'Soi' năng lực Tập đoàn Sơn Hải, nhà đầu tư độc lập duy nhất vượt sơ tuyển cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Trần Lưu - 09/05/2020 07:45 (GMT+7)

(VNF) - Trong 18 nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam thì có tới 17 liên danh nhà đầu tư. Duy nhất chỉ có 1 nhà đầu tư độc lập trúng sơ tuyển tại dự án Nha Trang - Cam Lâm là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

VNF
Năm 2014, Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam dám cam kết bảo hành chất lượng 5 năm.

Điểm qua về dự án mà Sơn Hải trúng sơ tuyển. Đây là là 1 trong 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư là 7.615 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài 49km, đi qua 2 huyện Diên Khánh và Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa và được xây dựng theo quy mô 6 làn xe (giai đoạn hoàn chỉnh), trong đó phân kỳ giai đoạn I là 4 làn xe, rộng 17m, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Đây cũng là dự án có số lượng nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển nhiều. Ngoài Tập đoàn Sơn Hải, 4 liên danh còn lại vượt qua vòng sơ tuyển tại dự án này gồm: liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty Cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An - Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô; liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - CIENCO1 - Công ty Cổ phần 873 xây dựng công trình giao thông - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.

Tiếp theo là Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Duy Tân - Công ty Cổ phần Trường Long và liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

Nếu như các nhà đầu tư khác buộc phải liên danh với nhau để đáp ứng tiêu chí về kinh nghiệm và vốn thì Sơn Hải lại tự tin đứng độc lập mà không cần liên danh với các nhà đầu tư khác.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Tập đoàn Sơn Hải được thành lập vào tháng 4/1998 tại tỉnh Quảng Bình. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở, xây dựng công trình đường sắt, đường bộ, san lấp mặt bằng, trồng trọt, kinh doanh bất động sản.

Điểm đặc biệt của Tập đoàn Sơn Hải là người đại diện pháp luật và cổ đông có sự thay đổi nhiều lần, quanh 4 thành viên là ông Nguyễn Viết Hải, ông Lê Thanh Hướng, bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Hoa.

Ông Nguyễn Viết Hải, sinh năm 1966, được cho là người “lèo lái” của Tập đoàn Sơn Hải, đến tháng 5/2017 mới nắm giữ cổ phần tại Tập đoàn Sơn Hải. Việc ông Nguyễn Viết Hải nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Sơn Hải cũng có sự gián đoạn từ tháng 12/2017 đến tháng 11/2018.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến tháng 5/2019, Tập đoàn Sơn Hải có vốn điều lệ hơn 2.310 tỷ đồng, sau nhiều lần tăng vốn, trong đó vốn góp là tài sản giá trị quyền sử dụng đất hơn 311 tỷ đồng, vốn góp là tiền hơn 1.999 tỷ đồng.

Từ năm 2014, Tập đoàn Sơn Hải nổi lên là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam dám cam kết bảo hành chất lượng 5 năm ( lúc bấy giờ, các đoạn đường thường chỉ được các nhà thầu bảo hành 2 năm) cho các gói thầu thuộc dự án nâng cấp Quốc lộ 1A hay dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh.

Sơn Hải còn cắm các biển "bảo hành 5 năm" dọc các tuyến đường mà mình thi công.

Đây là các đoạn đường do Tập đoàn Sơn Hải thi công, đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình (gói thầu số 10 và số 14), tỉnh Đắk Nông (gói thầu số 6).

Sơn Hải còn cắm các biển "bảo hành 5 năm" dọc các tuyến đường mà mình thi công để người dân tham gia giao thông cùng giám sát.

Nói về hành động này, lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải cho biết: "Tấm biển đó thể hiện trách nhiệm của chúng tôi đối với dự án do chính chúng tôi thi công. Mặt khác, thông tin trên các biển còn giúp cơ quan có thẩm quyền, người dân biết, giám sát việc thực hiện cam kết của nhà thầu”.

