Thế giới tuần qua: Iran ‘bắn nhầm’ máy bay Ukraine, Nga khánh thành đường ống ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’

Lê Anh - 11/01/2020 15:23 (GMT+7)

(VNF) - Iran ‘vô tình’ bắn rơi máy bay Boeing khiến 176 người thiệt mạng, người Pháp biểu tình quy mô lớn để phản đối cải cách hưu trí, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành đường ống dẫn khí dài gần 1000 km qua Biển Đen... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua (6/1-12/1).

VNF
Thế giới tuần qua: Iran ‘bắn nhầm’ máy bay Ukraine, Nga khánh thành đường ống ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’

Iran tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ

Sáng 7/1 (giờ Mỹ), Lầu Năm Góc đã xác nhận hơn chục quả tên lửa đạn đạo Iran đã nã vào các căn cứ Mỹ, trong đó có căn cứ Ain al-Asad ở Tây Iraq, Iran cũng bắn một vài quả tên lửa nữa vào cơ sở khác của Mỹ gần thành phố Erbil.

Tiếp đó, hãng tin Tasnim của Iraq cho biết vào khoảng 3h30 giờ địa phương, Iran đã tiến hành đợt tấn công tên lửa thứ hai vào một số cơ sở khác của Mỹ tại Iraq.

Trong đợt tấn công này, khoảng 5 tên lửa đã nhắm vào doanh trại quân đội Taji - một căn cứ của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cách thủ đô Baghdad, Iraq khoảng 27km về phía bắc.

Tính tổng cộng, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng 22 tên lửa vào các căn cứ có lực lượng Mỹ.

Hình ảnh tên lửa rời bệ phóng do hãng thông tấn Fars News của Iran công bố sáng 8/1.

Đây được coi là hành động đáp trả của lực lượng vũ trang Iran sau vụ quân đội Mỹ không kích đoàn xe tại sân bay Baghdad (Iraq) và sát hại Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh Đơn vị Đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 3/1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đòn tập kích tên lửa của Iran không gây thiệt hại đáng kể và Washington sẵn sàng tìm kiếm hòa bình với Tehran. Tuy nhiên, Washington cũng tuyên bố sẽ có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với quốc gia Cộng hoà Hồi giáo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 11/1 tuyên bố áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào 8 quan chức cấp cao và 17 nhà sản xuất kim loại Iran, đáp trả Tehran tập kích lực lượng Mỹ.

Ông Mnuchin cho biết Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực với nền kinh tế Iran cho đến khi "chế độ ngừng tài trợ cho khủng bố toàn cầu và cam kết không bao giờ có vũ khí hạt nhân".

Quân đội Iran ‘vô tình’ bắn rơi máy bay Boeing khiến 176 người thiệt mạng

Chuyến bay số hiệu PS752 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine (Ukraine International Airlines) gặp nạn khi đang trên hành trình từ thủ đô Tehran của Iran tới thủ đô Kiev của Ukraine.

Dữ liệu trên trang web FlightRadar24 cho thấy chiếc máy bay xấu số trên đã ngừng gửi tín hiệu về đài kiểm soát không lưu sân bay Imam Khomeini ở Tehran, chỉ 3 phút sau khi cất cánh từ sân bay này trong sáng 8/1.

Chiếc Boeing 737-800 đạt độ cao hơn 2.400 mét trước khi đột ngột biến mất khỏi màn hình radar.

Hiện trường vụ rơi máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine International Airlines sáng 8/1.

Toàn bộ 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn trên máy bay trên đã thiệt mạng. Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, trong số 176 người thiệt mạng có 82 công dân của Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Sĩ, 4 người Afghanistan, 3 người Đức và 3 người Anh.

Kênh truyền hình nhà nước Iran sáng 11/1 dẫn một tuyên bố từ quân đội cho biết lực lượng này đã "vô tình" bắn rơi chiếc máy bay chở khách Ukraine hôm 8/1, khiến 176 người thiệt mạng.

