Thứ trưởng Bộ giao thông: 'Quyết tâm giải ngân 24.000 tỷ trong 5 tháng cuối năm 2021'

Đinh Tịnh - 24/08/2021 10:49 (GMT+7)

(VNF) - Chiều ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ban hành Công điện 11 về việc thành lập tổ công tác đặc biệt đốc thúc tiến độ giải ngân ngành giao thông. Dự kiến, trong 5 tháng cuối năm, toàn ngành phải giải ngân 24.000 tỷ đồng.

VNF

Xử lý nghiêm nếu để chậm giải ngân

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Tổ công tác đặc biệt đốc thúc tiến độ giải ngân sẽ do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là Tổ trưởng. Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm là Tổ phó, thành viên là các cục trưởng, vụ trưởng liên quan.

Nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt trên là đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêm túc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1082 ngày 16/8/2021.

"Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài", Công điện Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) khẩn trương tham mưu thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng là Tổ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm là Tổ phó.

Tổ công tác xây dựng đề cương công tác chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và triển khai ngay nhiệm vụ sau khi được thành lập.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Sẵn sàng "3 tại chỗ" trên công trường

Ngày 24/8, trao đổi với VietnamFinance, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm - Tổ phó tổ công tác đặc biệt cho biết: Tính đến tháng 8/2021, toàn ngành giao thông đã giải ngân khoảng 19.000 tỷ đồng đạt 44,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với mức bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương.

Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn nặng nề, chỉ trong 5 tháng tới sẽ phải giải ngân 24.000 tỷ đồng. Trong khi đó, miền Trung sắp bước vào mùa mưa, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng diễn ra tại nhiều dự án, giá thép tăng cao, dịch covid diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải phong toả, điều này rất khó khăn khi các xe ra/vào công trường bị kiểm soát chặt.

Thậm chí, có trường hợp công nhân trên công trường nhiễm covid khiến hoạt động gói thầu bị ngưng trệ. Ví dụ như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ghi nhận có 2 cán bộ của gói thầu số 1 dương tính với Covid-19 và nhiều cán bộ, công nhân thuộc diện F1, F2 phải đi cách ly, công trình tạm gián đoạn vài ngày để truy vết phòng chống dịch.

Để công tác thi công không bị gián đoạn, Ban Quản lý dự án 7 và các nhà thầu bắt tay vào thi công và kiểm soát chặt dịch bệnh với phương án “3 tại chỗ” trên công trường.

Nói về phương án "3 tại chỗ", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết: Nhiều tháng qua, các cán bộ Ban QLDA, kỹ sư đều "trực chiến" trên công trường để cùng ăn, cùng ở với công nhân. Kịp thời đôn đốc tiến độ, khối lượng công việc, làm các thủ tục hồ sơ thanh quyết toán kịp thời ngay tại công trường.

"Tới đây, Tổ công tác đặc biệt sẽ sát sao hơn nữa về tiến độ dự án như: chúng tôi sẽ yêu cầu mốc cụ thể từng ngày, từng tuần, từng tháng phải làm như thế nào, thi công những hạng mục gì, khối lượng ra sao. Nếu chưa kịp thi phải tăng tốc để bù vào các sản lượng đang thiếu để kịp tiến độ", ông Lâm nói.

Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn khác, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên "luồng xanh" cho máy móc, xe vật liệu xây dựng vào công trường để thực hiện các dự án cao tốc trọng điểm quốc gia. Đối với những khó khăn về nguồn vắc xin, Bộ cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin 100% cho các cán bộ công nhân viên, nhà thầu, Ban QLDA. 

"Dù mục tiêu giải ngân 24.000 tỷ đồng trong 5 tháng tới là nhiệm vụ khó khăn, nhưng Bộ GTVT quyết tâm phấn đầu từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân hoàn thành kế hoạch 43.000 tỷ đồng được Chính phủ, Quốc hội giao năm 2021", Thứ trưởng Lâm nói.

Đến tháng 9/2021 phải giải ngân tối thiếu 60% kế hoạch

Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã duyệt 21/26 dự án, giải ngân 19.000 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với mức bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương (32,69%).

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu, trong tháng 8/2021, các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư phải giải ngân là 3.076 tỷ đồng (theo kế hoạch) và giải ngân bù phần chậm kế hoạch tháng 7 khoảng 980 tỷ đồng. Đồng thời, các tháng còn lại của năm 2021, các đơn vị phải hoàn thành giải ngân 24.400 tỷ đồng.

"Cụ thể, trong tháng 8/2021 phải giải ngân được 53% kế hoạch; tháng 9/2021 phải giải ngân tối thiểu được 60% kế hoạch", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo

Thủ tướng chỉ đạo điều chuyển vốn với đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60%

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 với các đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch để cương quyết điều chuyển.

Bộ Tài chính bảo đảm nguồn thanh toán, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thời gian kiểm soát thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ.

Công khai tình hình thực hiện và tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.