nội?
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.