TP. HCM vẫn 'gồng mình' gánh tuyến metro số 1

Hà Mai - 05/11/2018 07:30 (GMT+7)

Quốc hội chưa thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch - Đầu tư không cấp phát vốn ODA năm 2018 do vướng mắc thủ tục pháp lý, TP. HCM vẫn phải “gồng mình” đưa tuyến metro số 1 hoàn thành đúng hẹn.

VNF
TP.HCM vẫn 'gồng mình' gánh tuyến metro số 1.

Cần bổ sung khoảng 20.500 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM, khối lượng tổng thể toàn dự án tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) tính đến ngày 11.10 đã đạt 57%. Trong đó, các gói thầu đạt tiến độ cao nhất là gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 49%, gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 66%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt khối lượng 77%...

Thời gian qua, TP.HCM vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu thi công. Nguyên nhân do Quốc hội chưa xem xét, thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng không cấp phát vốn ODA năm 2018 cho tuyến metro số 1 do vướng mắc thủ tục pháp lý. Việc bố trí kế hoạch vốn ODA năm 2017 và trung hạn giai đoạn từ năm 2016 - 2020 chưa đáp ứng theo nhu cầu.

Cụ thể, năm 2017 vốn ODA được giao là 2.119 tỉ đồng, chỉ đáp ứng được 39% so với nhu cầu 5.422 tỉ đồng của dự án. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn trung hạn là 28.000 tỉ đồng, trong khi tuyến metro số 1 mới được giao 7.500 tỷ đồng (đáp ứng 26%). Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT về tình hình thực hiện dự án, UBND TP.HCM cũng nêu rõ cần bổ sung khoảng 20.500 tỉ đồng để tuyến metro được hoàn thành đúng hẹn vào năm 2020. Trước tình hình trên, UBND TP đã phải liên tục tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu thi công. Tính từ cuối năm 2016 đến nay, TP đã phải “gồng mình” tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng. 

Tại hội thảo về quy hoạch đô thị diễn ra mới đây tại TP. HCM, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng tuyến metro số 1 từ gần 17.400 tỉ đồng lên gần 47.400 tỉ đồng đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến thống nhất. Hiện việc thi công toàn tuyến vẫn diễn ra bình thường, TP đang chờ ý kiến T.Ư về chấp thuận tăng mức đầu tư.

Ông Tuyến cho biết tuyến metro số 1 không thiếu vốn. TP đã ký quyết định vay có sẵn với Nhật Bản, dự án có 35.000 tỷ đồng và chỉ chờ các cấp thẩm quyền gật đầu là số vốn này sẵn sàng được sử dụng. “Trong thời gian chờ đợi, TP phải xin tạm ứng để dự án được tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch. Tiền tạm ứng của TP đến giờ tuyến metro số 1 vẫn dùng chưa hết. Dự kiến đến cuối 2019, đầu 2020 dự án sẽ đi vào hoạt động theo đúng tiến độ và TP đủ sức triển khai dự án này”, Phó chủ tịch UBND TP thông tin.

Metro không chỉ là phương tiện giao thông

Việc “khát” vốn ODA, chậm phân bổ vốn cho tuyến metro số 1 đã được TP.HCM báo cáo các bộ, ngành cấp T.Ư từ cách đây hơn 1 năm nhưng đến giờ này, những khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết. Nhiều chuyên gia nhận định dự án metro số 1 đã làm là không thể ngừng, TP bắt buộc phải tạm ứng để duy trì dự án.

Tuy nhiên nguồn lực của TP hiện nay có hạn, chuyện “giật gấu vá vai” chỉ là giải pháp tạm thời, không thể duy trì thêm thời gian dài hơn nữa. Các bộ, ngành, Chính phủ cần ưu tiên tuyến metro số 1, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để dự án có thể “về đích” đúng hẹn vì tuyến metro số 1 ảnh hưởng trực tiếp, mang tính quyết định rất lớn đến hầu hết dự án về giao thông, quy hoạch đô thị của TP.HCM.

Cụ thể, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn lưu ý bản thân UBND TP.HCM cần xác định tuyến metro số 1 không chỉ đơn giản là một tuyến giao thông mà là khởi nguồn để xây dựng một dải đô thị tuyến từ trung tâm TP đến khu vực Suối Tiên. Theo đó, dọc theo tuyến metro, hai bên đường và xung quanh các trạm dừng, nhà ga trong bán kính khoảng 1 - 2 km sẽ hình thành các dự án cao tầng, khu đô thị cùng với các tuyến giao thông huyết mạch, mạng lưới xe buýt song hành.

Đây là cơ hội để thu hút từ vài trăm ngàn đến cả triệu người dân đến sinh sống, vừa giúp phát triển đô thị vệ tinh, vừa cung cấp nguồn khách ổn định cho metro và giảm nhu cầu xe cá nhân, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cho TP. Chưa kể một triệu dân sống tại dải đô thị lớn này là nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ tạo nên tiềm lực rất lớn, tương đương cả một quận, mang lại giá trị kinh tế cao cho không chỉ TP. HCM mà tác động đến nền kinh tế chung của cả nước.

Từ quan điểm trên, ông Sơn cho rằng các bộ, ngành T.Ư cũng cần đánh giá đúng tầm quan trọng của tuyến metro số 1 để có những ưu tiên nhất định đối với TP. HCM, không chỉ nhanh chóng giải ngân mà còn cần đầu tư nhiều hơn cho tuyến này để hình thành các khu đô thị. Nếu đơn thuần xem tuyến này chỉ là 1 trong 8 tuyến metro nằm trong quy hoạch, rõ ràng chỉ có một tuyến, chưa kết nối được thành mạng lưới thì lợi ích đem lại cũng chưa lớn.

Nhưng nếu nhìn dưới góc độ quy hoạch đô thị, tuyến metro số 1 là nền móng của cả dải đô thị, là xương sống để TP quy hoạch không gian ngầm, cải thiện tình hình ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế, xã hội, dù quy hoạch cả chục tuyến metro nhưng chỉ cần có 2 - 3 tuyến vẫn đem lại lợi ích kinh tế rất lớn.

Hoàn thành càng sớm càng có lợi

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP. HCM, nhận xét: “Dự án này hoàn thành càng sớm thì càng có lợi cho nhiều phía, ngược lại tiến độ càng chậm càng gây thiệt hại. Về mặt tinh thần, đây là công trình giao thông quy mô lớn đầu tiên tại TP. HCM được kỳ vọng góp phần giải quyết ùn tắc nên nếu hoàn thành sớm sẽ tạo sự hứng khởi lớn cho người dân TP. Vì vậy, các bên liên quan, nhất là các cơ quan T.Ư có thẩm quyền, UBND TP. HCM cần phải ưu tiên cho dự án”.

Xem thêm: Cần 28.000 tỷ mà Bộ chỉ rót 7.500 tỷ, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên 'đói nặng'

Theo Thanh Niên
Cùng chuyên mục
Tin khác