Theo thông báo của lực lượng quân sự, chiếc máy bay của Ukraine đã bị nhầm là một "mục tiêu của kẻ thù" giữa bối cảnh quân đội Iran đang ở "mức sẵn sàng cao nhất" trong căng thẳng leo thang với Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bày tỏ lời xin lỗi và chia buồn với gia đình các nạn nhân và các quốc gia bị ảnh hưởng.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành đường ống dẫn khí dài gần 1000 km qua Biển Đen

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 8/1 đã dự buổi lễ khánh thành dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream).

Đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" dài gần 1.000km, gồm 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt, mỗi tuyến ống có khả năng cung cấp 15,7 tỷ m3 khí mỗi năm, có tổng vốn đầu tư khoảng 15,5 tỷ euro (khoảng 17,2 tỷ USD).

Một tuyến ống của "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" sẽ đưa khí đốt trực tiếp từ Nga qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, và một tuyến ống khác sẽ chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới phía tây, vận chuyển khí đốt đến các nước vùng  Nam và Đông Nam của châu Âu.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiến hành mở van tượng trưng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".

Dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" ban đầu được lên kế hoạch đưa vào sử dụng tháng 12/2016, tuy nhiên đã bị dừng lại vào tháng 10/2015 do cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài giữa Ankara và Moscow. Cuối cùng dự án đã được khởi động trở lại vào tháng 9/2016.

Tập đoàn Gazprom đánh giá Hy Lạp, Italia, Bulgaria, Serbia và Hungary là thị trường khí đốt tiềm năng của Nga.

Bulgaria đã bắt đầu nhận khí đốt của Nga thông qua tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1/1 vừa qua. Đường ống này sẽ cung cấp cho Bulgaria 2,9 tỷ m3 khí đốt Nga mỗi năm.

Theo kế hoạch, Bắc Macedonia và Hy Lạp bắt đầu nhận khí đốt của Moscow từ ngày 5/1 thông qua trạm nén khí của Strandja-2 tại Bulgaria.

Pháp: Biểu tình quy mô lớn phản đối cải cách hưu trí

Ngày 9/1, hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ xuống đường tuần hành trên khắp nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron.

Đây là ngày thứ 4 trong đợt tuần hành bắt đầu từ ngày 5/12 năm ngoái, trong khi cuộc đình công trong ngành giao thông công cộng bước sang ngày thứ 36.

Căng thẳng nổ ra tại thủ đô Paris và các thành phố khác sau khi những người biểu tình mặc đồ đen đập phá cửa kính của nhiều cửa hàng và gây rối tại các điểm dừng xe buýt, trong khi nhiều người khác ném đá vào lực lượng cảnh sát giải tán đám đông bằng hơi cay.

Cảnh sát cho biết đã bắt giữ ít nhất 24 người tại Paris, nơi có 56.000 người biểu tình tuần hành về phía nhà ga Saint-Lazare.

Hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ xuống đường tuần hành trên khắp nước Pháp.

Trong khi đó, khoảng 452.000 người khác từ giáo viên đến công nhân tàu điện ngầm tuần hành trên khắp nước Pháp.

Cuộc đình công đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông tại Paris và nhiều thành phố khác.

Theo cơ quan khai thác đường sắt SNCF, 2/3 lái tàu và 57,6% kiểm soát viên tham gia cuộc đình công do đó SNCF dự kiến sẽ chỉ duy trì 60% số chuyến tàu cao tốc còn đối với các chuyến liên tỉnh từ 5 chuyến rút còn 1 chuyến vào ngày 9/1.

Tại Paris, toàn bộ 16 tuyến tàu điện ngầm đều mở cửa nhưng nhiều dịch vụ bị cắt giảm. Tổng cục Hàng không dân dụng (DGAC) đã yêu cầu các hãng hàng không hủy 1/3 các chuyến bay đến và đi từ Toulouse, Tây Nam nước này, đồng thời dự kiến tình trạng gián đoạn và hoãn hủy cũng xảy ra ở các sân bay khác.

Ngoài ra, nhiều lĩnh vực ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng do nhân viên tham gia đình công.

Xem thêm >> Tổng thống Iran: Vụ ‘bắn nhầm’ máy bay Ukraine là ‘sai lầm không thể tha thứ’

Cùng chuyên mục
Tin khác