Không chỉ tuyên bố bảo hành lâu hơn thông lệ, Sơn Hải còn cam kết nếu hằn lún vượt mức cho phép thì khắc phục bằng phương pháp bóc toàn bộ lên làm lại, chứ không bù lún theo cách mất mỹ quan hay bù lún đơn lẻ như cách mà nhiều đơn vị làm đường khác hay thực hiện. Từ cam kết này, Bộ GTVT đã nâng mức bảo hành 2 năm lên 4 năm đối với tuyến quốc lộ 1A, riêng Sơn Hải vẫn giữ nguyên 5 năm bảo hành.

Đầu năm 2015, Tập đoàn Sơn Hải một lần nữa được nhắc đến là nhà thầu “về đích” đầu tiên trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, và sớm gần 1 năm, ở thời điểm trước Tết âm lịch.

Tập đoàn Sơn Hải cũng chính là nhà thầu xây dựng từng được đích danh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mời tham gia khắc phục hẵn lún QL5 cũ vào năm 2015.

Sơn Hải cũng từng tham gia vào những dự án có quy mô nghìn tỷ như dự án trọng điểm Quốc gia hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; dự án đường cao tốc La Sơn – Túy Loan đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng; dự án hồ chứa nước Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã quyết định chỉ định Tập đoàn Sơn Hải thực hiện dự án khu đô thị Nam Cầu Dài - Đồng Hới với tổng mức đầu tư là 2.200 tỷ đồng.

Trở lại với dự án cao tốc Bắc – Nam, không chỉ trúng sơ tuyển tại dự án Nha Trang - Cam Lâm với tư các nhà đầu tư độc lập, Tập đoàn Sơn Hải còn liên danh với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam - Công ty Cổ phần Đầu tư Horizon - Công ty Cổ phần Hải Đăng - Công ty Cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam để vượt qua vòng sơ tuyển tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Dự án này có tổng chiều dài 79km, tổng mức đầu tư khoảng 13.687 tỷ đồng.

Danh sách 18 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển tại 7 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam gồm:

Tại dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 có 2 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Thành Công – Huyndai Thành Công Việt Nam – Cienco4; Trung Nam – Miền Trung – Cường Thịnh Thi – Lắp máy Trung Nam – CM Việt Nam.

Tại dự án Quốc lộ 45 – Nghi Sơn có 2 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Cienco4 – Hòa Bình – Thuận An – Tân Thành Đô – Công ty 18; Licogi16 – FECON – 468 – Điền Phước – Công ty CP Hạ tầng và phát triển đô thị FECON.

Tại dự án Nghi Sơn – Diễn Châu có 2 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Tân Nam – Vinaconex – Thái Sơn; Hòa Hiệp – Vinaconex2 – Cienco4 – Núi Hồng.

Tại dự án Diễn Châu – Bãi Vọt có 3 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Hòa Hiệp – Vinaconex 2- Cienco4 – Núi Hồng; Đèo Cả - Hải Thạch – Hà Thanh – Hoang Long – Tiến Đại Phát; Vinaconex – Tân Nam – HCJ.

Tại dự án Nha Trang – Cam Lâm có  5 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Vinaconex – Duy Tân – Trường Long; Cienco4 – Thuận An – Tân Thành Đô; Sơn Hải; Miền Trung – Cường Thịnh Thi – Cienco1 – 873 – 168; Phương Thành – Nguyên Minh – Nhạc Sơn – Tự Lập.

Tại dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo có 4 liên danh vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Trung Nam – Horizon – Hải Đăng – Sơn Hải; Vinaconex – VN.EDTEI – FECON; Đèo Cả - Hải Thạch – 194; Cienco4 – Hòa Bình – Giao thông 18 – Phương Thành – Thuận An.

Tại dự án Phan Thiết – Dầu Giây có 3 liên danh nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển gồm: Thành Công – Huyndai Thành Công Việt Nam – Cienco4; Novaland – Vinaconex – Rạng Đông; Đèo Cả - 194 – Cienco6 – IDICO – Địa ốc Sài Gòn Thương Tín.

Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển.

Cùng chuyên mục
Tin khác