'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
HBC mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023. Không có gì bất ngờ khi báo cáo này tiếp tục thể hiện kết quả kinh doanh tồi tệ của HBC, bởi ngành xây dựng nói chung và HBC vẫn đang đắm chìm trong cơn khủng hoảng nặng nề nhất một thập niên qua.
Theo báo cáo, doanh thu thuần quý III/2023 của HBC chỉ đạt 1.893 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp chỉ 40 tỷ đồng, giảm tới 86%. Tương ứng, biên lợi nhuận gộp đạt 2,11%.
Với khoản lợi nhuận gộp ít ỏi, trong khi chi phí hoạt động vẫn neo ở mức rất cao, HBC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 163 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thuần thứ 4 liên tiếp.
Đáng chú ý, đã không có một nguồn thu nhập khác đáng kể nào bù đắp cho HBC trong quý này, bởi việc thanh lý tài sản của Công ty Matec – vốn được kỳ vọng là “cứu tinh” và đã từng xuất hiện trong báo cáo quý II tự lập - vẫn chưa thành công do đối tác gặp khó khăn trong vấn đề xoay xở tài chính.
Hệ quả là HBC chịu lỗ trước thuế 164 tỷ đồng và lỗ sau thuế 170 tỷ đồng trong quý III/2023, đánh dấu quý lỗ sau thuế thứ 4 liên tiếp.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của HBC đạt 5.356 tỷ đồng, giảm 51%; lợi nhuận gộp đạt 227 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng biên lợi nhuận gộp 4,23%.
Chi phí tài chính và chi phí quản lý là hai “cơn sóng” lớn trong 9 tháng, với mức tăng lần lượt 17% và 59%, đã cuốn phăng toàn bộ thu nhập của HBC, khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 872 tỷ đồng.
Kết 9 tháng, HBC lỗ trước thuế 866 tỷ đồng, lỗ sau thuế 883 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã nâng tổng lỗ lũy kế của công ty lên mức 2.980 tỷ đồng, lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp.
Không ai dám chắc tình hình kinh doanh của HBC có thể cải thiện trong quý IV/2023 hay không, bởi ngành xây dựng vẫn đang hết sức khó khăn. Tuy nhiên, có thể nói, đã đi đến bước đường này, thêm một khoản lỗ cũng như thả một nắm muối xuống biển mà thôi. Điều quan trọng là cần xét xem, HBC lúc này đã có những chuyển biến đáng kể để trông mong hay không.
Và câu trả lời là có.
Xét bức tranh tài sản, tổng tài sản tại ngày 30/9/2023 của HBC đạt 13.697 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu chiếm 67%, đạt 9.184 tỷ đồng, giảm 17%.
Sự sụt giảm của các khoản phải thu là tín hiệu rất quan trọng với HBC lúc này, bởi công ty lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay một phần lớn là vì nợ đọng quá nhiều.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức trung tuần tháng 10/2023, chủ tịch HBC Lê Viết Hải đã thông tin rằng: trong quý IV/2023, công ty sẽ thu nợ hơn 2.800 tỷ đồng từ Novaland, Sun Group, Gamuda, Sunshine Group, Vingroup, Cocobay, Ecopark. Tới Tết Nguyên đán 2024, số nợ dự kiến thu hồi có thể đạt tới 4.846 tỷ đồng.
Trước đó, HBC thông tin đã thành công trong việc thu nợ 304 tỷ đồng từ FLC Group, đồng thời cho biết sẽ thu hồi 261 tỷ đồng từ Công ty TNHH Vì Khoa học và Công ty cổ phần Xây dựng phát triển đô thị, sau khi chiến thắng tại các vụ kiện.
Việc thu hồi công nợ cũng sẽ giúp dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của HBC giảm xuống, sau khi đã đạt tới 2.504 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc quý III/2023 - tăng 21% so với đầu năm và tăng thêm 1% so với thời điểm kết quý II/2023, là mức dự phòng cao nhất ngành xây dựng Việt Nam hiện tại. Dự phòng lớn và tăng mạnh trong 9 tháng qua chính là nguyên nhân cơ bản khiến HBC gánh chi phí quản lý khổng lồ - thứ đã thổi bay toàn bộ thành quả kinh doanh.
Bên cạnh câu chuyện thu hồi nợ, một tín hiệu tích cực khác là nợ vay. Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, nợ vay của HBC chiếm 38,5% tổng nợ phải trả, đạt 5.149 tỷ đồng và giảm 16% so với đầu năm.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức trung tuần tháng 10/2023, ông Lê Viết Hải cho hay, cập nhật tới giữa tháng 10, HBC đã tất toán, trả 1.327 tỷ đồng tại 7 nhà băng. Hiện tổng dư nợ tại 7 ngân hàng giảm xuống 4.756 tỷ đồng.
Những nỗ lực giảm nợ vay này chắc chắn sẽ giúp HBC giảm được chi phí lãi vay (rộng hơn là chi phí tài chính) vốn đang nặng như núi đè (9 tháng 2023, chi phí tài chính đạt 420 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ). Bớt được lãi vay là bớt được chi phí, qua đó giúp cải thiện vấn đề lợi nhuận.
Tín hiệu tích cực thứ ba là cải thiện vốn chủ. Qua 3 lần tổ chức đại hội đồng cổ đông trong năm 2023 (1 lần thường niên vào tháng 6, 1 lần bất thường thất bại vào tháng 8, 1 lần bất thường thành công vào tháng 10), HBC cuối cùng cũng đã có được cái gật đầu của cổ đông về việc phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ gồm: 54 triệu cổ phiếu (giá 12.000 đồng/cổ phiếu) để hoán đổi nợ; 220 triệu cổ phiếu để thanh toán nợ và bổ sung vốn kinh doanh.
Đây là điều vô cùng quan trọng với HBC lúc này, bởi trải qua 4 quý thua lỗ liên tiếp, vốn chủ sở hữu của công ty tại ngày 30/9/2023 chỉ còn 352 tỷ đồng, tức nợ phải trả tại cùng thời điểm gấp tới 38 lần vốn chủ. Việc bổ sung vốn trong hoàn cảnh hiện tại sẽ giúp HBC có nguồn lực để vực dậy, thậm chí tiếp tục mơ về những kế hoạch lớn lao còn dang dở.
HBC đã trải qua 4 quý tăm tối chưa từng có, nhưng hiện tại đã thấy được những tia sáng đầu tiên. Công cuộc tái cơ cấu này còn đau đớn hơn rất nhiều những gì công ty trải qua trong đại dịch Covid-19, song triển vọng là có thể nhìn thấy được.
HBC tháng trước đã đón chào tuổi 36 theo một cách có phần lặng lẽ, bởi cán bộ, nhân viên của công ty đã nhiều tháng chậm lương, giảm lương, thậm chí CEO Lê Văn Nam còn không có đồng lương nào. Song vẫn còn có thể chào tuổi mới nghĩa là vẫn còn hi vọng, mà HBC - với vị thế của kẻ từng là số 1 thị trường xây dựng, thì hi vọng luôn có nhiều hơn một cơ sở để tin vào.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.