Tài chính tuần qua: Vingroup bán 3% vốn Vinhomes, 200 triệu USD đổ về Masan

Tân Mai - 22/08/2021 13:36 (GMT+7)

(VNF) - Vingroup muốn bán 3% vốn điều lệ Vinhomes; Masan được rót 200 triệu USD từ quỹ Hàn Quốc; MWG ghi nhận doanh thu khủng trong tháng 7; Sản lượng tiêu thụ tháng 8 của Petrolimex giảm mạnh... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

VNF
Tài chính tuần qua: Vingroup bán 3% vốn Vinhomes, 200 triệu USD đổ về Masan

Vingroup muốn bán 3% vốn điều lệ Vinhomes, dự thu 12.000 tỷ đồng

Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa đưa ra thông báo về việc đăng ký bán 100.485.418 cổ phiếu VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM).

Lượng cổ phiếu này tương đương 3% vốn điều lệ Vinhomes. Nếu giao dịch được thực hiện thành công, tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại Vinhomes sẽ giảm xuống 66,66%.

Phương thức thực hiện là giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh. Thời gian dự kiến giao dịch là từ ngày 19/8/2021 đến ngày 17/9/2021.

Mục đích là để tăng nguồn vốn hoạt động và đầu tư vào các công ty con.

Tính theo giá tham chiếu phiên giao dịch 16/8, lượng cổ phiếu Vingroup muốn bán trị giá khoảng 12.000 tỷ đồng.

Ngày 4/8 vừa qua, Vingroup đã công bố thông tin về việc thành lập 2 công ty con mới, bao gồm Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VinES và Công ty cổ phần nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI.(Xem thêm)

Masan được rót 200 triệu USD từ quỹ Hàn Quốc

Theo The Korea Economic Daily, Masan sẽ huy động 200 triệu USD từ đợt chào bán quyền cho quỹ đầu tư tư nhân Korea Investment PE.

Trong thời gian gần đây, quỹ này cũng được cho là đã quyết định tham gia vào một số vấn đề của Masan với tư cách là bên thứ 3 và chiếm 2-3% cổ phần của công ty này, theo tờ Seoul Economic Daily.

Số tiền chính xác mà Masan đã huy động được trong vòng gọi vốn gần đây nhất hiện vẫn chưa được xác định. Thương vụ M&A này sẽ ghi tên Korea Investment PE vào danh sách cổ đông Hàn Quốc của Masan, bên cạnh những cái tên khác là National Pension (NPS), SK Group và IMM Investment Corp.

Được biết, vào năm 2018, NPS, SK Group và IMM đã nắm giữ 9,5% cổ phần của Masan với tổng giá trị lên đến 470 triệu USD.

Masan sau khi mua lại 83,7% cổ phần của VinCommerce từ VinGroup vào cuối năm 2019 đã bán 16,3% cổ phần của đơn vị này cho SK Group với giá 410 triệu USD vào tháng 4 vừa qua.

Hiện SK Group đang nắm giữ 29,2% vốn của VinCommerce.(Xem thêm)

MWG: Doanh thu tháng 7 tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ 'át chủ bài' Bách hóa Xanh

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng năm 2021.

Theo đó, lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 71.986 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 2.784 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Doanh thu online đóng góp hơn 6.400 tỷ đồng, (tăng 14% so với cùng kỳ). Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch LNST cả năm.

Riêng tháng 7/2021, doanh thu thuần của MWG đạt xấp xỉ 9.500 tỷ đồng và LNST đạt 231 tỷ đồng, tăng 10% về doanh thu và giảm 29% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Theo MWG, trong bối cảnh chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh có gần 2.000 cửa hàng (chiếm khoảng 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc) phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng trong nửa cuối tháng 7, việc giữ được tăng trưởng doanh thu cho toàn công ty là kết quả vượt kỳ vọng nhờ nỗ lực gia tăng doanh số vượt bậc của chuỗi Bách hóa Xanh.

Lũy kế 7 tháng 2021, Thế giới di động/Điện máy Xanh ghi nhận hơn 54.150 tỷ đồng doanh thu.

Báo cáo của MWG cho cho biết Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 17.600 tỷ đồng cho lũy kế 7 tháng năm 2021, tăng 57% so với cùng kỳ.

Tháng 7 ghi nhận kỷ lục mới của chuỗi với mức doanh thu gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng vượt trội này đẩy tỷ lệ đóng góp của Bách hóa Xanh trong tổng doanh thu của MWG lên tới 45%. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

MWG cho biết công ty đã tìm kiếm nguồn cung với giá cả hợp lý giúp Bách hóa Xanh đáp ứng nhu cầu hơn 31.000 tấn hàng tươi sống cho khách hàng trong tháng 7, gấp gần 2,5 lần so với mức trung bình trước dịch.

Nhờ đó, Bách hóa Xanh có cơ hội được phục vụ hơn 27 triệu lượt khách hàng (tương đương 900.000 lượt phục vụ trung bình mỗi ngày), gấp 1,4 lần so với mức trung bình trước dịch.(Xem thêm)

Sản lượng tiêu thụ tháng 8 giảm mạnh, Petrolimex ngừng nhập hàng từ BSR do hết sức chứa

Ngày 18/8, Petrolimex đã có văn bản phúc đáp công văn số 4076/BSR-KD ngày 14/8 và công văn số 4084/BSR-KD ngày 15/8 của Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) về việc cân đối bồn bể và hỗ trợ nhận hàng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Petrolimex cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp khiến cho nhiều tỉnh, thành phố lớn phải gia hạn thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, tổng sản lượng bán hàng 14 ngày đầu tháng 8 của Petrolimex chỉ đạt xấp xỉ 50% so với cùng kỳ tháng 6.

Trong đó, sản lượng bán của mặt hàng xăng RON 95-III ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất, khoảng 70% so với nửa đầu tháng 6.

Trước tình trạng sức mua giảm, hệ thống kho bể của Petrolimex luôn trong tình trạng đầy, chạm ngưỡng an toàn kỹ thuật, khó có khả năng tiếp nhận nguồn hàng từ BSR với số lượng lớn.

"Do vậy, đối với đề nghị cân đối bồn bể của BSR, sức chứa tại các kho trung tâm của tập đoàn đã không còn, Petrolimex sẽ thông báo ngay khi có thể tiếp nhận thêm, tùy thuộc vào tình hình tiêu thụ thực tế", ý kiến phúc đáp của Petrolimex.

Ông lớn xăng dầu cũng đề nghị, với các trường hợp nhận hàng sớm, BSR cần thông báo rõ thời điểm tàu đến cảng nhận hàng (laycan) và lượng hàng cần nhận trước từ 3 đến 5 ngày, để Petrolimex chuẩn bị phương án phối hợp.(Xem thêm)

‘Vua tôm’ Minh Phú liên tục rót thêm vốn vào các công ty con

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa phê duyệt tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Sản xuất Giống Thủy sản Minh Phú từ 138 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, trong đó tập đoàn sẽ góp thêm 62 tỷ đồng.

Tổng phần vốn góp của Minh Phú tại công ty con này sau khi góp thêm là hơn 199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 99,78%. Cổ đông còn lại của công ty là ông Lê Văn Quang, giá trị phần vốn góp là 450 triệu đồng, chiếm 0,225%.

Công ty TNHH Sản xuất Giống Thủy sản Minh Phú được thành lập vào tháng 2/2006, đặt trụ sở chính tại thôn Hòa Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ngành nghề chính theo đăng ký kinh doanh của công ty là sản xuất giống thủy sản.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Minh Phú đã liên tục thông qua loạt quyết định tăng vốn cho các công ty con. Trong đó tính riêng 3 tháng gần đây nhất (từ tháng 6 đến nay), tập đoàn đã phê duyệt tăng vốn cho 3 đơn vị.

Ngoại trừ Công ty TNHH Sản xuất Giống Thủy sản Minh Phú thì 2 đơn vị khác được tăng vốn là Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Minh Phú và Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Phát, với mức vốn tăng thêm lần lượt là 609 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.

Tổng cộng trong vòng 3 tháng gần nhất, số tiền được Minh Phú phê duyệt góp thêm vào các công ty con lên đến hơn 1.100 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II, Minh Phú có tổng cộng 16 công ty con, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và chế biến thủy sản.(Xem thêm)

Đại gia 8X thâu tóm nhiều công ty trên sàn chứng khoán

Louis Capital (TGG) vừa thông báo sẽ họp cổ đông bất thường vào ngày 6/9, để trình phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều gấp đôi, lên gần 573 tỷ đồng. Với giá chào bán 15.000 đồng/cp, công ty dự kiến huy động khoảng 450 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư.

Cụ thể, doanh nghiệp có kế hoạch chi 200 tỷ đồng để mua cổ phần APG của Công ty Chứng khoán APG. Ngoài ra còn chi 100 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Quản lý và Khai thác tài sản Louis AMC và 150 tỷ đồng còn lại đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời Suối Tiên.

Louis Capital còn có kế hoạch mua lại 10,5 triệu cổ phần, tương đương 95,5% vốn tại công ty Golden Paddy với giá 105 tỷ đồng, nhằm đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống nhà máy sản xuất gạo tại các tỉnh miền Tây; đồng thời chi 67 tỷ đồng để mua nhà đất tại số 678 Kinh Dương Vương (TP.HCM) với diện tích hơn 460 m2 để đầu tư kinh doanh.

Đây là những diễn biến mới nhất nằm trong chuỗi hoạt động M&A của Louis Holdings. Tập đoàn được điều hành bởi doanh nhân Đỗ Thành Nhân (sinh năm 1981) trước đó cũng liên tiếp gây chú ý trong thời gian ngắn khi thâu tóm 3 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.(Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác