Tài chính tiêu dùng

Thanh toán không tiền mặt: ATM và POS sắp hết thời?

(VNF) - “Người dân quê tôi dùng smartphone nhiều nhưng chỉ để nghe gọi, chát, lướt facebook, zalo. Đừng nên xây dựng quá nhiều ATM mà nên đẩy mạnh thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại thông minh”, đại diện một doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi nói trong hội thảo về thanh toán không tiền mặt tổ chức ngày 28/9/2018.

Thanh toán không tiền mặt: ATM và POS sắp hết thời?

Thanh toán không tiền mặt: ATM và POS sắp hết thời?

Tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn” do các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước phối hợp với một số ngân hàng thương mại và đối tác truyền thông báo Nông thôn ngày nay tổ chức, ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc công ty TNHHN Lucavi chuyên về chăn nuôi chế biến gia cầm có những phát biểu gây chú ý.

Không cần xây quá nhiều ATM

Theo ông, một thực tế đang diễn ra ở khu vực nông thôn là tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) khá cao nhưng chủ yếu để nghe, gọi, lướt facebook, zalo và rất ít khi sử dụng trong các giao dịch thương mại.

Trong khi đó, để giao dịch với ngân hàng, người dân phải di chuyển đến quầy khá bất tiện vì đường xa và mất thời gian. “Tôi phải đi mất 3 km mới đến được 1 điểm giao dịch của ngân hàng, quá nhiều chi phí thời gian”, ông Cường nêu vấn đề tại hội thảo.

Ông cũng mong muốn ngân hàng phải đẩy mạnh các hình thức thanh toán trực tuyến qua điện thoại thông minh, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ phù hợp với khách hàng nông thôn. Nhờ đó, tiết kiệm chi phí khi bố trí điểm giao dịch, giấy in, nhân sự; đồng thời, kiểm soát được giao dịch và chống trốn thuế, người thanh toán không phải khệ nệ vác cả túi tiền mặt đến ngân hàng vừa không an toàn vừa mất thời gian kiểm đếm.

Song song với đó, không nên xây dựng quá nhiều ATM vì đó chỉ là “két đựng tiền” quá tốn kém.

Trao đổi riêng với VietnamFinance, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, một đại diện của Trung tâm Fintech thuộc Viettel Telecom chuyển cho ông 10 nghìn đồng thông qua ViettelPay chỉ trong vòng mấy giây và sau đó nhận lại 10 nghìn đồng tiền mặt từ ông Phan Cử Nhân. “Qua giao dịch đó có thể thấy, bằng công nghệ số việc chuyển tiền cho nhau là quá dễ dàng và bất kỳ người nào cũng có thể là chiếc máy ATM của người kia”.

Theo ông Phan Cử Nhân, có 2 vấn đề cần lưu ý, thực tế để xây dựng cột ATM, mức tốn kém lên tới 30 nghìn USD/cột, trong khi hiện tại là thời điểm vàng của thanh toán trực tuyến thông qua fintech, QR code trên nền tảng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, để triển khai các hình thức này, đặc biệt là tại khu vực nông thôn cần phải có một chiến lược tổng thể và rõ ràng; trong đó, nên phát huy các nguồn lực từ cộng đồng.

“Tôi thấy đoàn thanh niên hoạt động khá sôi nổi trong các phong trào vệ sinh môi trường, sinh đẻ có kế hoạch, nâng cao dân trí. Trong thời gian tới, đội ngũ này nên lồng ghép nội dung xoá mù ngân hàng số và các hình thức trực tuyến khác tại khu vực nông thôn, sẽ cực kỳ có giá trị”, ông Nhân nói với VietnamFinance.

Chủ thẻ ATM ABBANK nội địa triển khai thanh toán thẻ bằng Samsung Pay từ cuối 2017. Ảnh: An Thơ

Vẫn còn nhiều trở ngại

Mặc dù các hình thức thanh toán trực tuyến chủ yếu thông qua smartphone tiết kiệm chi phí, an toàn hơn so với thanh toán tiền mặt nhưng theo một chuyên gia tại hội thảo, để triển khai hình thức thanh toán này tại khu vực nông thôn là vấn đề không đơn giản.

Cụ thể, dù có 40% số dân đã có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hàng ngày bằng tiền mặt và 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng; chưa kể, 85% giao dịch tại ATM là để rút tiền mặt. Do vậy, mục tiêu tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán ở mức 10% đến 2020 là không dễ thành hiện thực.

Riêng đối với khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa, đại đa số người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực này vẫn rút và sử dụng tiền mặt; các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại cũng trong tình trạng như vậy.

Ngoài ra, muốn thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản và để tiền trong đó; với người dân nông thôn, việc tốn phí khi thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm phí chuyển tiền, phí làm thẻ, phí thường niên, phí in sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí giao dịch… cũng như quy trình, thủ tục mở tài khoản phức tạp cũng là cản trở lớn khiến nhiều người ngần ngại sử dụng hình thức này.

Theo ông Trần Duy Diễn, giám đốc Trung tâm Fintech thuộc Viettel Telecom, doanh nghiệp này vừa đưa vào hoạt động ViettelPay. Giải pháp thanh toán này được tận dụng lợi thế hạ tầng công nghệ của Viettel với 70 nghìn trạm phát sóng BTS phủ kín 63 tỉnh, thành; đặc biệt là 95% dân số khu vực nông thôn. Cùng đó là 120 nghìn điểm cung cấp dịch vụ chuyển tiền mặt phủ rộng tới cấp xã.

“ViettelPay có thể giao dịch chuyển tiền điện tử, chuyển tiền mặt, thanh toán các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống như điện thoại, điện, nước, truyền hình, vay tiêu dùng, bảo hiểm ở mọi lúc, mọi nơi trên smartphone và cả điện thoại cục gạch feature phone”, ông Diễn “khoe” tại hội thảo.

Chúng tôi đặt mục tiêu tiêu triển khai 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, phủ được 100% các quận huyện và 80% các phường xã đáp ứng nhu cầu nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền (chuyển tiền học phí cho con, chuyển tiền cho người thân ở xa, …), thanh toán các dịch vụ (điện, nước, viễn thông, vé tàu, phí giao thông, bảo hiểm,..), đáp ứng nhu cầu thanh toán các dịch vụ mua sắm hàng ngày: tại siêu thị, chuỗi bán lẻ, kinh doanh cá thể.

Ngoài ra, Viettel hợp tác với Quỹ phát triển và bảo vệ môi trường rừng (Bộ NN&PTNT và tại các tỉnh) để chi trả tiền cho các hộ trồng từng thông qua ViettelPay mà hiện nay đang có kế hoạch triển khai tại Lâm Đồng và Sơn La.

Nguồn: ông Trần Duy Diễn, giám đốc Trung tâm Fintech thuộc Viettel Telecom

Tin mới lên