'Sửa Luật Đất đai phải khắc phục tình trạng khai thác đất phục vụ cho lợi ích riêng'

Kỳ Thư - 22/02/2023 17:14 (GMT+7)

(VNF) - Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng sửa Luật Đất đai (sửa đổi) cần khắc phục được tình trạng khai thác các giá trị của đất đai để phục vụ cho lợi ích riêng.

VNF
Sửa Luật Đất đai (sửa đổi) cần khắc phục được tình trạng khai thác các giá trị của đất đai để phục vụ cho lợi ích riêng.

Tại hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67) cần xem lại.

Lý do, theo ông Nghiêm, là với khối lượng lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế, cần nghiên cứu từ kết quả giám sát quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch năm 2017. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngoài quy định tại điều 68 cần nêu rõ phải lấy ý kiến của hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Góp ý vào điều 71 về rà soát, điểu chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Nghiêm bày tỏ sự thống nhất với các nguyên tắc về căn cứ để điều chỉnh đã nêu trong dự thảo. Đây là các nguyên tắc đúng với điều chỉnh định kỳ. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển đô thị bền vững, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ có nhiều đột phá về phát triển đô thị và nông thôn nên cần cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch và nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Việc bổ sung yêu cầu này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật đặc biệt quan trọng và việc sửa đổi, điều chỉnh có các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân.

Do đó, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo luật lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, với các điều luật được cụ thể hóa nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa quy định tại điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.

GS.TS Phan Trung Lý cho rằng đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước.

Do vậy, theo ông Lý, phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; đặc biệt ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Góp ý về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không?

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã nêu "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất" thì mới khắc phục được hạn chế, bất cập lớn hiện hành. Do đó, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh phải kiên trì thực hiện nguyên tắc xuyên suốt này.

“Thỏa thuận quyền sử dụng đất là một quyền dân sự, nhưng việc thỏa thuận gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các dự án đô thị, nhà ở thương mại là nội dung liên quan đến lợi ích chung, không phải “cốt ở đôi bên” nữa, mà phải bảo đảm nguyên tắc và quản lý của Nhà nước. Điều này nhằm bảo đảm tính thống nhất, công bằng, hài hòa lợi ích và mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất. Thực tế, các dự án đô thị, nhà ở thương mại nếu chỉ mình chủ đầu tư cũng không thực hiện được nếu nhà nước không làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư”, ông Thực nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác