Thủ tướng chốt mốc khởi công, hoàn thành dự án vành đai 3 TP. HCM

Nghi Xuân - 29/01/2023 19:48 (GMT+7)

(VNF) - Chiều 29/1, tại TP. HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch (thuộc dự án vành đai 3 TP. HCM).

VNF
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án vành đai 3 TP. HCM.

Tại công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan đề nghị 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là khâu thiết kế tránh phải điều chỉnh về sau này; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, khởi công dự án vào 6/2023 để cơ bản thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 6/2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2026.

Thủ tướng cho rằng, đường Vành đai 3 đi vào khai thác, sẽ phát huy hiệu quả cao; đề nghị nghiên cứu xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM. Chính phủ sẽ cùng TP. HCM và các địa phương cân đối, bố trí thêm vốn từ nguồn tăng thu để bổ sung cho các dự án đang triển khai tốt mà thiếu vốn.

Dự án vành đai 3 TP. HCM dài hơn 76km, đi qua TP. HCM (47,51km), Bình Dương (10,76km), Đồng Nai (11,26km), Long An (6,81km). Toàn tuyến vành đai 3 khi hoàn thành sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm: TP. HCM - Trung Lương, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP. HCM - Mộc Bài và TP. HCM - Chơn Thành.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dự án vành đai 3 TP. HCM được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án, gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Tuyến đường có quy mô 6 - 8 làn xe, giai đoạn một sẽ làm trước 4 làn, 2 bên xây đường song hành. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện toàn bộ để tránh tăng kinh phí giải phóng mặt bằng, với chiều rộng 63-120m, tổng diện tích hơn 642ha.

Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực; mở ra không gian mới, hình thành các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho khu vực, sẽ tạo động lực mới cho kinh tế, xã hội cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hơn 20 triệu người.

Cùng chuyên mục
Tin khác